Công trình nước sạch nông thôn 'chết yểu'

19/09/2017 07:06 GMT+7

Từ năm 2006, tỉnh Ninh Bình được cấp kinh phí đầu tư hàng chục công trình nước sạch hàng trăm tỉ đồng, từ Chương trình mục tiêu quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn. Đến nay, nhiều công trình đã “chết yểu”.

Công trình bỏ hoang
Điển hình là công trình nước sạch xã Khánh Nhạc (H.Yên Khánh), được đầu tư từ năm 2012, với tổng số vốn lên tới 23 tỉ đồng, nhằm cung cấp nước sạch cho hơn 3.600 hộ dân.
Đến năm 2015, sau khi đơn vị thi công làm được một số hạng mục như: Hệ thống xử lý nước, bể sơ lắng, hệ thống dẫn điện, khu bể lọc, nhà điều hành và tháp chứa nước, thì dừng lại. Những hạng mục đã hoàn thành lâu ngày không được bảo quản, sửa chữa đã hoen rỉ, hỏng hóc, bỏ hoang nhiều năm nay. Người dân đã tận dụng diện tích của nhà máy nước để trồng ngô, chăn thả bò…
Ông Đoàn Văn Tình (82 tuổi, ngụ tại thôn 6, xã Khánh Nhạc), nhà ngay cạnh nhà máy nước, bức xúc: “Nhìn công trình tiền tỉ bỏ hoang như thế này, dân chúng tôi xót xa lắm. Khi khởi công xây dựng nhà máy, chúng tôi rất mừng vì nghĩ sắp có nước sạch để dùng, ai ngờ họ đem tiền Nhà nước đầu tư dang dở, rồi bỏ hoang, gây lãng phí rất lớn, trong khi người dân thì không biết đến bao giờ mới có nước sạch để dùng”.
Còn ông Trịnh Trần Rượu (59 tuổi, ngụ tại thôn 5, xã Khánh Nhạc) cho biết, từ xưa đến nay người dân xã Khánh Nhạc phải xây bể hứng nước mưa để lấy nước ăn, vì nguồn nước ngầm lấy bằng giếng khoan không đảm bảo. “Khoảng 3 năm, sau khi nhà máy nước khởi công, đơn vị thi công đã chôn đường ống dẫn nước đến các hộ rồi, nhưng đến nay vẫn không thấy có nước sạch, người dân bức xúc lắm”, ông Rượu nói.
Chưa biết bao giờ mới có nước sạch
Trả lời về thực trạng nêu trên, ông Hoàng Anh Tuấn, Phó chủ tịch UBND xã Khánh Nhạc, cho biết xã đã nhiều lần kiến nghị với các cơ quan chức năng để tiếp tục đầu tư hoàn thành nhà máy nước, nhưng chưa được. Vậy nên chính quyền địa phương cũng không biết đến bao giờ mới có nước sạch để người dân sử dụng.
“Vừa qua công trình đã được bàn giao lại cho Công ty CP Cấp thoát nước Ninh Bình để sửa chữa, hoàn thành, nhưng phía công ty cũng chưa tiến hành đầu tư tiếp”, ông Tuấn nói.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Xuân Hạnh, Phó giám đốc Công ty CP cấp thoát nước Ninh Bình, cho biết các công trình nước sạch ở Ninh Bình được đầu tư theo Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn từ năm 2006. Năm 2012, nhiều công trình đang trong quá trình xây dựng thì bị cắt vốn dẫn đến dở dang. Hiện, chủ trương của tỉnh Ninh Bình là chuyển giao các công trình này cho Công ty CP cấp thoát nước Ninh Bình quản lý, vận hành và đến tháng 6.2017 công ty này đã nhận bàn giao 17 công trình nước sạch từ Sở NN-PTNT Ninh Bình.
“Các công trình chúng tôi nhận đều thuộc dạng đầu tư dở dang, hư hỏng, xuống cấp, một vài công trình còn hoạt động được thì kém hiệu quả. Do vậy, để khắc phục được cả 17 công trình phải mất một nguồn kinh phí lớn, một lúc công ty không thể làm được. Hiện chúng tôi đang phải lập kế hoạch đầu tư tiếp từng công trình một, chứ đầu tư đồng loạt một lúc là hết sức khó khăn”, ông Hạnh cho hay.
Theo số liệu thống kê của Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Ninh Bình (thuộc Sở NN-PTNT Ninh Bình), từ năm 2006 đến nay, toàn tỉnh được đầu tư 96 công trình nước sạch để phục vụ nhân dân 119 xã. Nhưng đến nay đang có hàng chục công trình xây dựng dở dang như công trình của các xã: Phú Long, Văn Phong, Quỳnh Lưu (H.Nho Quan); Khánh Nhạc (H.Yên Khánh); Gia Phong, Gia Phương, Gia Minh (H.Gia Viễn); Ninh Xuân (H.Hoa Lư); Yên Phong (H.Yên Mô). 
Một số công trình đã hoàn thiện đi vào hoạt động thì hiện đang bị xuống xấp, hư hỏng như công trình nước sạch xã Ninh Thắng (H.Hoa Lư). Lại có công trình được đầu tư xong rồi bỏ hoang nhiều năm, như công trình nước sạch của xã Yên Quang (H.Nho Quan).
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.