Cuộc sống khấm khá nhờ trồng sắn dây

23/05/2015 11:25 GMT+7

Từ việc trồng sắn dây tự phát với quy mô nhỏ lẻ, năng suất thấp, nhiều hộ nông dân tại xã Thạnh Đông, H.Tân Châu (Tây Ninh) đã áp dụng kỹ thuật trồng mới mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Từ việc trồng sắn dây tự phát với quy mô nhỏ lẻ, năng suất thấp, nhiều hộ nông dân tại xã Thạnh Đông, H.Tân Châu (Tây Ninh) đã áp dụng kỹ thuật trồng mới mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Giang PhươngÔng Phượng áp dụng cách trồng mới giúp sắn dây có sản lượng cao - Ảnh: Giang Phương
Mày mò tìm cách trồng mới
Theo thống kê của Hội Nông dân xã Thạnh Đông, diện tích sắn dây tại địa phương tăng dần trong những năm gần đây (hơn 10 ha, lớn nhất H.Tân Châu) xuất phát từ cách trồng mới do nông dân tìm tòi, nghiên cứu và áp dụng thành công. Một trong những hộ dân thực hiện thành công cách trồng sắn dây mới mang lại hiệu quả kinh tế cao là ông Đinh Xuân Phượng (ngụ ấp Thạnh Nghĩa, xã Thạnh Đông). Ông Phượng kể, gia đình ông có 0,2 ha đất dùng để trồng khoai mì. Mỗi vụ mì cho thu hoạch chỉ khoảng 6 triệu đồng (chưa kể công nhà tự bỏ ra chăm sóc). Thấy lợi nhuận từ cây mì thấp hơn nhiều so với nhiều hộ dân xung quanh trồng sắn dây nên ông bắt đầu lân la học hỏi cách trồng. Tìm hiểu, ông Phượng được biết sắn dây là loại dễ trồng, không kén đất, chi phí đầu tư thấp mà lại ít tốn công chăm sóc. Năm 2012, ông Phượng quyết định trồng sắn dây thay thế cây mì trên 0,2 ha đất nhà. Mới đầu, ông trồng sắn bằng dây, đắp ụ, làm giàn leo bằng cây tre hoặc trúc. Thế nhưng, chờ đợi gần 1 năm sau, khi thu hoạch thì sản lượng không như mong đợi. Sang năm thứ 2, ông Phượng bắt đầu thử nghiệm cách trồng sắn dây bằng củ, đắp ụ và làm giàn leo bằng trụ xi măng. Mới đầu, ông chỉ trồng thử 100 gốc nhưng kết quả bất ngờ, mỗi ụ sắn dây cho sản lượng củ từ 15-17 kg/ụ, hàm lượng bột trong củ cao gấp đôi so với sắn trồng bằng dây. Từ đó, ông chính thức áp dụng cách trồng mới này trên toàn bộ 0,2 ha đất với hơn 500 ụ sắn.
Ông Phượng chia sẻ: “Sắn dây là cây lấy củ nên muốn có năng suất cao, ngoài chăm sóc thì mỗi ụ sắn càng to cao càng tốt. Đặc biệt, đất phải mới và tơi xốp, giàn phải đủ cho sắn leo. Nếu dây sắn trên giàn dày quá dẫn đến quang hợp kém sẽ cho hiệu quả không cao”. Ông Phượng ước tính trong vụ mới năm nay, trung bình mỗi ụ sẽ chho thu hoạch 15 kg (giá bán sắn giây trên thị trường hiện nay là 15.000 đồng/kg), dự kiến ông sẽ thu về trên 60 triệu đồng, trừ các chi phí còn lãi khoảng 40 triệu đồng/vụ.
Thoát nghèo nhờ sắn
Từ mô hình trồng sắn mang lại hiệu quả kinh tế của gia đình ông Phượng, nhiều hộ dân ở xã Thạnh Đông đã học hỏi và áp dụng thành công để vươn lên thoát nghèo. Anh Nguyễn Văn Út (cùng ngụ xã Thạnh Đông) người có thâm niên hơn 5 năm trồng sắn dây cho biết sắn dây mang lại hiệu quả kinh tế hơn hẳn so với các loại cây trồng khác như mía, mì. Anh Út cho biết, vụ vừa qua, anh trồng sắn dây trên diện tích 0,4 ha đất nhà với khoảng 1.500 ụ sắn dây. Trung bình gia đình anh thu được 3.500 kg sắn củ/0,1 ha đất. Thời điểm này với giá bán ổn định khoảng 15.000 đồng/kg thì gia đình thu về khoảng 52 triệu đồng/vụ.
Ông Lê Hoàng Long, Chủ tịch Hội nông dân xã Thạnh Đông, cho biết: “Những năm gần đây, người dân trồng sắn dây ở xã Thạnh Đông không phải lo lắng về đầu ra của sản phẩm vì củ sắn dây đang được thị trường ưa chuộng. Sắn dây có rất nhiều công dụng hay, đặc biệt là loại sản phẩm giải nhiệt rất hiệu quả trong mùa nóng. Do đó, việc diện tích sắn dây ngày càng được mở rộng là hướng phát triển kinh tế tốt tại địa phương”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.