Chưa kịp mừng đã... lo
Nhắc đến nước sạch, nhiều người dân ở thôn Thạch Kiều, xã Tam Xuân 2 lại thêm… bực mình. Nguyên trước đây, người dân sống dọc sông Trường Giang phải bỏ tiền ra mua nước sạch ở các vùng lân cận do nguồn nước tại chỗ nhiễm mặn, nên lúc nào cũng cầu mong sớm có nước sạch để dùng.
Năm 2012, công trình hệ thống nước sạch ở xã Tam Xuân 2 được phê duyệt, do Trung tâm Nước sạch và tư vấn thủy lợi Quảng Nam (thuộc Sở NN-PTNT) đầu tư xây dựng với tổng kinh phí gần 8 tỉ đồng, đặt tại thôn Thạch Kiều. Trong đó, vốn nhà nước chiếm 55%, còn lại do người dân đóng góp.
tin liên quan
800 hộ dân 'khát' vì công trình gần 8 tỉ đồng bỏ hoangNăm 2013 công trình được đưa vào sử dụng, cung cấp nước sạch cho 800 hộ dân trên địa bàn xã.
Tuy nhiên, khi đưa vào sử dụng được một thời gian thì nguồn nước bị đục và nhiễm phèn, bốc mùi hôi. Người dân và lãnh đạo xã đã có kiến nghị, nhưng đơn vị thi công vẫn không khắc phục được.
Bà Phạm Thị Nga (57 tuổi, ở thôn Thạch Kiều) ngao ngán: “Khi mới xây dựng, dân chúng tôi ai cũng mừng vì sẽ có nước sạch để dùng. Nào ngờ đâu… Mỗi khi uống thứ nước nhiễm phèn này vào là đau bụng. Chưa kịp mừng thì đã lo”. Tình cảnh trớ trêu này khiến gia đình bà Nga tiếp tục “lộ trình” cũ: mang can nhựa đi xin nước sạch nơi khác về nấu ăn, còn nước giếng do bà khoan (sau khi lọc qua) dùng để giặt giũ.
“Công trình xây dựng lên chưa cho người dân chúng tôi một giọt nước sạch nào”, bà Nga nói.
Cùng cảnh ngộ, gần 800 hộ dân ở các thôn hộ dân ở thôn An Khuông, Bà Bầu, An Đông, Vĩnh An... thuộc xã Tam Xuân 2 cũng bấm bụng sống chung với nước nhiễm phèn, mặn, lại đặc mùi hôi.
Tháo dỡ
Có mặt tại công trình nước sạch bị bỏ hoang nhiều năm qua, chúng tôi nhận thấy 2 bể chứa lớn không có một giọt nước. Nhiều ống nhựa dẫn nước bị bể hư hỏng, các bồn chứa nước đang xuống cấp. Một số thiết bị đo mực nước và lọc nước vào trong bể, hệ thống điều hành... cũng hư hỏng nặng.
Theo chúng tôi ra “xem” công trình nước sạch, ông Nguyễn Đức Phạm (60 tuổi, thôn Thạch Kiều) bức xúc cho biết nhiều người rất thất vọng.
“Công trình xây dựng quy mô lớn, được đầu tư tiền tỷ mà người dân thì không có nước để dùng, thật nghịch lý. Ngày nào gia đình tôi cũng đạp xe hơn 2 km để xin nước về uống”, ông Định nói. Nhưng chưa hết, theo ông Phạm, sau khi công trình hoàn thành, nhiều người dân thôn Thạch Kiều còn phải đóng thêm tiền để mua ống dẫn nước về nhà. “Gia đình tôi đóng 1,2 triệu đồng tiền ống dẫn, nhưng nước chưa về đến nhà thì công trình đã... bỏ không”, ông Định thở dài.
Lý giải về vấn đề này, ông Trần Thanh Xuân, Chủ tịch UBND xã Tam Xuân 2, cho biết nguồn nước không đảm bảo là do công trình nước sạch đặt quá gần khu vực nước mặn. Việc đầu tư, trang bị công nghệ cũng thiếu đồng bộ. Địa phương cũng từng kiến nghị lấy nước từ lòng hồ Phú Ninh nhưng chủ đầu tư không đồng ý, đưa ra lý do thiếu kinh phí.
Hậu quả, hệ thống nước sạch chất lượng rất kém, mới đưa vào sử dụng nhưng nước đã đổi màu, nhiễm mặn. “Công bỏ hoang hơn 4 năm nay. Đã nhiều lần chính quyền xã cùng người dân gửi văn bản gửi đến các ngành có liên quan”, ông Xuân thông tin thêm.
Trả lời PV Thanh Niên chiều qua 15.10, ông Nguyễn Tấn Đồng, Phó chủ tịch UBND xã Tam Xuân 2 cho hay địa phương không kiến nghị khắc phục nữa mà đã mạnh mẽ đề nghị... tháo gỡ hệ thống nước sạch nhưng nhiễm mặn này. Tạm thời người dân địa phương sử dụng nguồn nước do Nhà máy nước Tam Kỳ chuyển xuống.
tin liên quan
Kỳ bí gốc bàng 600 tuổi như hang động được trả 35 tỉ mà chủ không bánÔng Kiên sở hữu gốc bàng đá cổ thụ có tuổi thọ trên 600 năm tuổi, đường kính lên đến 14 m, có người hỏi mua với giá 35 tỉ đồng nhưng ông không bán.
Bình luận (0)