Dân thể thao làm kinh doanh

11/06/2005 20:07 GMT+7

Đều làm rạng danh Tổ quốc bằng những tấm huy chương khu vực và quốc tế, nhưng khi giã từ sự nghiệp thể thao đầy vinh quang để trở về với cuộc sống đời thường, mỗi vận động viên (VĐV) lại chọn cho mình một đường đi khác nhau. Dù vậy, họ đều hết lòng với công việc mới với tất cả niềm đam mê như những ngày còn khoác áo tuyển thủ quốc gia.

Shop Lam của Thúy Hiền

Chiều thứ tư hẹn gặp Thúy Hiền, cô bảo trước khi đến nhớ gọi một tiếng vì sợ quên và rối rít phân trần: "Dạo này Hiền bận kinh khủng. Hết con cái lại cửa hàng rồi đi huấn luyện. Mọi thứ cứ chồng chất. Quanh đi quẩn lại đã thấy trời tối. Uớc gì một ngày dài hơn 24 tiếng!". Không còn vẻ mảnh khảnh như thời con gái, giờ Thúy Hiền đậm người hơn một chút nhưng đằm thắm và hấp dẫn hơn xưa. "Gái một con trông mòn con mắt" thật! Hiền thay đổi cả phong cách ăn mặc nữa, đẹp và sành điệu, đúng dáng bà chủ shop thời trang. Chiếc xe Matiz màu cốm hồi nào cũng đã được hai vợ chồng thay thế bằng chiếc xe màu bạc dịu mắt hơn.

Bé gái Nhi Lam mới 8 tháng tuổi, khuôn mặt đáng yêu giống mẹ "nhưng có cái trán dô hệt bố. Lớn lên bướng phải biết!" - Hiền vừa nựng con vừa quay sang trêu chồng (ca sĩ Anh Tú). Cô lấy tên Lam đặt cho hai shop thời trang. Cả hai cửa hàng đều được bà chủ bày biện rất ấn tượng, rất nữ tính, và rất... Thúy Hiền. Cô bảo: "Hiền mơ ước có một shop bán quần áo từ rất lâu rồi vì hồi còn bé đã rất thích thời trang. Nhưng cứ bận thi đấu và tập huấn suốt nên mãi đến sau SEA Games 22 ý định mở cửa hàng mới được toại nguyện. Ban đầu chỉ có shop Lam ở số 5 Nhà Chung. Mệt nhưng mà thích lắm. Một tháng 2 lần Hiền lại sang tận Trung Quốc, Thái Lan hay Hồng Kông lấy hàng. Làm ăn cũng khá. May chưa tháng nào bị lỗ cả! Thừa thắng xông lên, cách đây nửa năm, Hiền và chị Vinh mở thêm shop Lam nữa ở 108 phố Hòa Mã. Cả hai cửa hàng đều nhờ bà ngoại và bà nội quản lý hộ". Hiền kể: "Đang làm VĐV chuyển sang nghề kinh doanh cũng thấy bỡ ngỡ lắm. Làm dâu trăm họ mà, phải chịu khó trò chuyện, khách hàng khó tính mấy cũng phải chiều". Hồi đầu, nhiều khách nghe tin Thúy Hiền mở shop đã đến ngay từ hôm khai trương nhưng mua quần áo chỉ là phụ, cái chính là muốn xem người nổi tiếng ngoài đời... trông thế nào.

"Nhưng kinh doanh gì thì kinh doanh, vẫn không thể bỏ wushu. Cái nghiệp thể thao đã ăn vào máu rồi. Ngày hai buổi Hiền vẫn đi huấn luyện đội trẻ quốc gia. Nhìn bọn nhóc lại nhớ về thuở ngày xưa của mình. 14 tuổi đã một mình ra nước ngoài thi đấu. Thiếu thốn mọi thứ, thiếu thứ mình cần nhất là tình cảm gia đình. Nhanh thật, thế mà đã 13 năm!" - đang vui thế mà giọng Hiền chợt buồn buồn. Hiền đã từng bảo Hiền là người không có tuổi ấu thơ nhưng những ngày ấy đã qua rồi. Cuộc sống của Hiền bây giờ đang đong đầy hạnh phúc. "Chăm con, chăm trò, chăm cửa hàng và thêm điều quan trọng nữa là phải dành thời gian chăm chồng. Mình mà không quan tâm để mắt đến là "chết" ngay!" - Người phụ nữ thành đạt và xinh đẹp ấy vừa cười vừa nói với tôi.

“Ông” giám đốc 27 tuổi

Vũ Quốc Huy

Hết giờ làm việc, cưỡi trên “con” xe Yamaha 150 phân khối to như "khủng long", "ông" giám đốc 27 tuổi Vũ Quốc Huy - Công ty trách nhiệm hữu hạn Thương mại và du lịch tổng hợp Vũ Gia phi ngay đến Trường Đại học Phòng cháy chữa cháy. Khẩn trương cởi bỏ chiếc áo sơ mi đóng thùng nghiêm chỉnh, "ông" mặc trang phục võ karatedo và yêu cầu các VĐV (của đội tuyển Công an nhân dân) khởi động. Vị giám đốc nho nhã thư sinh "hiện nguyên hình" là một võ sĩ đẳng cấp, một gương mặt cũng đã trở nên rất thân quen với giới thể thao không chỉ trong nước. Năm 1997, Vũ Quốc Huy đoạt huy chương vàng thế giới dành cho các VĐV cao trên 1,70 khi mới 18 tuổi. Không kể đến vô khối những tấm huy chương quốc tế khác, thành tích mới đây nhất của Huy là vô địch SEA Games 22. Sau đó Huy quyết định giải nghệ. "Cũng không hẳn chia tay thể thao khi đang ở đỉnh cao sự nghiệp đâu. Đơn giản vì còn phải lo cuộc sống. Làm VĐV thu nhập chỉ đủ tiền uống nước, tiêu vặt. Đã đến lúc phải nghĩ đến việc lập gia đình và phải làm gì để chăm lo cho cái gia đình ấy".

Nói là làm, sau SEA Games, Huy thành lập công ty và hơn một năm sau nữa quyết định kết thúc mối tình 10 năm trời đằng đẵng của mình bằng một lễ cưới vào cuối tháng 3/2005. Bà xã Huy cũng từng là VĐV nhưng nghỉ thi đấu từ năm 1997 và đang dạy học tại Trường tiểu học Nguyễn Trãi. Cách đây 7 năm, vừa làm VĐV, Huy vừa theo học khoa Quản trị kinh doanh Trường Đại học Thương mại khóa 1997 - 2000. Học được 1 năm, Huy nổi hứng kinh doanh. "Nhưng hồi đó đi "buôn" cho vui thôi vì chưa phải lo kinh tế. Bây giờ ra đời mới thấm thía hết câu "thương trường như chiến trường". Sai một ly đi một dặm, trước khi làm gì cũng cần cân đo đong đếm cho kỹ càng, phải thận trọng giống như chuẩn bị ra một thế để hạ đối phương trên sàn đấu".

Công ty của Huy chủ yếu xuất nhập khẩu gốm sứ mỹ nghệ, xuất khẩu thời trang sang thị trường Đức và nhập khẩu từ Trung Quốc, Ý, Hồng Kông. Hằng tháng, Huy phải lo trả lương cho vài chục nhân viên với mức lương khoảng 1 triệu đồng/tháng (vì hầu hết chỉ làm nửa ngày). "Ông" giám đốc phải kiêm nhiệm nhiều việc, từ tìm hiểu thị trường đến lo đầu vào, đầu ra. Kiến thức 4 năm học ở trường cộng với kinh nghiệm ít nhiều qua những ngày "đi buôn cho vui" và không thể thiếu một yếu tố nữa là bản chất "lỳ" đòn của nghiệp VĐV khiến Huy khá vững vàng trong kinh doanh. "Đã làm ăn không thể tránh khỏi lúc thua lỗ. Nhưng lỗ nhiều thì có mà phá sản. Nói chung cho đến thời điểm này, tổng kết lại thì công ty cũng có lãi. Kinh doanh giống thể thao ở một điểm: Tính rủi ro rất cao nhưng phải biết chấp nhận. Và nếu đã đam mê thì sẽ không có khó khăn nào không vượt qua được. Xin đừng nghĩ tôi nói sáo rỗng. Ai đã từng làm VĐV cũng đều rất hiểu tâm trạng ấy".

Ngoài vô số những vết sẹo, những chấn thương như kiểu bong gân vĩnh viễn hay 5, 6 lần gì đó... gãy tay gãy chân, "sản phẩm" lớn nhất mà "ông" giám đốc phải gánh sau 10 năm chơi thể thao đỉnh cao là đứt dây chằng đầu gối, "thỉnh thoảng đang đi lại hẫng một cái, đau thốn đến tận óc và cảm giác như đầu gối rơi hẳn ra ngoài".

“Luôn luôn bảo vệ bạn!” 

Trần Văn Thông

Đó là "slogan" của Công ty cổ phần Vệ sĩ Bắc Nam do Trần Văn Thông làm giám đốc. Những người yêu võ thuật chắc còn nhớ, khi quay lại đấu trường SEA Games 17 năm 1993, thể thao VN đã vượt qua Myanmar để xếp thứ 4 khu vực nhờ tấm huy chương vàng của VĐV karatedo Trần Văn Thông. Tấm huy chương được đổi bằng cả máu và nước mắt. SEA Games 1995 Thái Lan bỏ môn karatedo nên đến tận SEA Games 1997, Thông mới bảo vệ thành công được chức vô địch. Anh còn đoạt thêm 1 huy chương bạc ASIAD 12, 1 huy chương bạc châu Á năm 1999 và chuyển sang làm HLV đội tuyển quốc gia năm 2000 cho đến hết năm ngoái. Cùng với những tuyển thủ vang bóng một thời như Vũ Quốc Huy, Phạm Hồng Hà, Trần Văn Thông cũng đang huấn luyện đội tuyển karatedo Công an nhân dân với tư cách là HLV trưởng.

Thông có nước da đen đúa và dáng vẻ cục mịch, nhưng anh là người tốt bụng, mộc mạc, chân thành và luôn giữ chữ tín. Chân thành với đồng nghiệp, với bạn bè và đã hứa giúp ai điều gì sẽ cố gắng thực hiện cho bằng được. Thông vừa lập gia đình tháng 11 năm ngoái, cô vợ khá xinh và trẻ hơn anh 9 tuổi. Anh khoe sắp được "lên chức" bố.

"Nhiều người khuyên mở công ty kinh doanh những mặt hàng thuần túy ngoài thị trường nhưng mình không thích. Lao vào ngành kinh doanh đặc biệt này nguy hiểm và phức tạp hơn rất nhiều nhưng mình thấy phù hợp với cá tính và với những gì mình đã được rèn luyện suốt những năm qua. Mình chung vốn với 10 anh em khác. Thành viên của công ty là những VĐV của đội tuyển karatedo quốc gia, đội tuyển Công an nhân dân và một số môn phái khác" - Thông cho biết. "Hiện tại ở Hà Nội có khoảng 30 công ty vệ sĩ rất cạnh tranh nhau, Công ty Bắc Nam mới ra đời tháng 2 năm nay nên không nhận những hợp đồng lớn như bảo vệ mục tiêu tại các khách sạn, nhà hàng mà chủ yếu nhận bảo vệ sự an toàn cá nhân. Công ty đang xin giấy phép hoạt động chính thức và hy vọng trong tương lai sẽ có lãi. Giờ chỉ hòa vốn cũng là tốt lắm rồi" - Thông cười hiền lành.

Lan Phương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.