Từ thuở thanh xuân say mê câu hát “Trăng phương Nam sáng tỏa khắp bờ Cửu Long/ Nước chảy con thuyền xuôi dòng/ Hòa những tiếng hò ấm lòng”, tôi đã lãng mạn mang chiếc va li với vài bộ quần áo, một tấm chứng chỉ tốt nghiệp tú tài 2, một cây đàn violon vào Sài Gòn để tìm vầng trăng phương Nam và đã gặp ở Sài Gòn cũng như miền đất thân yêu Nam bộ những “vầng trăng” như vậy.
|
Sài Gòn thuở ấy là một thành phố trên dưới 1,5 triệu dân, được gọi riêng ra là Sài Gòn, Gia Định và Chợ Lớn. Khái niệm Gia Định để chỉ tất cả các quận ngoại thành theo cách gọi của chế độ cũ, có thể hình dung là một vùng nếp thơm bao bọc hai “cục nhân” ngon lành Sài Gòn - Chợ Lớn vào giữa.
Sài Gòn là thành phố rộng bao dung mọi số phận, mọi cảnh đời bất cứ từ đâu tới. Chính vì vậy, ngay sau khi đặt chân vào Sài Gòn, ở trọ trong căn nhà đầu tiên trên đường Nguyễn Hoàng (nay là Trần Phú, Q.5), tôi đã cảm thấy lòng mình ấm áp y như đang ở trên quê nhà thân yêu của mình.
Tôi nộp đơn vào học ở Đại học Văn khoa. Nhà giáo nhận đơn dịu dàng hướng dẫn: “Em phải sao chứng chỉ tốt nghiệp ra, giữ bản chính để sau này còn nhận bằng nữa”. Tôi sao chứng chỉ, lên Tòa hành chính Q.5. Ông ủy viên thư ký tiếp tôi với một nụ cười: “Con chọn ngành này là để ngày sau viết văn, viết báo chửi đời đây. Chửi cho hay, con nhé!”. Câu nói đùa của ông thư ký không ngờ lại trở thành nghề nghiệp của tôi sau này.
Chẳng ai hỏi tôi ở đâu, làm gì, gia đình bao nhiêu người, tại sao phải vào Sài Gòn đi học mà không chọn nơi khác cho gần gia đình. Sài Gòn là như vậy, trước nay vẫn thân thiện với mọi người, không muốn làm phiền ai cả, kể cả một người học trò miền Trung tứ cố vô thân.
Tôi bắt đầu những ngày tháng đi học và kiếm ăn để tự nuôi bản thân mình. Sài Gòn không cho phép ai làm biếng há miệng chờ sung. Tôi dạy kèm cho hai em người Hoa học chương trình Việt. Ông chủ nhà vốn là nhân viên trong một khách sạn lớn, ngày nào cũng kiếm một món gì đó đem về cho tôi ăn thêm.
Đó là một gia đình gốc Triều Châu tốt bụng, em trai tên Xừng (Thành), em gái tên Húa (Hoa). Cuộc sống phiêu dạt, không biết bây giờ hai em về đâu. Riêng ngày ấy, tôi xem gia đình này thân thiết như gia đình của chính mình.
Món tiền đầu tiên tôi nhận được là nhuận bút do nhà văn Lê Tất Điều - thư ký tòa soạn một tờ nhật báo trên đường Lê Lai, đưa cho. Tôi đến làm quen với ông trong cái tòa soạn mái tôn nóng hầm hập. Ông khuyên tôi nên viết… truyện ngắn. Tôi viết về chuyến đi của mình vào Sài Gòn, bản thảo viết tay trên 6 tờ pelure mỏng. Ông đọc, sửa vài chữ và đưa cho thợ morasse sắp chữ ngay, nói giản dị: “Tuần sau ngày này, em đến lãnh nhuận bút nghe”.
Những năm tháng sau đó, tôi ở trọ trong cư xá Quảng Đức 294 Công Lý (nay là Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Q.3). Các vị giáo phẩm quản lý cư xá đối với sinh viên nghèo miền Trung rất tử tế. Ở đây, tôi làm thêm nhiều “nghề”: đi đàn cho phòng trà Lệ Liễu tuần 3 lần, mỗi lần được 30 đồng; ký âm lại những ca khúc tiền chiến mà mình thuộc cho các ban nhạc, mỗi bài 20 đồng; làm… phụ hồ khi thành phố đình công, bãi thị, phòng trà đóng cửa.
Năm cuối cùng, tôi được nhận vào dạy tại Trung học tư thục Minh Tâm (Nhà Bè), tuần 8 tiết, mỗi tiết 20 đồng. Bạn biết đấy, quán cơm xã hội đầu đường Trần Quang Khải ngày ấy giá 3 đồng/bữa; cá chỉ một miếng nhưng cơm thì ăn bao nhiêu cũng được.
Mà tôi thì chỉ cần no cơm, chẳng cần ấm áo vì Sài Gòn không bao giờ lạnh! Những ngày sau lãnh lương hoặc lãnh học bổng, chúng tôi ăn cơm tiệm. Canh chua cá bông lau bà Năm Ở hay cá chìa vôi chưng tương quán ông Hai Châu ở chợ Phú Xuân còn lắm vẻ phong lưu!
Người Sài Gòn không phụ ai hết, sẵn sàng tạo điều kiện cho người mới, cái mới phát triển. Năm hai mươi tuổi, tôi cầm cây guitare và 2 bản thảo ca khúc Thu, hát cho người và Chiều mơ đến nhà chị Hà Thanh. Tôi hát cho chị nghe, được chị khen hay và nói: “Chị giữ 2 bài hát này để giới thiệu với nhạc sĩ Anh Ngọc hỉ”.
Thứ sáu tuần sau đó, Hà Thanh hát Thu, hát cho người; Anh Ngọc hát Chiều mơ trong ban Tiếng nhạc tâm tình Đài Sài Gòn với hòa âm của nhạc sĩ Trần Nhật Bằng. Lần đầu tiên, vài tờ báo gọi tôi là “nhạc sĩ”. Vậy đó, người Sài Gòn ứng xử với nhau một cách chân tình, tử tế. Về sau này, tôi ứng xử với các em nhạc sĩ trẻ hay ca sĩ trong các chương trình của tôi thực hiện cũng vậy. Tôi học được một điều: không được phép lấy một lý do gì để phụ các tài năng muốn được phục vụ cho đời.
Sài Gòn - TP.HCM hôm nay đã phát triển lớn rộng, dân số trên 10 triệu người. Cũng như tôi ngày xưa, các em học sinh cả nước rất mong được thi đậu vào các trường đại học nơi này, tốt nghiệp ra trường được làm việc ở nơi này. Thành phố không phân biệt đối xử với bất cứ ai. Các em phóng viên ở 4 tờ báo mà tôi từng cộng tác căn bản là người các tỉnh có tay nghề tốt, viết báo hay, đạo đức trong sáng được nhận vào sau những thử thách, sàng lọc về nghiệp vụ.
Suy rộng ra, các đơn vị kinh tế, hành chính nghiệp vụ chuyên môn cũng tuyển người và phát triển tài năng con người như vậy. Ta có thể thấy được một số cán bộ, công chức sai phạm gây tai tiếng vừa qua là những người không được học hành bài bản hoặc chỉ ỷ lại nguồn gốc con ông cháu cha mà làm bậy.
Sài Gòn là nơi xem trọng phẩm giá và sinh mạng chính trị của con người. Trong nhiều năm qua, Sài Gòn là nơi không có vụ án nào oan khuất. Vụ tai tiếng ở Bình Chánh mới đây được xử lý rốt ráo khiến mọi công dân có thêm niềm tin mới vào các cơ quan pháp luật, công quyền.
Những cải cách mới, những công trình xây dựng liên tiếp được thực hiện là để làm đẹp cuộc sống, làm cuộc sống con người khá hơn, tốt hơn. Không nơi đâu, công trình công ích nhiều bằng Sài Gòn. Về căn bản, chất lượng xây dựng các công trình ở Sài Gòn tốt hơn nhiều nơi khác.
Những người nghèo thường có khuynh hướng muốn tìm về Sài Gòn kiếm sống. Họ biết nếu chịu khó bỏ công lao động ra nấu nồi xôi hay mở chỗ bán bánh cuốn ven lề đường thì cũng kiếm lời được mỗi tháng từ 4 đến 6 triệu đồng nuôi con cái.
Những anh chị em công nhân và người lao động các tỉnh về đây làm công việc trong các nhà máy, công trường thì đồng thu nhập và cuộc sống ổn định hơn. Sài Gòn đi đầu trong việc chăm lo nhà ở cho người thu nhập thấp.
Cái gì ở Sài Gòn cũng tiên phong, từ giáo dục, văn hóa, xã hội đến kinh tế, chính trị, an ninh trật tự. Là một nơi tụ hội con người nên những loại tội phạm kéo nhau về Sài Gòn cũng không ít. Công tác phòng chống tội phạm, xóa băng nhóm, bắt bọn giang hồ cộm cán ở Sài Gòn nhanh chóng và hữu hiệu hơn nhiều nơi.
Sài Gòn là một thành phố đáng sống. Tùy theo túi tiền, bạn có thể tìm mua bất cứ cái gì cần mua ngay ở Sài Gòn chứ không phải đi về đúng nơi phát tích của mặt hàng đó. Thí dụ muốn mua cua gạch Cà Mau, Bạc Liêu, xoài cát chu Đồng Tháp, chả cá Nha Trang hay chả bò Quảng Nam thì bạn có thể mua ngay ở Sài Gòn chứ không cần phải đi xa, tất nhiên với cái giá mắc hơn một chút.
Tiếng nói người bản địa Sài Gòn là âm vị chuẩn của Nam bộ mà bạn nên lắng tai nghe. Tiếng nói ấy rất dễ nghe, không nhanh không chậm, không làm bộ làm tịch. Đó là tiếng nói phát xuất từ tấm lòng nhân hậu, chân phương, chủ yếu là truyền đi cái nội hàm trong câu nói. Nghe một phát thanh viên Sài Gòn đọc bản tin hay tường thuật một câu chuyện, bạn nắm bắt được toàn bộ nội dung, không một chữ một tiếng nào lọt ra khỏi lỗ tai vì lỗi phát âm.
Ai về sống và tìm cách cải thiện cuộc sống ở Sài Gòn cũng được. Thế nhưng, hãy gìn giữ nếp sống của người Sài Gòn. Đó là nếp sống tôn trọng luật pháp, chuộng tình nghĩa, chân thật, hồn nhiên, không màu mè, không dối trá. Đó là nếp sống của một thành phố đáng sống, dù ở nơi này nơi khác vẫn còn những điều bất cập.
Bình luận (0)