Cuộc sống người miền Trung trong ngôi làng bị cô lập nhiều ngày vì lũ

Lê Hồng Hạnh
Lê Hồng Hạnh
21/10/2020 10:35 GMT+7

Đến ngày 20.10, nhiều thôn làng ở huyện Triệu Phong (tỉnh Quảng Trị) vẫn còn tình trạng ngập lụt. Vì ở vùng trũng nên dù nước tại đường lớn đã rút nhưng để đi ra ngoài, người dân phải mất 15 phút chèo thuyền.

Từ trận mưa lũ lịch sử tại tỉnh Quảng Trị vào tối khuya ngày 17.10 rạng sáng ngày 18.10 đến nay, người dân ở làng Mỹ Khê ( mới đổi tên thành làng Xuân Tam Mỹ, H.Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị) đã phải sống chung với nước lũ vì nước lên cao khiến hàng chục hộ dân ở làng bị cô lập.

Rọi đèn pin đi trao quà cho bà con vùng lũ

Ngày 19.10, khi những nơi khác trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã bắt đầu rút nước thì làng Xuân Tam Mỹ vẫn ngập nước, không thể tiếp cận làng bằng xe máy, xe ô tô... Theo người dân kể lại, chỉ mới hôm trước nước còn ngập lên tận cổ nếu đi ra ngoài sân. Đến ngày 20.10, trời vẫn mưa nước đã bắt đầu rút dần, đoạn đường để người dân chèo thuyền đi lấy đồ cứu trợ cũng vì thế mà gần hơn.

Nhiều đoàn cứu trợ lũ lụt cho những thôn làng bị cô lập vì lũ ở Quảng Trị

Ảnh: Lê Hồng Hạnh

Người dân chèo thuyền đến nhận đồ cứu trợ rồi lại chèo về

Ảnh: Lê Hồng Hạnh

Để hiểu hơn về cuộc sống của người dân ở trong vùng bị cô lập vì nước lũ, tôi xin theo thuyền của ông Đoàn Ngọc Huy (55 tuổi), một người dân đang đậu thuyền để nhận đồ cứu trợ trên đường cái.
Con cái đã lớn và đi làm ăn xa, hiện tại gia đình của ông Hy chỉ còn lại 3 người là ông và vợ là bà Võ Thị Hóa (55 tuổi) và một người con 15 tuổi.
Sau nhiều ngày liên tiếp nghỉ học, con của ông bà đã đi học thêm trở lại vào chiều ngày 20.10. Trên đường đi, chúng tôi gặp rất nhiều người dân khác cũng đang chèo thuyền đi nhận đồ cứu trợ. “Nhìn có khác chi miền Tây sông nước”, một người dân vừa tát nước ra khỏi thuyền vừa nói với chúng tôi.

Ám ảnh đêm lũ lịch sử kinh hoàng "trăm năm có một" ở Quảng Trị

Tôi xin đi theo thuyền của ông Hy để vào bên trong làng

Ảnh: Lê Hồng Hạnh

Người dân phải chèo một đoạn xa để đến nơi phát đồ cứu trợ

Ảnh: Lê Hồng Hạnh

Hầu như những người dân trong làng đều không mang áo phao mặc dù phải chèo thuyền hàng ngày. Thấy tôi thắc mắc ông liền giải thích: “Dân ở đây thì người có người không, người ta cho đồ từ thiện là quý lắm rồi đòi hỏi gì áo phao. Tôi thì biết bơi, mấy đứa con cũng tập cho nó bơi”.
Theo ông Hy vào bên trong làng, nước ngập lênh láng trước sân nhà. Cũng như gia đình ông, những hộ dân sống gần đó cũng lâm vào hoàn cảnh tương tự. Hỏi ra mới biết, vì phải thường xuyên bị nước ngập vì lũ nên hầu như tất cả người dân ở đây đều “trang bị” một chiếc thuyền trong nhà để phòng khi nước lũ lên cao.

Miền Trung sẽ còn hứng nhiều đợt mưa cho đến hết tháng 10

Người ta cho đồ trợ cấp là mừng lắm rồi đòi hỏi gì

Ảnh: Lê Hồng Hạnh

Trước khi vào nhà, ông Hy xuống thuyền lội nước gọi hàng xóm, với tay để đưa phần quà lấy giúp qua hàng rào. Kể lại đêm mưa lũ kinh hoàng, ông Hy cho biết lũ vào rất nhanh không kịp dọn dẹp, lúa trong nhà đều bị nước ngập, cả gia đình ông phải leo lên gác xép để ngồi đợi nước rút. Không còn cách nào khác, người dân ở thôn Xuân Tam Mỹ phải tập quen, nương tựa giúp đỡ lẫn nhau sống qua mùa lũ.
Trong nhà ông Hy chất đầy nước suối cứu trợ, ông bộc bạch đây là những vật phẩm thiết yếu đối với gia đình ông cũng như những gia đình khác trong làng ngay lúc này vì không có lương thực, không sử dụng được nước giếng và bếp để nấu ăn. Đến ngày 20.10, người dân trong làng mới bắt đầu có điện để sử dụng.

Không chỉ nhà ông Hy, các hộ dân quanh làng đều rơi vào hoàn cảnh tương tự

Ảnh: Lê Hồng Hạnh

Ngoài lấy đồ cứu trợ cho mình, ông Hy còn lấy giúp hàng xóm

Ảnh: Lê Hồng Hạnh

Những ngày qua, sinh hoạt trong gia đình ông gắn liền với chiếc thuyền. Mỗi ngày ông Hy phải chèo ít nhất là 3 vòng để nhận đồ cứu trợ. Sau đó, ông đưa con đến chỗ cao để bắt đầu đi học thêm rồi chèo thuyền mang rơm qua cho đàn bò gia đình ông gửi ở nhà người thân không bị lũ ngập. Hết rơm, gia đình ông chuyển qua sắn khô để chu cấp thức ăn cho đàn bò. Chân của ông cũng vì lội nước quá nhiều mà bị nước ăn đến chảy máu.
“Bò đã mang đi gửi nửa tháng trước mà đến giờ vẫn chưa đem về được, quanh đây có vài hộ vẫn còn ngập vào tận trong nhà còn nhà tôi thì nước vừa rút ra ngoài sân ngày hôm nay thôi”, bà Hóa cho hay.

Đoạn đường vào nhà ông Hy vẫn b ị ngập nước

Ảnh: Lê Hồng Hạnh

Mếu máo cầu cứu vì nhà ngập sâu mà bố mẹ kẹt bên trong

Ông Hy đẩy thuyền vào tận nhà

Ảnh: Lê Hồng Hạnh

Cả gia đình ông Hóa phải leo lên gác xép phía trên để chờ nước lũ rút đi

Ảnh: Lê Hồng Hạnh

 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.