Đánh thức tiềm năng của Sóc Trăng

Sóc Trăng tiếng Khmer gọi Srok Kh’leang, có nghĩa là “Xứ kho bạc”, tức là tỉnh có rất nhiều tiềm năng, thế mạnh ở khu vực ĐBSCL.

Nếu được khai thác, đánh thức, vực dậy tiềm năng hiện có, tỉnh Sóc Trăng sẽ bứt phá trở thành tỉnh phát triển khá của miền Tây.

Nhiều điểm du lịch độc đáo, hấp dẫn du khách

Trò chuyện với PV Thanh Niên, ông Trần Văn Lâu, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, cho biết Sóc Trăng có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển. Ông Lâu đơn cử, năm 2018, phát biểu tại Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Sóc Trăng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (nay là Chủ tịch nước) đã nhận xét: Đây là vùng đất hạ lưu sông Mê Kông và trong thập kỷ tới, sẽ trở thành vùng đất trung lưu về mức sống, là niềm cảm hứng về ý chí vượt khó, góp phần hiện thực hóa ước mơ làm giàu của các cộng đồng người dân ở Sóc Trăng nói riêng, ĐBSCL nói chung. Chỉ có nguồn cảm hứng mạnh mẽ như thế thì chúng ta mới hành động quyết liệt đưa tỉnh Sóc Trăng tiến lên. Một quốc gia hay một địa phương muốn vươn lên và thành công đều phải dựa vào tiềm năng và lợi thế so sánh. Sóc Trăng có nhiều giá trị văn hóa độc đáo riêng, được gọi là “văn hóa xứ Giồng” thể hiện qua các mặt đời sống hằng ngày của người Sóc Trăng. Từ ngôn ngữ, mối quan hệ xã hội, tên đất, tên làng đến tín ngưỡng tôn giáo, ẩm thực và lễ hội của ba dân tộc anh em Kinh - Hoa - Khmer. Người dân Sóc Trăng thể hiện đức tính quý trọng nhân nghĩa, thẳng thắn, bộc trực, sống hào phóng, giản dị, tình cảm mộc mạc, chân thành.
Ông Trần Văn Lâu, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng (bìa phải),  khảo sát cụm công nghiệp ở H.Kế Sách

Ông Trần Văn Lâu, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng (bìa phải), khảo sát cụm công nghiệp ở H.Kế Sách

Theo ông Trần Văn Lâu, về tiềm năng phát triển văn hóa, du lịch ở Sóc Trăng có nhiều điểm du lịch độc đáo, hấp dẫn du khách thập phương như: vườn Cò Tân Long, cồn Mỹ Phước, chợ nổi Ngã Năm, chùa Dơi, chùa Đất Sét, chùa Chén Kiểu… Đặc biệt, Ooc Om Boc - Đua ghe ngo của đồng bào Khmer Nam bộ trở thành lễ hội văn hóa đặc sắc mang tầm cỡ quốc gia. Về phát triển kinh tế nông nghiệp, Sóc Trăng có vùng đất rộng lớn sản xuất lúa chất lượng cao, đặc biệt gạo ST24 được vinh danh trong “top 3 gạo ngon nhất thế giới”, giải nhất “Gạo ngon thương hiệu Việt” tại Festival Lúa gạo Việt Nam lần 3; gạo ST25 đạt giải nhất cuộc thi “Gạo ngon thế giới” 2019 tổ chức tại Philippines, giải nhì cuộc thi “Gạo ngon thế giới” năm 2020 tổ chức tại Mỹ… Vùng ven biển Sóc Trăng có chiều dài 72 km, ngoài phát triển cảng cá, nuôi tôm công nghệ cao, Sóc Trăng được đánh giá là vùng đất đầy tiềm năng để phát triển năng lượng tái tạo.
Ông Trần Văn Lâu cho biết với các tiềm năng và lợi thế sẵn có của mình, Sóc Trăng đã tập trung phát triển kinh tế - xã hội dựa trên các trụ cột chính, như: Phát triển nông nghiệp công nghệ cao thích ứng với biến đổi khí hậu; phát triển nuôi trồng thủy sản sạch liên kết với ngành công nghiệp chế biến được định vị ở phân khúc cấp cao; đồng thời phát triển du lịch sinh thái gắn với phát triển các mô hình nông nghiệp sạch, thông minh; cùng với đó là phát triển năng lượng tái tạo... Sóc Trăng đã và đang nổi lên như một điểm đến mới của nhiều nhà đầu tư, dần thu hẹp những khoảng cách về chất lượng môi trường kinh doanh, cùng chung tay làm cho vùng đất “chín rồng” trở nên hấp dẫn hơn trong mắt các nhà đầu tư.
Lễ hội đua ghe ngo truyền thống của đồng bào Khmer ở tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: Trần Thanh Phong

Lễ hội đua ghe ngo truyền thống của đồng bào Khmer ở tỉnh Sóc Trăng

Ảnh: Trần Thanh Phong

Tập trung phát triển năng lượng tái tạo

Theo ông Trần Văn Lâu, mục tiêu xuyên suốt của tỉnh là tập trung phát triển tỉnh theo hướng công nghiệp, để tạo việc làm tại chỗ cho người dân địa phương, hạn chế người dân phải bỏ xứ sở, bỏ ruộng vườn đi làm ăn xa. Kinh tế phát triển, đời sống người dân từng bước được nâng lên, xã hội ổn định, nâng cao chỉ số hạnh phúc cho người dân, đưa tỉnh nhà phát triển nhanh và bền vững. “Để tiếp tục phát huy những thành tựu đã đạt được, khắc phục những mặt hạn chế, khó khăn, đưa tỉnh nhà phát triển nhanh và bền vững, Sóc Trăng tập trung vào mục tiêu đẩy mạnh phát triển kinh tế gắn với giải quyết tốt các vấn đề xã hội, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường. Phấn đấu đến năm 2030, thu nhập bình quân đầu người bằng bình quân khu vực ĐBSCL”, ông Trần Văn Lâu nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, tỉnh Sóc Trăng đang ưu tiên tập trung đầu tư, phát triển năng lượng tái tạo. Theo quy hoạch đã được Bộ Công thương phê duyệt về phát triển điện gió đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, Sóc Trăng có 3 vùng được quy hoạch phát triển điện gió. Ngoài ra, tỉnh còn có tiềm năng rất lớn về năng lượng mặt trời. Đồng thời tỉnh còn có tiềm năng phát triển điện sinh khối với nguồn nguyên liệu khá dồi dào từ cây trồng công nghiệp, lâm nghiệp, bã nông nghiệp, các loài thực vật khác. Hiện đầu tư phát triển năng lượng tái tạo đã đạt được những kết quả tích cực, với quy mô, tiến độ cơ bản sát với định hướng phát triển của tỉnh. Cụ thể, UBND tỉnh đã cấp quyết định chủ trương đầu tư cho 14 dự án với tổng công suất 695,2 MW và đã khởi công 7 dự án. Ngoài ra, tỉnh cũng đang trình Bộ Công thương bổ sung quy hoạch 9 dự án điện gió, với tổng công suất 458 MW và dự án điện gió ngoài khơi thuộc P.Vĩnh Hải, TX.Vĩnh Châu công suất 800 MW.
 Một góc TP.Sóc Trăng Ảnh: Cao Xuân Lương

Một góc TP.Sóc Trăng

Ảnh: Cao Xuân Lương

Ban đầu nhiều người nhìn nhận, đánh giá Sóc Trăng như một tỉnh có ví trị kém thuận lợi, nhưng với tiềm năng hiện có, cùng định hướng phát triển vùng ven biển - nơi có tiềm năng, vị trí đắc địa, cùng với con sông Hậu chảy ra cửa biển Trần Ðề… Do đó, ở cái “Xứ kho bạc” này đã hội tựu được “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” đã và đang được Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân nơi đây khơi dậy, đánh thức để vươn mình trên vùng đất Chín Rồng.
Ông Trần Văn Lâu, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, biểu dương tập thể lãnh đạo, cán bộ công nhân viên Công ty TNHH MTV xổ số kiến thiết Sóc Trăng đã hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh năm 2020, góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, thực hiện trọn vẹn mục tiêu ý nghĩa của hoạt động xổ số là “ích nước, lợi nhà”.
Mặc dù, ảnh hưởng rất lớn bởi dịch bệnh Covid-19, nhưng trong năm qua, công ty vẫn đạt doanh số tiêu thụ trên 4.342 tỉ đồng, đạt 112,32% so kế hoạch năm; nộp ngân sách trên 1.371 tỉ, đạt 121,91% so kế hoạch năm và tăng 22,13% so với năm 2019.
Từ hoạt động xổ số kiến thiết, công ty còn thu và nộp hộ vào ngân sách tỉnh số tiền thuế thu nhập của người trúng thưởng và thuế thu nhập cá nhân đại lý xổ số 142 tỉ đồng, tăng 18,73% so với năm 2019. Đặc biệt từ nguồn thu xổ số kiến thiết, tỉnh Sóc Trăng đã đầu tư xây dựng các công trình phúc lợi xã hội trong các lĩnh vực giáo dục, y tế và văn hóa xã hội, trị giá 1.100 tỉ đồng. Bên cạnh đó, công ty luôn đồng hành, ủng hộ hàng chục tỉ đồng xây dựng nhà tình nghĩa, tình thương cho hộ nghèo, gia đình chính sách, người có công; tặng hàng ngàn suất học bổng cho học sinh, sinh viên nghèo vượt khó học giỏi và kịp thời hỗ trợ, tặng quà cho hàng ngàn người nghèo bán vé số dạo bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19… 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.