Chị là Nguyễn Thúy Hương (39 tuổi). Khi gặp chị ở ngôi nhà nhỏ trong hẻm đường Tôn Thất Thuyết (TP.Đông Hà, Quảng Trị), tôi tưởng như bệnh tật chưa hề ghé qua đây. Tình yêu cuộc sống này với chị cũng chưa hề nguôi giảm qua những câu văn, vần thơ và cả những nhạc phẩm… do chính chị thai nghén.
Nhạc phẩm “Ngẫu hứng Đông Hà - Rứa khi mô anh về?” thậm chí đã cho chị sự “nổi tiếng bất đắc dĩ” sau 1 đêm, sau khi cùng bè bạn tung sản phẩm ấy lên Facebook.
[VIDEO] Nghe bài hát "Rứa khi mô anh về"
|
Chú chim sơn ca… 'bị thương'
Sinh ra ở ngôi làng được coi là cái nôi âm nhạc của cả đất thép Vĩnh Linh nên khá dễ hiểu khi chị Hương đi học và tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Huế, khoa Sư phạm âm nhạc.
Tấm bằng loại giỏi đã đưa chị đến với Trường tiểu học Hùng Vương (ngôi trường cấp tiểu học nổi tiếng bậc nhất Đông Hà) mà không cần thi công chức từ năm 2000. 16 năm trời, trong môi trường sư phạm, chị như chú chim sơn ca chăm chỉ, lảnh lót hót, gói cuộc đời mình trong những giờ lên lớp, biên soạn những tiết mục văn nghệ cho học trò… cho đến khi rẽ ngang làm cán bộ tại Trung tâm văn hóa TP.Đông Hà vào tháng 7.2016.
Hỏi chị có “lăn tăn” gì về quyết định ngày đó thì chị lắc đầu : “Giờ hỏi tôi công việc nào hay hơn, thật khó. Với tôi, mỗi nghề nghiệp và mỗi thời điểm cho tôi những trải nghiệm sống thú vị”.
|
Hai năm trong ngành văn hóa chưa đủ nhiều để nói chị đã làm được những điều to tát nhưng hẳn đồng nghiệp, khán giả đã quen với dáng hình người phụ nữ mảnh dẻ hoạt bát này tại nhiều sự kiện văn hóa, văn nghệ tầm vóc thành phố.
Nhưng khi những lời ngợi khen chưa kịp đến thì cả bầu trời như đổ sụp trước mắt chị và vẽ nên một tương lai ảm đạm phía trước cho gia đình. “Khoảng giữa 2017, tôi ho nhiều và thường xuyên mệt nhưng tôi cứ chủ quan, cứ hẹn với lòng mình là sẽ đi kiểm tra nhưng cứ bị cuốn theo công việc. Mãi đến tháng 7.2017, tôi mới đến bệnh viện và các bác sĩ xác định tôi bị ung thư phổi. Họ đã phải chuyển gấp tôi vào BV Chợ Rẫy để tiến hành phẫu thuật nếu không sẽ ảnh hưởng tới tính mạng”, chị Hương nhớ lại.
|
Sau ca mổ, bệnh lại nặng thêm khi tế bào ung thư đã di căn qua gan và chị Hương tiếp tục trải qua 4 đợt hóa trị nữa. Với chị đó là khoảng thời gian kinh khủng nhất khi hàng ngày bị “thuốc vật”, toàn thân rũ rượi, tóc rụng dần, da nhăn nheo...
Nữ bệnh nhân… bận rộn
Tiếp chuyện tôi tại một góc nhỏ trong nhà riêng có hướng nhìn ra cửa sổ đầy hoa lá, chị Hương nói từ ngày sức khỏe có tiến triển khi dừng hóa trị, đồng ý thử nghiệm 1 loại thuốc mới với chi phí đắt đỏ cách đây tầm 6 tháng, chị bắt đầu sống khác, suy nghĩ khác và hành động khác.
“Bệnh tật thì cũng đã bệnh rồi, tôi không còn vướng bận nhiều và bắt đầu buông bỏ sân si, hơn thua… Tôi tận dụng tất cả thời gian để làm những điều mình thích mà tốt cho gia đình, cho xã hội”, chị nói.
|
Dù xin nghỉ việc nhà nước nhưng chị lại chọn cho mình những công việc khác nhẹ nhàng hơn nhưng cũng không kém phần thú vị. Để kiếm thêm thu nhập, chị làm tư vấn viên bán bảo hiểm và tư vấn du học qua mạng.
tin liên quan
Ngày làm việc 4 tiếng, cô gái cao 93 cm kiếm 100 triệu đồng/tháng“Những công việc này giờ là cứu cánh của tôi và gia đình về mặt vật chất vì chi phí điều trị của tôi hiện nay khá đắt đỏ", chị Hương lý giải.
Tuy nhiên, niềm yêu thích thực sự và chiếm nhiều thời gian của bệnh nhân vui vẻ này chính là viết văn, làm thơ và sáng tác nhạc. Chị tự nhận mình chỉ là dân nghiệp dư vì hành trang duy nhất của chị chỉ là niềm đam mê.
“Giờ tôi là tỉ phú thời gian nhưng thời gian rỗi của tôi ít lắm. Vì cuộc sống này hằng ngày có biết bao câu chuyện về thế sự đang xảy ra ngoài kia, tất cả đó là đề tài của tôi. Bất kỳ lúc nào có ý tưởng, có tứ hiện lên trong đầu tôi đều có thể bật dậy để ghi chép lại”, chị Hương bảo.
|
Vậy nên những vần thơ trong trẻo, đầy tình yêu thương, man mác buồn nhưng không hề bi lụy cứ thế tuôn trào. Là “Những tháng ngày tươi đẹp đã qua/ Và sẽ mãi đẹp tươi như cuộc sống này vốn có/ Bởi, những chắt chiu từ những điều rất nhỏ/Thương nhớ đong đầy rất khó dễ lạt phai…” hay “Ngoài kia đã lắm bẽ bàng/ Cần em một chút dịu dàng dạ thưa/ Cần thêm chút nắng chút mưa/Cuôi trôi phiền muộn cho vừa an nhiên…".
|
Chính vì thế có người bạn mới trêu rằng, từ dạo bị bệnh, chị lại bận rộn hơn lúc lành lặn. Và để có được những phút giây sống bằng bản năng ấy, chị thầm cảm ơn người chồng đầu ấp tay gối của mình. Chị chia sẻ, anh dù là một người làm ở mảng tài chính ngân hàng, không biết nhiều về nghệ thuật nhưng luôn là “khán giả” đầu tiên sau mỗi tác phẩm của chị ra lò và ủng hộ nhiệt thành những ý tưởng của chị, miễn là chị vui.
Từ 'trường ca' đến tới… 'Rứa khi mô anh về'
Trước khi bị mắc bệnh hiểm nghèo, “tên tuổi” của chị Hương đã gắn liền với những “trường ca”. Gọi là "trường ca" vì chị đã từng sáng tác một ca khúc dành tặng cho ngôi trường tiểu học Hùng Vương, nơi chị đã có 16 năm gắn bó để giờ đây bài hát đó trở thành bài ca truyền thống của trường.
Ngoài ra, chị còn viết dành tặng cho Trường THCS Phan Đình Phùng nhân dịp con gái chị nhập học vào ngôi trường này. Chẳng biết hay dở thế nào, nhưng đến khi con gái đã ra trường thì thầy trò ở ngôi trường này vẫn còn hát bài hát đó.
|
Nhưng chị Hương chỉ thực sự “nổi đình nổi đám” vào 1 tháng trở lại đây với nhạc phẩm “Ngẫu hứng Đông Hà - Rứa khi mô anh về?”. Chị kể rằng, chị đã viết chỉ trong 30 phút. Từ rất lâu chị đã ấp ủ mình sẽ viết bài gì đó về Đông Hà, thành phố trẻ bên sông Hiếu nhưng cuộc sống và bệnh tật cứ làm mọi thứ trôi tuột đi. Mãi đến dịp 30.4 và 1.5.2018, ở Quảng Trị tổ chức lễ lớn, trong nỗi nhớ thương bè bạn, chị cứ cầm điện thoại lên giục giã hỏi: “Rứa khi mô mi về?”. Và câu nói cửa miệng mộc mạc của dân Quảng Trị đã đi vào nhạc phẩm của chị không chút gượng gạo.
Đêm 2.5, 1 ngày sau khi nhạc phẩm ra đời, buồn buồn nên chị Hương rủ cô bạn thân là chị Dương Hoài Phương (GV Trường tiểu học Nguyễn Bá Ngọc) hát “Ngẫu hứng Đông Hà - Rứa khi mô anh về?” rồi phát trực tiếp trên Facebook.
“Lúc đăng là ban đêm, chẳng mấy ai tương tác. Tôi nghĩ chắc dở qua nên toan tháo xuống thì chị Phương cản lại. Có ai ngờ là chỉ đến sáng hôm sau, mọi thứ đã thay đổi 100% khi rất nhiều người biết đến sáng tác này”, chị Hương nói.
|
Với giai điệu phảng phất âm nhạc dân gian, ca từ dung dị cùng những địa danh thân quen như Hiếu Giang, làng hoa An Lạc… đoạn livestream bài hát của chị Hương hiện nay đã có tới 21.000 lượt xem và hàng trăm lượt chia sẻ, bình luận. Có người thậm chí còn mạnh dạn bình phẩm rằng: “Chưa có bài hát nào về Đông Hà… dễ thương đến thế”.
Chưa hết, rung động trước nhạc phẩm này, nhạc sĩ Lê Trọng Lập (cũng là một người con Quảng Trị, đang sinh sống tại Hà Nội) đã cùng với nhạc sĩ Thành Vương tiến hành hòa âm, phối khí để giao lại cho 1 ca sĩ chuyên nghiệp thể hiện, phát hành CD trong thời gian tới. “Tôi thực sự hạnh phúc vì mọi thứ đi quá xa với tưởng tượng của tôi. Tôi thực sự cảm thấy mình may mắn và yêu hơn cuộc sống này, dù chẳng biết về sau sẽ ra sao…”, chị Hương nói, giọng nhẹ nhàng đầy yêu thương.
Nguồn cảm hứng cho đêm nhạc từ thiện ủng hộ cho bệnh nhân ung thư
Xúc động mạnh trước nghị lực sống của chị Hương và xốn xang vì “Ngẫu hứng Đông Hà - Rứa khi mô anh về?”, CLB Kết nối từ tâm Quảng Trị dự kiến sẽ phối hợp cùng nhiều đơn vị liên quan, tổ chức đêm nhạc “Ngẫu hứng Đông Hà” vào ngày thứ 7, ngày 7.7.2018.
Điểm nhấn của chương trình kéo dài hơn 1 giờ đồng hồ sẽ là sự xuất hiện của chị Hương lần đầu lên với sân khấu lớn với sự hậu thuẫn của các ca, nhạc sĩ chuyên nghiệp. Theo bà Bùi Phương Nga, đại diện CLB Kết nối từ tâm Quảng Trị, toàn bộ số tiền thu được của đêm nhạc sẽ dành tặng cho các bệnh nhân mắc bệnh ung thư có hoàn cảnh khó khăn đang điều trị tại BV Đa khoa tỉnh Quảng Trị.
|
Bình luận (0)