Có ai lo mùa đông Hà Nội không còn rét?

03/01/2008 19:57 GMT+7

Háo hức chờ đợi bao lâu, mãi tới Tết tây đến, Hà Nội mới được hưởng một đợt không khí lạnh sướng tê người (theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng). Có lẽ chưa bao giờ, cái lạnh lại khan hiếm ngay giữa mùa đông như vậy.

Ai cũng nói, mùa đông năm nay thật kỳ lạ. Đầu tiên là một trận mưa rào ngập đường ngập phố hoàn toàn trái quy luật tự nhiên. Rồi đến cái tiết trời lưng lửng dai dẳng suốt từ mùa thu, mặc dù thi thoảng các cô gái thời tiết vẫn thông báo trên ti vi: sắp có đợt không khí lạnh ùa về. Không ít người đã vội lo xa, khéo Tết năm nay lại nóng vã mồ hôi như Tết năm trước.

Tò mò nhìn lại biểu đồ thời tiết Hà Nội, tôi giật mình nhận ra, những dấu hiệu thất thường đã rập rình từ thập kỷ 90 của thế kỷ trước, và đặc biệt rõ nét trong hai năm trở lại đây với hai mùa đông ấm áp.

Theo quan sát của  Viện Khí tượng thuỷ văn thì, từ 1991 đến 2000, nhiệt độ Hà Nội đã tăng thêm gần 1 độ so với những năm đầu của thế kỷ XX. Cùng với đó, là cái nóng bất chợt giữa mùa đông,  gió mùa đông bắc giảm xuống (trong 10 năm, chỉ có khoảng 250 đợt không khí lạnh qua Hà Nội, giảm nhiều so với 2 thập kỷ trước). Hiện tượng mưa phùn cũng giảm một nửa. Những số liệu có thể khiến mùa đông mất đi nhiều thi vị đối với những tâm hồn lãng mạn.

Nhưng, những ai yêu mùa đông sẽ còn phải buồn bã hơn nữa khi biết rằng, toàn miền Bắc đang đứng trước nguy cơ bị cái nóng "nuốt" mất mùa đông. Hà Nội chỉ là một trong những khu vực trên toàn cầu chịu ảnh hưởng của sự biến đổi khí hậu, cả trái đất đang cùng nóng lên. Tổ chức Khí tượng thế giới (Liên hợp Quốc) ghi nhận: giai đoạn 1988-2007 là thời kỳ nóng nhất từ trước đến nay. Và năm 2007 là năm có khí hậu khắc nghiệt nhất.

Chưa bao giờ  các cuộc hội thảo, hội nghị, toạ đàm về biến đổi khí hậu lại diễn ra dồn dập như vậy. Bên bàn thảo luận, người ta chỉ ra, nguyên nhân của biến đổi khí hậu là do sự gia tăng của khí nhà kính (nhóm chất khí ngăn cản quá trình thoát nhiệt từ trái đất, làm nhiệt độ khí quyển tăng lên, bao gồm dioxyt carbon C02, mê tan CH4, N20, hơi nước). Cũng bên bàn thảo luận, trách nhiệm của con người trước sự biến đổi khí hậu toàn cầu được đưa ra mổ xẻ và hàng loạt biện pháp từ đơn giản đến phức tạp đã được đưa ra....

Hẳn ai cũng nhớ, Việt Nam đã tham gia Nghị định thư Kyoto (về giảm tổng lượng phát thải khí nhà kính). Hàng loạt hội thảo, hội nghị về biến đổi khí hậu cũng đã diễn ra tại các thành phố lớn của chúng ta. Hàng loạt những biện pháp được đề cập với một chút dè dặt. Nguyên nhân và cách khắc phục thì ai cũng rõ. Nhưng thực hiện thế nào và đến đâu là một vấn đề khác hẳn. 

Hà Nội không thiếu cây xanh nhưng những cánh rừng già đang mất dần đi ở khắp nơi trên toàn quốc. Hà Nội đã qua trào lưu nhà nhà lúc lỉu lồng gà ngoài ban công nhưng xe máy lại giăng kín phố và các nhà máy, khu công nghiệp cũng "phủ sóng" khắp các địa phương.... Hà Nội biết bao giờ mới có  được mạng lưới xe buýt chất lượng cao và xe điện ngầm để có thể giảm thiểu lượng khí thải phụt ra từ ống bô xe máy?

Một chuyên gia về khí tượng thuỷ văn đã đưa ra hai dự báo cho khí hậu Hà Nội: ở hướng "bi quan" nhất, theo anh, nhiệt độ Hà Nội đến giữa thế kỷ 21 có thể tăng lên khoảng 1,5 độ so với hiện nay và khoảng 3,5 độ vào cuối thế kỷ 21. Nhiệt độ mùa đông Hà Nội có thể tăng hơn so với hiện nay từ 4-5 độ vào năm 2100.

Còn dự báo lạc quan nhất, nhiệt độ Hà Nội năm 2100 tăng so với hiện nay khoảng 2 độ. Tức là, cho dù chúng ta có hành động hay không thì trái đất vẫn sẽ ấm lên. Mùa đông Hà Nội cũng vậy. Chỉ có điều ấm lên ở mức độ nào thôi. Cố gắng thích nghi với cái nóng giữa mùa đông hay nỗ lực cắt giảm khí thải, "Bởi chúng ta không có một hành tinh nào khác để tới đó mà sống" -  nói như Thủ tướng Australia Kevin Rudd. Có hai cách để  bạn lựa chọn.

Hương Lan

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.