Đấu thầu thuốc: Được điều chỉnh 10% số lượng thuốc trước khi ký hợp đồng

08/08/2019 13:45 GMT+7

Từ 1.10.2019 một số quy định mới về đấu thấu thuốc trong các cơ sở y tế công lập giúp khắc phục tình trạng thiếu hụt thuốc điều trị.

Kiểm soát giá thuốc trúng thầu và khả năng cung ứng

Bộ Y tế vừa ban hành Thông tư 15/2019/TT-BYT quy định việc đấu thầu thuốc tại các cơ sở y tế công lập. Thông tư do Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường ký ngày 11.7.2019, có hiệu lực từ 1.10.2019.
Bên cạnh các quy định về tiêu chí kỹ thuật, chất lượng, nguồn gốc xuất xứ... thông tư này quy định về kiểm soát giá. Cụ thể: giá trúng thầu của từng thuốc không được cao hơn giá của thuốc đó trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu đã được người có thẩm quyền phê duyệt và không vượt giá bán buôn kê khai, kê khai lại còn hiệu lực của thuốc đó (trừ trường hợp quy định tại Khoản 3 Điều 32 Thông tư này).
Về việc bảo đảm thực hiện hợp đồng và sử dụng thuốc đã trúng thầu, Thông tư 15/2019/TT-BYT cho phép trước thời điểm ký hợp đồng, bên mời thầu có quyền tăng hoặc giảm số lượng nhưng tối đa không quá 10% so với số lượng thuốc tại kế hoạch đấu thầu mà không có bất kỳ thay đổi nào về đơn giá hay các điều kiện, điều khoản khác của hồ sơ dự thầu và hồ sơ mời thầu.
Để đảm bảo cung ứng thuốc, nhà thầu được lựa chọn phải thực hiện biện pháp bảo đảm thực hiện hợp đồng trước thời điểm hợp đồng có hiệu lực. Giá trị bảo đảm thực hiện hợp đồng được quy định trong hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu theo mức từ 2 - 10% giá hợp đồng. Đối với gói thầu quy mô nhỏ, giá trị bảo đảm thực hiện hợp đồng được quy định trong hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu theo mức từ 2 - 3% giá hợp đồng.
Thuốc từ dược liệu GACP được xếp nhóm loại riêng trong nhóm thuốc đấu thầu

Thuốc từ dược liệu GACP được xếp nhóm loại riêng trong nhóm thuốc đấu thầu

Tuy nhiên, thông tư cũng nêu rõ: thủ trưởng cơ sở y tế và nhà thầu trúng thầu chịu trách nhiệm thực hiện hợp đồng cung cấp thuốc theo đúng các quy định của pháp luật có liên quan về hợp đồng kinh tế, phải thực hiện tối thiểu 80% giá trị của từng phần trong hợp đồng đã ký kết. Đối với thuốc cấp cứu, thuốc giải độc, thuốc hiếm, thuốc kiểm soát đặc biệt, dịch truyền và những tình huống khác, cơ sở y tế bảo đảm thực hiện tối thiểu 50% giá trị của từng phần trong hợp đồng đã ký kết.
Trường hợp cơ sở y tế không thực hiện tối thiểu 80% giá trị của từng phần trong hợp đồng đã ký kết thì thủ trưởng cơ sở y tế phải báo cáo, giải trình lý do với người có thẩm quyền.
Đơn vị y tế được phép mua vượt 20% số lượng nhóm thuốc so với hợp đồng đã ký mà không phải trình duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu bổ sung, trong trường hợp: đã sử dụng hết số lượng thuốc của nhóm khác có cùng hoạt chất, chỉ còn thuốc trong gói thầu biệt dược gốc; nhà thầu chưa cung cấp hết số lượng thuốc của nhóm thuốc nhưng không cung cấp tiếp vì lý do bất khả kháng.

Chia nhóm kỹ thuật khuyến khích thuốc dược liệu chất lượng cao

Đáng lưu ý, tại Thông tư 15/2019/TT-BYT, việc chia nhóm thuốc đấu thầu quy định chi tiết hơn về các tiêu chí kỹ thuật, chất lượng, trong đó, gói thầu thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền, trong đó nhóm 1 bao gồm các thuốc đáp ứng đồng thời 2 tiêu chí: được sản xuất toàn bộ từ dược liệu nuôi trồng, thu hái hoặc khai thác tự nhiên được Bộ Y tế Việt Nam đánh giá đạt nguyên tắc, tiêu chuẩn GACP; được sản xuất toàn bộ trên dây chuyền sản xuất thuốc tại Việt Nam được Bộ Y tế Việt Nam đánh giá đạt nguyên tắc, tiêu chuẩn GMP cho thuốc dược liệu hoặc thuốc cổ truyền; Nhóm 2 (bao gồm các thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền được sản xuất toàn bộ trên dây chuyền sản xuất thuốc tại Việt Nam được Bộ Y tế Việt Nam đánh giá đạt nguyên tắc, tiêu chuẩn GMP cho thuốc dược liệu hoặc thuốc cổ truyền) và nhóm 3 bao gồm các thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền không đáp ứng tiêu chí của nhóm 1 và 2 nêu trên.
Việc chia nhóm này khắc phục tình trạng thuốc bào chế từ dược liệu đạt các tiêu chí cao không trúng thầu do có giá cao hơn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.