Đau đáu Mỹ Hòa

14/10/2007 23:59 GMT+7

Xã Mỹ Hòa, huyện Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long đã trở nên quen thuộc với nhiều người sau thảm họa sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ. Đã gần ba tuần sau thảm họa, trong câu chuyện của những người dân làng, có hai chuyện khiến người ta lưu tâm, xốn xang.

Thứ nhất, trên xã đã có những tờ đơn thưa kiện giữa cha chồng và nàng dâu, giữa anh em với nhau... khi người ta muốn chia chác số tiền trợ giúp (!). Thứ hai là chưa bao giờ những người dân xứ quê nghèo này cầm trong tay cả chục triệu nên bây giờ có tiền trợ giúp, nhưng chưa chắc đã biết làm gì?

Từng bị cắt nát vì quy hoạch

Trước khi xảy ra thảm họa, làm gì để kiếm sống là câu hỏi mà dân Mỹ Hòa không thể tự trả lời. Cả xã có 2.340 ha đất tự nhiên, 14.500 dân (3.600 hộ), 1.357ha/1.382 ha đất trồng trọt chuyên canh bưởi Năm Roi. Thế nhưng Mỹ Hòa có 175 hộ sống dưới mức nghèo, 48 hộ không nhà ở. Trong số những làng quê ven sông thuộc tỉnh Vĩnh Long, Mỹ Hòa là điển hình cho sự hy sinh theo kiểu cắt nát vì quy hoạch.

Khi quy hoạch khu du lịch, Mỹ Hòa bị xẻo 160 ha, tới khi quy hoạch vùng giải tỏa để làm đường dẫn lên cầu Cần Thơ bị xẻo tiếp 12,4 ha, công trường 3 xẻo một miếng 22,4 ha, với ý tưởng làm cảng Bình Minh lại xẻo thêm 7,8 ha nữa. Khi khu công nghiệp Bình Minh hình thành, Mỹ Hòa tiếp tục bị xẻo lớn hơn với 162 ha và khu dân cư được quy hoạch 8,7 ha. Đất đai được bồi thường 27.000 đ/m2. Khi đất được giải tỏa, các đại gia nhảy xổ vào mua đất, xí phần nhưng chẳng làm gì. Người Mỹ Hòa muốn làm thuê nhưng chẳng có việc gì để làm.

Dân quê sẽ làm gì ?

Lẽ ra khi trưng dụng đất đai người ta phải đo lường các tác động kinh tế xã hội; phải thực hiện đồng thời các dự án trợ giúp để nông dân thích ứng với sự chuyển đổi, nhưng điều đó không được thực hiện đến nơi đến chốn.

Mỹ Hòa là một vùng chuyên canh bưởi truyền thống nhưng không phát triển được. Ông Lưu Quang Sang, Phó chủ tịch UBND huyện Bình Minh nói rằng ông đã từng nghĩ tới việc hướng dẫn cho dân làng Mỹ Hòa học cách làm hàng bán vô khu du lịch. Nhưng khu du lịch Mỹ Hòa, cho tới bây giờ chỉ nghe tiếng chứ chưa thấy hình. Thậm chí người ta muốn biến vùng ven sông thành nơi nuôi cá tra công nghiệp, hốt bạc dễ hơn.

Sau này, khi qua cầu Cần Thơ, chắc sẽ có người ghé lại vùng đã từng xảy ra thảm họa, thắp nén nhang cho người đã khuất, cảm ơn công sức cần lao để tạo dựng cây cầu. Dân Mỹ Hòa có thể làm một khu mua bán đặc sản ở đoạn cong trước khi lên cầu dẫn? Có thể hình thành một trạm dừng, thu hút sản phẩm từ nhiều làng nghề khác nhau về đây hoặc xây dựng thành  làng du lịch vườn có sự tham gia của cộng đồng? Có thể còn nhiều ý tưởng khác nếu mọi người hiểu được rằng, cái dân Mỹ Hòa cần là chiếc cần câu chứ không phải con cá.

Gia Khiêm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.