Dấu ấn hầm đèo Cả

02/09/2017 08:00 GMT+7

Chỉ sau thời gian ngắn thực hiện dự án hầm đường bộ qua đèo Cả, Công ty cổ phần đầu tư Đèo Cả (chủ đầu tư dự án) đã trở thành một trong những doanh nghiệp đầu tiên trong nước làm chủ công nghệ thi công hầm.

Ấn tượng hầm đèo Cả
Sau khi thông xe vào ngày 21.8, Công ty cổ phần đầu tư Đèo Cả đã cho các phương tiện lưu thông qua hầm đèo Cả miễn phí để kiểm tra kỹ thuật. Anh Nguyễn Văn Phúc, một tài xế ở H.Hoài Nhơn (Bình Định), phấn khởi: “Tôi lái xe qua hầm rất thoải mái, không còn lo lắng như trước đây mỗi khi qua đèo. Đường bằng phẳng, chạy êm ru nên rất yên tâm”.
Cũng kể từ khi dự án hầm đường bộ qua đèo Cả thông toàn tuyến, trên đèo Cả vắng hoe, chỉ có lác đác vài chiếc ô tô vì hầu hết các xe đều chọn đi qua hầm. “Xe container lưu thông rất khó khăn mỗi khi qua đèo Cả. Xe chở nặng, đường đèo dốc quanh co nên mỗi lần qua đèo xe bò như rùa. Đã chậm như vậy lại còn rất dễ bị gãy láp, hư hỏng giữa đèo. Xe container mà nằm đèo thì giao thông ách tắc ngay. Tôi đã chờ đợi dự án này khá lâu, bây giờ mới được giải tỏa nỗi lo bấy lâu nay”, anh Phan Hữu Thắng, tài xế lái container ở TP.Nha Trang (Khánh Hòa), bộc bạch.
Anh Nguyễn Hữu Hải, một chủ xe ở H.Đông Hòa (Phú Yên), tính toán: Nếu toàn bộ xe tải nhà anh mua vé để lưu thông qua hầm đường bộ đèo Cả thì sẽ tiết kiệm được chi phí nhiều hơn như trước đây phải qua đèo. Anh Hải phân tích: “Xe chở nặng qua đèo sẽ hao mòn vật tư, chi phí nhiên liệu nhiều hơn. Đặc biệt như tôi kinh doanh xe tải đông lạnh chuyên chở cá đi các chợ đầu mối miền Nam, chỉ cần lên đèo, xe gãy láp thì việc tìm xe khác để sang hàng rất khó, lại dễ bị trễ chợ. Một khi trễ chợ thì thiệt hại cho khách mình phải bồi thường, chi phí lớn lắm không tính hết được đâu”.
Không chỉ tạo thuận lợi về giao thông, hầm đường bộ qua đèo Cả còn được nhiều du khách xem là một địa điểm du lịch vì phong cảnh quyến rũ của cung đường. Màu xanh của cây lá, kiến trúc cây cầu bán nguyệt trước cửa hầm phía bắc là bức tranh tuyệt đẹp. “Mình ngồi trên xe nhìn xung quanh, cảnh vật trên cung đường này cứ như hút hồn mình vậy. Không thể bỏ lỡ cơ hội, mình đã dùng điện thoại quay lại, rồi chia sẻ qua Facebook cho bạn bè khắp nơi cùng chiêm ngưỡng. Hầm đường bộ qua đèo Cả là dự án giao thông nhưng lại hút hồn mình vì sự quyến rũ. Thật thú vị!”, anh Đặng Hữu Phương, một Việt kiều Mỹ, chia sẻ.
Giải quyết nhiều vấn đề
Trạm thu phí hầm đèo Cả
Trạm thu phí hầm đèo Cả Phương Bình
Ông Nguyễn Thành Trí, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Phú Yên, khẳng định: “Dự án hầm đường bộ qua đèo Cả đưa vào khai thác thì trước tiên sẽ giải phóng một lượng lớn xe qua đèo, điều đó sẽ góp phần làm giảm tai nạn giao thông, kẹt xe trên đoạn đường này. Đặc biệt, mùa mưa nếu xảy ra sạt lở trên đèo cũng không hề ảnh hưởng đến tuyến giao thông huyết mạch bắc - nam”. Còn ông Võ Ngọc Hòa, Chủ tịch UBND H.Đông Hòa, nhìn nhận: “Không chỉ giải quyết căn cơ về giao thông mà dự án này cũng góp phần làm giảm các tệ nạn xã hội trên đèo Cả”.
Hầm đường bộ qua đèo Cả khai thông đã mở toang thế cô lập Khánh Hòa với Phú Yên bao đời nay. “Dự án này đã mang đến cơ hội phát triển thông thương, liên kết vùng, kết nối giữa khu kinh tế Nam Phú Yên và Vân Phong (Khánh Hòa) cùng với các khu công nghiệp ở khu vực miền Trung”, ông Huỳnh Tấn Việt, Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên, vui mừng nói. Ông Lê Đức Vinh, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, cũng đã đánh giá rất cao tầm quan trọng của dự án này khi được đưa vào khai thác. Ông Vinh nói: “Đây là động lực thúc đẩy tăng trưởng toàn diện cho địa phương và cho cả khu vực về nâng cao năng lực vận tải đường bộ, tạo thuận lợi cho lưu thông hàng hóa giữa miền Trung và khu vực phía nam”.
Ông Lê Đình Thọ, Thứ trưởng Bộ GTVT, cho biết: “Điểm đặc biệt của dự án này là tất cả nguồn lực như: con người, thiết bị, nguồn vốn và thực hiện giải pháp thi công dự án đều do trong nước thực hiện. Đây là bước tiến quan trọng trong ứng dụng công nghệ thi công, quản lý, điều hành và cả vận hành”.
Ông Hồ Minh Hoàng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư Đèo Cả, chia sẻ kinh nghiệm: “Chúng tôi đã vượt qua mọi khó khăn và sự hoài nghi của nhiều người về dự án này. Đây là một trong những dự án đầu tiên trong cả nước thực hiện theo hình thức đối tác công tư (PPP). Tuy ban đầu còn bỡ ngỡ nhưng đã thực hiện một cách thành công về quản trị tài chính, nhân sự và đã làm chủ công nghệ thi công hầm hiện đại của thế giới nên dự án về đích sớm hơn 6 tháng so với dự kiến ban đầu và giảm vốn đầu tư từ 15.603 tỉ đồng xuống còn gần 11.378 tỉ đồng, tiết kiệm cho xã hội gần 4.200 tỉ đồng để đầu tư vào hầm đường bộ Cù Mông nối 2 tỉnh Phú Yên và Bình Định”.
Điều khá đặc biệt của dự án hầm đường bộ qua đèo Cả là các phương tiện qua lại trên tuyến này có 2 phương án lựa chọn. “Người dân có quyền lựa chọn hoặc là trả phí để qua hầm hoặc là lưu thông trên đường đèo để không trả phí mà chủ đầu tư không hề ép buộc. Đây là điểm khác biệt so với các dự án khác. Chúng tôi làm dự án không phải chỉ để thu tiền mà muốn phục vụ tốt cho xã hội và cũng là thỏa mãn tâm nguyện mà bấy lâu nay tôi đã ấp ủ”, ông Hoàng nói.
Mở toang hầm Cù Mông và Hải Vân
Sự thành công trong quá trình thực hiện dự án hầm đường bộ qua đèo Cả đã làm động lực cho chủ đầu tư tự tin hơn nên Công ty cổ phần đầu tư Đèo Cả đã quyết định tiếp tục đầu tư dự án hầm Cù Mông và dự án mở rộng hầm Hải Vân. “Nhiều người hỏi vì sao Công ty cổ phần đầu tư Đèo Cả ôm đồm nhiều vậy? Có lẽ vì chúng tôi có khát vọng xóa hết những cung đường đèo nguy hiểm để phục vụ cho người dân an toàn hơn, hạnh phúc hơn”, ông Hoàng chia sẻ.
Ông Đỗ Văn Nam, Phó tổng giám đốc kiêm Giám đốc Ban QLDA hầm Hải Vân, cho biết dự án có chiều dài 6,3 km với vốn đầu tư hơn 7.295 tỉ đồng. Trong đó giai đoạn 1 khởi công vào tháng 4.2016 với hạng mục sửa chữa, nâng cấp, thay thế thiết bị hư hỏng và giai đoạn 2 khởi công vào tháng 7.2016 thi công mở rộng hầm lánh nạn thành hầm giao thông với quy mô 2 làn xe. “Sau khi khởi công, các đơn vị đã tập trung phương tiện, nhân lực nên hiện đã đào được 750 m cửa bắc và 150 m cửa nam. Chúng tôi nỗ lực phấn đấu hoàn thành trước dự kiến”, ông Nam cho biết.
Trong khi đó, dự án hầm Cù Mông có chiều dài toàn tuyến 6,6 km với tổng vốn đầu tư hơn 4.200 tỉ đồng được khởi công vào tháng 9.2015. Ông Nguyễn Tấn Đông, Giám đốc Ban QLDA hầm Cù Mông, cho biết tốc độ thi công rất nhanh và rất khẩn trương liên tục 3 ca để đảm bảo tiến độ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.