Cuộc chiến bí mật giữa Vatican và Hitler

23/10/2015 05:31 GMT+7

Một cuốn sách mới hé lộ Vatican từng tham gia kế hoạch ám sát nhà độc tài Adolf Hitler nhằm chấm dứt tham vọng và sự ngông cuồng của chế độ Đức Quốc xã.

Một cuốn sách mới hé lộ Vatican từng tham gia kế hoạch ám sát nhà độc tài Adolf Hitler nhằm chấm dứt tham vọng và sự ngông cuồng của chế độ Đức Quốc xã.

Đại tá Claus von Stauffenberg (bìa trái) từng ám sát bất thành Adolf Hitler (giữa) - Ảnh: Swissinfo.chĐại tá Claus von Stauffenberg (bìa trái) từng ám sát bất thành Adolf Hitler (giữa) - Ảnh: Swissinfo.ch
Dù nhiều người có thể đã cố gắng bôi nhọ hình ảnh Giáo hoàng Pius XII như là người thân thiện với Đức Quốc xã, như nhà báo kiêm nhà văn Anh John Cornwell trong cuốn Hitler's Pope: The Secret History of Pius XII (tạm dịch Giáo hoàng của Hitler: Lịch sử bí mật của Pius XII), nhưng những dữ liệu thu thập được giờ đây có vẻ như khẳng định điều ngược lại: Giáo hoàng Pius XII không chỉ phản đối mạnh mẽ các chính sách của Hitler mà còn tích cực tìm cách trừ khử nhà độc tài khét tiếng nhất lịch sử thế giới.
Theo trang tin Breitbart, cuốn sách vừa được xuất bản của sử gia Mỹ Mark Riebling, có tựa đề Church of Spies: The Pope’s Secret War Against Hitler (tạm dịch Những gián điệp của Giáo hội: Cuộc chiến bí mật chống Hitler của giáo hoàng) đã kể lại một cách thuyết phục những hành động do Giáo hoàng Pius XII thực hiện với mục đích ngăn chặn Hitler tiến hành chiến dịch thống trị thế giới và thanh lọc sắc tộc.
Sự ủng hộ thầm lặng
Bằng một loạt tài liệu được tập hợp cẩn thận, tác giả Riebling cho thấy Giáo hoàng Pius XII hợp tác trong nhiều âm mưu do những người chống Đức Quốc xã khởi xướng nhằm kết liễu cuộc đời Hitler và thay thế Đệ tam đế chế bằng một chính phủ sẵn sàng chung sống hòa bình với phương Tây. Theo tác giả, Đức Quốc xã đã tỏ ra bực tức với việc Hồng y Eugenio Maria Giuseppe Giovanni Pacelli được bầu làm giáo hoàng hồi năm 1939, do trước đó ông từng có nhiều phát biểu và hành động chống phát xít. Họ giao cho một cựu linh mục tên Albert Hartl chuẩn bị một bản đánh giá tình hình và người này đã cảnh báo rằng Giáo hội Công giáo sẽ trở thành một mối đe dọa nghiêm trọng đối với chế độ phát xít. “Giáo hội Công giáo về cơ bản tự nhận có quyền hạ bệ các nguyên thủ quốc gia và họ đã vài lần làm được chuyện đó”, ông Hartl viết. Tuyên bố này dường như đã khuyến khích những sĩ quan Đức bất mãn đang tìm kiếm sự hỗ trợ để lật đổ Hitler.
Vào năm 1938, nhiều sĩ quan cấp cao Đức bắt đầu quay lưng lại với Hitler do lo sợ ông ta sẽ đưa đất nước vào một cuộc chiến tàn khốc. Một trong những người này, tướng Ludwig Beck, đã nhận được sự ủng hộ của Đô đốc Wilhelm Canaris, lãnh đạo Abwehr (cơ quan tình báo Đức) và người phó của ông này là đại tá Hans Oster. Sau khi Đức xâm lược Ba Lan năm 1939, những người mưu tính đại sự trong quân đội Đức đã tìm cách tiếp cận các đối thủ, đặc biệt là người Anh, nhằm tìm kiếm sự hỗ trợ. Để làm điều đó, cần có một người đóng vai trò trung gian và bảo đảm cho sự chân thành của họ, nên nhóm này tiếp cận Giáo hoàng Pius XII, nhân vật được trọng vọng ở Anh. Họ đã yêu cầu các cố vấn hàng đầu của giáo hoàng gửi đến ông câu hỏi quan trọng: Liệu ông có sẵn sàng liên lạc với London và đề nghị họ ủng hộ lực lượng kháng chiến Đức nếu Hitler bị lật đổ hay không? Giáo hoàng Pius XII phúc đáp rằng ông sẵn sàng làm thế và tuyên bố: “Lực lượng đối lập Đức phải được lắng nghe!”.
Nỗ lực bất thành
Những gì diễn ra sau đó là một loạt sự kiện kịch tính, dẫn đến những nỗ lực liên tiếp nhằm lật đổ Hitler. Tuy nhiên, tất cả đều “xôi hỏng bỏng không” do những diễn biến bất ngờ, bị đánh lừa hoặc bom đã cài sẵn nhưng lại “tịt ngòi”, hay bom phát nổ nhưng lại không trúng mục tiêu. Cụ thể, đại tá Claus von Stauffenberg đã đặt một va li chứa bom gần Hitler trong một hội nghị của Bộ Tổng tham mưu vào ngày 20.7.1944. Chiếc va li phát nổ làm 8 người thiệt mạng nhưng Quốc trưởng Đức không hề hấn gì. Đó là do Hitler trước đó đã quyết định dời địa điểm họp từ một boong ke bằng bê tông sang doanh trại bằng gỗ. Chính sự phân tán lực nổ ở địa điểm mới đã cứu mạng nhà độc tài này. Theo sử gia Mỹ, các sĩ quan chống Hitler đã nhận được sự hậu thuẫn về hậu cần và tinh thần từ Giáo hoàng Pius XII cùng những phụ tá thân tín của ông trong tất cả những âm mưu trên.
Theo Australian Financial Review, trước khi trở thành người đứng đầu Vatican vào năm 1939, Giáo hoàng Pius XII từng sống nhiều năm tại Đức trong vai trò Sứ thần Tòa thánh. Ông yêu nước Đức nhưng không ưa phát xít Đức. Lý giải về sự ủng hộ kháng chiến thầm lặng của Giáo hoàng Pius XII, sử gia Riebling viết rằng sở dĩ ông không lên án đích danh chế độ Đức Quốc xã trong tông thư đầu tiên trên cương vị giáo hoàng vào tháng 10.1939 là thể theo khẩn cầu của những người âm mưu chống Hitler, bởi nếu lên án họ có thể bị giám sát chặt chẽ hơn và ảnh hưởng đến đại sự.
Cũng theo mô tả của tác giả Mỹ, trong thời gian đó, Đức Quốc xã rải đầy mật thám ở Vatican và Vatican cũng cài đầy điệp viên ở Đức. Giáo hoàng sử dụng trung gian là một tu sĩ dòng Tên để liên lạc với những đồng sự Đức. Ít nhất một lần Hitler đã nghi ngờ về vai trò bí mật của giáo hoàng và vạch kế hoạch bắt cóc ông. Tuy nhiên, một viên tướng người Ý biết chuyện đã cấp báo cho Vatican, nhờ đó âm mưu bắt cóc bị phá vỡ.
Theo Australian Financial Review, Church of Spies không phải là tác phẩm học thuật đầu tiên được biên soạn nhằm bác bỏ những thông tin ác ý về Giáo hoàng Pius XII. Một tác giả Mỹ khác tên David G.Daling từng viết trong cuốn The Myth of Hitler’s Pope: Pope Pius XII And His Secret War Against Nazi Germany (tạm dịch Chuyện hoang đường về giáo hoàng của Hitler: Giáo hoàng Pius XII và cuộc chiến bí mật chống Đức Quốc xã) hồi năm 2005 rằng người đứng đầu Vatican này đã làm việc không mệt mỏi để cứu người Do Thái. Cũng theo ông này, cuốn Hitler's Pope do nhà văn John Cornwell chấp bút năm 1999 không chỉ xuyên tạc lịch sử mà còn phủ nhận lời chứng của những người sống sót sau nạn tàn sát người Do Thái (Holocaust) của Hitler.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.