Theo Cổng thông tin điện tử Bộ Lao động - Thương binh và xã hội, Ban soạn thảo dự án Luật lao động sửa đổi đề xuất bỏ quy định: “Lao động nữ trong thời gian hành kinh được nghỉ mỗi ngày 30 phút; trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi, được nghỉ mỗi ngày 60 phút trong thời gian làm việc. Thời gian nghỉ vẫn được hưởng đủ tiền lương theo hợp đồng lao động”. (Khoản 5, Điều 155 Bộ Luật lao động).
Như vậy, nếu Luật này được thông qua, lao động nữ sẽ không còn được nghỉ 60 phút/ngày khi nuôi con dưới 12 tháng tuổi và nghỉ 30 phút/ngày trong thời gian hành kinh.
tin liên quan
Chị em nhớ kỹ: Chồng có BHXH, vợ sinh con vẫn được lãnh tiền thai sảnDù vợ không có bảo hiểm xã hội (BHXH) nhưng người chồng có mua thì khi vợ sinh con thì chồng được chế độ thai sản đã được quy định trong luật.
Ông Nguyễn Tất Năm, Trưởng phòng Lao động - Tiền lương - Tiền công, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM cho hay ông không rõ vì sao Ban soạn thảo bỏ quy định lao động nữ được nghỉ 30 phút /ngày khi trong chu kỳ kinh nguyệt và 60 phút/ngày trong thời gian chăm con dưới 12 tháng tuổi.
|
“Dưới góc độ là người làm công tác tham mưu quản lý về lao động trong thực tiễn, tôi có nghe được nhiều ý kiến từ các doanh nghiệp và kể cả những người làm công tác về bình đẳng giới cho rằng việc thực hiện quy định trên sẽ làm tăng chi phí cho doanh nghiệp và điều này dẫn đến việc hạn chế cơ hội tiếp cận việc làm, nghề nghiệp của lao động nữ. Phải chăng lý do này đã tác động đến việc bỏ quy định trên”, ông Năm bày tỏ.
|
Theo ông Năm, về quy định nghỉ mỗi ngày 60 phút khi chăm con dưới 12 tháng tuổi, Công ước số 183 năm 2000 về bảo vệ thai sản trong đó tại Khoản 1 Điều 10 có quy định lao động nữ được quyền nghỉ 01 lần hoặc hơn trong 01 ngày hoặc giảm số giờ làm việc hàng ngày để cho con bú. Các lần nghỉ hoặc giảm giờ làm việc hàng ngày được tính vào thời gian làm việc và được hưởng lương.
Dù trong thực tế việc áp dụng đối với lao động nữ làm việc trực tiếp còn có hạn chế nhất là ở nơi làm việc theo dây chuyền hoặc lao động nữ làm việc tại khu công nghiệp có xe đưa rước theo giờ công ty quy định, không thể về sớm hay đi muộn hơn 01 giờ nên vẫn phải làm việc 8 tiếng và nhận tiền quy đổi hay cộng dồn giờ để đổi thành ngày nghỉ trong khi con không được bú, chăm sóc theo quy định của bộ luật.
Do đó Bộ luật cần quy định rõ hơn về quyền của lao động nữ và trách nhiệm của người sử dụng lao động khi tuân thủ không để xảy ra tình trạng hạn chế trên.
Về nghỉ 30 phút/ngày trong thời gian chu kỳ kinh nguyệt, dù Công ước 183 không đề cập việc nghỉ của lao động nữ trong thời gian hành kinh nhưng vấn đề này trong pháp luật Lao động Việt Nam đã được quy định ở Bộ luật Lao động 1994, 2012 và điều này đã trở thành thông lệ.
“Trong thực tế lao động nữ làm việc gián tiếp rất ít khi thụ hưởng quy định này vì lý do ngại và tế nhị nên họ vẫn làm việc bình thường. Đối với lao động nữ làm việc trực tiếp thì việc nghỉ 30 phút sẽ khó khăn, đặc biệt nếu họ làm trong dây chuyền sản xuất”.
|
“Do đó, thường lao động nữ sẽ thỏa thuận với người sử dụng lao động bằng cách tính chung một tháng có ít nhất 03 ngày theo Nghị định 85/2015/NĐ-CP cộng dồn để được nghỉ hoặc quy đổi thành tiền nếu không sử dụng giờ nghỉ này. Trong trường hợp này thì việc chăm sóc sức khỏe cho lao động nữ trong thời gian hành kinh không đi vào thực chất mà trở thành tiền tệ hóa là điều hạn chế của Bộ Luật”, ông Năm phân tích.
Cuối cùng, ông Năm cho rằng việc quy định nghỉ 30 phút này nên giao cho Chính phủ hướng dẫn thực hiện theo hướng thực chất phù hợp với tính chất, điều kiện và môi trường lao động của từng ngành, lĩnh vực, từng thời kỳ cụ thể.
tin liên quan
Sau sinh con, khi nào mẹ được nhận tiền thai sản?Sau khi sinh con ngày 3.2.2016, chị Lê Thị L. Th gửi hồ sơ thanh toán thai sản cho cơ quan để chuyển cho Bảo hiểm xã hội (BHXH) Đà Nẵng nhưng bị từ chối vì cho rằng chưa đến thời hạn.
Bên cạnh đó, ông Năm kiến nghị nếu giữ nguyên Khoản 5 Điều 155 Bộ luật Lao động hiện hành thì nên đổi tên Điều này từ “Bảo vệ thai sản đối với lao động nữ” thành “Bảo vệ thai sản, chăm sóc sức khỏe đối với lao động nữ” thì mới đầy đủ nội hàm.
Hiện dự thảo đã gần hết thời gian lấy ý kiến. Dự kiến, tháng 3.2017 Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ trình cơ quan thẩm tra Quốc hội và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội; tháng 4.2017 sẽ trình Quốc hội dự án Luật.
Lao động nữ sẽ ít thời gian nghỉ hơn
Theo Điều 155 Luật lao động năm 2012, lao động nữ trong thời gian hành kinh được nghỉ mỗi ngày 30 phút; trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi, được nghỉ mỗi ngày 60 phút trong thời gian làm việc. Thời gian nghỉ vẫn được hưởng đủ tiền lương theo hợp đồng lao động.
Nếu Bộ Luật lao động sửa đổi, bổ sung được thông qua, lao động nữ sẽ không còn được nghỉ mỗi ngày 60 phút khi nuôi con dưới 12 tháng và nghỉ 30 phút/ngày trong những ngày "đèn đỏ".
|
Bình luận (0)