Covid-19 bùng phát ở TP.HCM: Cay đắng tạm dẹp xe hủ tiếu gõ, rời Sài Gòn

03/06/2021 12:50 GMT+7

Bao người tha hương bán hủ tiếu gõ ở TP.HCM nuôi sống gia đình. Thế nhưng trong mùa dịch Covid-19 , họ cắn răng dẹp xe hủ tiếu để về quê vì buôn bán ế ẩm, vừa lỗ vốn vừa không đủ tiền xoay xở ở Sài Gòn.

Về quê nhưng vẫn trả tiền trọ ở Sài Gòn

Nắng như đổ lửa khắp làng quê. Trong căn nhà nhỏ ở thôn Nga Mân, xã Phổ Cường (thị xã Đức Phổ, Quảng Ngãi), ông Tạ Văn Ngọt ngồi dưới mái hiên nhìn ra đầu ngõ khi nghe tiếng xe máy.
Những ngày trước, vợ chồng ông cặm cụi bán hủ tiếu gõ trong con hẻm nhỏ trên đường Lý Chính Thắng, TP.HCM. 5 giờ 30, vợ chồng ông rời phòng trọ đến chợ mua thực phẩm về lụi hụi chế biến rồi ăn vội bữa sáng. Sau bữa trưa, hai vợ chồng đẩy xe hủ tiếu vượt quãng đường chừng 500 m đến nơi bán tầm 11 giờ, khi phố xá nhộn nhịp người qua. Đến nơi, ông kê vài bàn nhựa cùng những chiếc ghế con để sẳn sàng phục vụ thực khách.
Lúc vắng khách, vợ chồng ông động viên nhau cho vơi đi nỗi nhớ quê nhà. Khoảng 10 giờ đêm, vợ chồng ông thu dọn đồ đạc đẩy xe hủ tiếu về phòng trọ vì "có bán nữa cũng chẳng ai ăn".
Những bữa hết hàng kiếm được khoản lãi dăm bảy trăm nghìn trả tiền phòng trọ, điện nước, chi tiêu hằng ngày và lo cho con gái út là sinh viên năm thứ hai tại TP.HCM.

Ngồi mãi cũng chán, ông Ngọt ra vườn làm cỏ dại

ẢNH: TRANG THY

Khi dịch Covid-19 xuất hiện trở lại ở TP.HCM, thực khách thưa vắng. Ông bà cố nén tiếng thở dài. Khách gọi hủ tiếu mang đến tận nhà cũng giảm hẳn vì nguồn thu nhập ai cũng giảm so với trước. Nhiều bữa vợ chồng ông phải chịu lỗ vốn, lòng buồn hắt hiu khi thực phẩm dư nhiều. Nỗi lo tiền thuê phòng trọ, điện nước, chi tiêu và cho con ăn học trĩu nặng.
Thế là ông bà bắt xe khách về lại quê nhà với bao nỗi lo toan. Lúc ông về, Quảng Ngãi chưa tạm dừng hoạt động vận tải hành khách đi, đến TP.HCM.
"Phải về thôi chứ ở trong đó bán không được mà tiền chi tiêu lại tốn hơn ngoài này. Với lại, phòng trọ chật chội nên tù túng chứ không được rộng rãi như ở nhà mình. Dù không trọ nhưng phải chấp nhận đóng tiền thuê phòng mỗi tháng là 3 triệu đồng. Đành vậy!", ông nén tiếng thở dài.
"May là về bữa trước chứ bây giờ có thêm nhiều ca bệnh là bí luôn. Vừa về là vợ chồng tôi đến bệnh xá Đặng Thùy Trâm khai báo y tế rồi ở luôn trong nhà", bà Phạm Thị Cúc, vợ ông Ngọt, góp chuyện.
Về quê mùa dịch

Anh Văn trò chuyện với cha

ẢNH: TRANG THY

Đưa vợ về quê chờ ngày sinh con đầu lòng, anh Nguyễn Quốc Văn xách ba lô rời nhà để bắt xe vào TP.Thủ Đức (TP.HCM) bán hủ tiếu thì nhận được tin nhắn trên điện thoại. Lòng anh lo lắng không yên khi biết tin trong đó xuất hiện bệnh nhân Covid-19. Sau hồi suy nghĩ, anh quyết định ở nhà chờ dịch bệnh đi qua.
Anh thở dài khi nghĩ đến khoản tiền 4,5 triệu đồng thuê nhà trọ và điểm bán mỗi tháng, dù phải nghỉ vì dịch. "Hổm rày ở trỏng (TP.HCM - PV) đang là mùa mưa nên bán ế ẩm lắm. Giờ dịch bệnh diễn biến phức tạp như vầy thì chính quyền họ không cho bán luôn, đành phải ở nhà vậy!", anh tâm sự.
Về quê mùa dịch

Anh Văn giúp mẹ cho bò ăn

ẢNH: TRANG THY

Đồng quê khô khát, mong hết dịch trở lại Sài Gòn

Vợ chồng ông Ngọt sở hữu 5 sào ruộng bạc màu, thu nhập chẳng đáng là bao. Vậy nên hai người rời quê bán hủ tiếu gõ nơi đất khách. 30 năm tha hương mưu sinh giúp họ tích cóp xây dựng căn nhà nhỏ, mua sắm vật dụng trong gia đình và lo cho 3 con ăn học. Ông giao ruộng ở quê cho người em canh tác 2 sào rưỡi, diện tích còn lại cho vợ chồng con gái lớn. Do nắng hạn, không có nguồn nước tưới nên ruộng đồng bỏ hoang. Giờ vợ chồng ông về quê chỉ biết "ngồi nhìn ra đầu ngõ" trông mau hết dịch.
Dù mang trọng bệnh phải uống thuốc hằng ngày nhưng ngồi mãi cũng chán, ông vác cuốc ra vườn giẫy cỏ dại. Lưỡi cuốc trượt trên nền đất cứng vì khô hạn. Lúc mệt, ông quanh quẩn bên những cây dừa cao quá đầu người, tàu lá héo rũ vì nắng nóng.
"Tôi trông mau hết dịch để vào trong đó bán hủ tiếu kiếm tiền lo cho con cái. Năm ngoái cũng dịch bệnh nên về quê cả nửa năm. Giờ mà dịch kéo dài thì cuộc sống khó khăn lắm", ông tâm sự.
Bà Cúc vợ ông bộc bạch: "Còn con bé út ăn học nên tốn kém lắm. Không bán được thì chẳng biết lấy tiền đâu lo cho nó ăn học và mua thuốc cho ổng uống hằng ngày...".
Không nỡ bỏ ruộng hoang, cha anh Văn là ông Nguyễn Mười khoang giếng giữa lòng suối khô cạn lấy nước bơm tưới để trồng 4 sào đậu phộng. Nhưng giếng khoan luôn hụt nước nên cả ngày phơi mình dưới nắng chói chang chỉ tưới được hơn 1 sào.
Nhìn đậu héo rũ, ông xót xa: "Giờ mà được trận mưa thì đỡ biết mấy. Nắng miết rồi giếng khô cạn, không có nước uống như năm ngoái thì khổ lắm! Cả ngày loay hoay tưới nước rồi xới đậu mà không biết có ăn được không! Có thằng Văn ở nhà cũng đỡ mệt phần nào. Nhưng dịch bệnh mà ở nhà miết thì khó khăn lắm...".
Những người tha hương luôn mong được trở về quê sum họp bên gia đình. Nhưng về quê vào những ngày dịch khiến tâm trạng u buồn, nặng trĩu âu lo.

Người dân khu cách ly Covid-19 thi trồng táo, quên căng thẳng ngày dịch

Cuộc sống chật vật nên hơn 7.300 người rời quê đến các tỉnh, thành tìm kế mưu sinh, chiếm gần nửa dân số trong xã. Phần lớn trong số đó bán hủ tiếu gõ, nhiều người gắn bó hàng chục năm với bao nỗi nhọc nhằn. "Hiện có nhiều người về quê và họ chấp hành đến khai báo y tế theo khuyến cáo của xã. Nếu dịch kéo dài thì cuộc sống của họ sẽ gặp nhiều khó khăn vì không có nguồn thu nhập", ông Bùi Văn Chuyên, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Phổ Cường, cho biết.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.