Đề xuất rút ngắn thời hạn đổi giấy phép lái xe: Vẽ thủ tục làm phiền dân

11/02/2017 13:33 GMT+7

Đại diện các hiệp hội cũng như các chuyên gia giao thông đều cho rằng đề xuất rút ngắn thời hạn đổi giấy phép lái xe là hình thức tăng thêm thủ tục hành chính, làm phiền người dân.

Mới đây, đại tá Đào Vịnh Thắng, Trưởng phòng CSGT đường bộ - đường sắt (PC67, Công an TP.Hà Nội) cho biết sẽ đề xuất cơ quan chức năng rút ngắn thời hạn cấp sử dụng giấy phép lái xe (GPLX) ô tô từ 10 năm xuống còn 5 năm, những người được cấp GPLX ô tô phải kiểm tra sức khỏe định kỳ hằng năm, việc sát hạch cấp GPLX cho công dân nên do Bộ Công an chủ trì thay vì Bộ GTVT như hiện nay.
Lý giải cho đề xuất này, ông Thắng cho rằng thời hạn cấp sử dụng GPLX ô tô 10 năm như hiện nay là quá dài. Trong khoảng thời gian này, người lái xe có sự thay đổi về sức khỏe, có thể không đủ đảm bảo điều khiển phương tiện nhưng cơ quan chức năng không phát hiện ra, sẽ gây ra hậu quả, có thể là tai nạn giao thông.
Không đồng tình dù chỉ mới là ý kiến cá nhân
Theo ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN, dù đây chỉ là ý kiến cá nhân của ông Thắng, chưa phải đề xuất chính thức của ngành công an, nhưng ông không đồng tình với quan điểm này.
“Luật Giao thông đường bộ và các nghị định của Chính phủ đã quy định thời hạn đổi GPLX từ 5 năm trước đây lên 10 năm, thực hiện nhiều năm nay. Việc cho phép nâng thời gian đã được tính toán rất kỹ, tạo thuận lợi cho người dân, cải cách hành chính. Chính phủ cũng nhiều lần yêu cầu về giảm bớt các thủ tục hành chính, giảm phiền hà cho người dân, nay lại đề xuất như vậy khác gì vẽ thêm thủ tục, làm phiền người dân?”, ông Thanh nói.
Lãnh đạo Hiệp hội Vận tải ô tô VN cũng phủ nhận việc rút ngắn thời hạn cấp đổi GPLX, yêu cầu khám sức khỏe sẽ quản lý lái xe tốt hơn. Ông Thanh cho rằng, việc quản lý lái xe không phải đổi GPLX mà giải quyết được. Nghị định 86 về điều kiện kinh doanh vận tải ô tô đã quy định bắt buộc các đơn vị vận tải định kỳ hằng năm phải khám sức khỏe lái xe. Bên cạnh đó, các đơn vị đột xuất vẫn phải kiểm tra khi lái xe có sức khỏe bất thường như nghi ngờ sử dụng ma túy, chứ không phải đợi 5, 10 năm mới đi kiểm tra sức khỏe 1 lần.
Dễ nảy sinh tiêu cực
Mặt khác, với các cá nhân tham gia giao thông trên đường, nếu vi phạm sẽ bị xử phạt rất nghiêm theo luật, vi phạm mức độ nào sẽ bị tước GPLX… đều đã được quy định cụ thể. “Không phải vì thời gian đổi GPLX quá dài nên không quản lý được lái xe. Nói như vậy thì khác gì ngành giao thông hay CSGT không làm gì, không quản lý lái xe trong 10 năm liền”, ông Thanh nói. Việc rút ngắn thời hạn, yêu cầu thêm khám sức khỏe sẽ phát sinh chi phí hành chính rất lớn, hàng triệu người phải đi làm lại thủ tục, thêm 1 giấy khám sức khỏe (dù đã khám định kỳ hằng năm). Đặc biệt, theo ông Thanh, những yêu cầu trên dễ nảy sinh tiêu cực và đối phó. Giảm được thủ tục nào sẽ đỡ vất vả cho người dân. Cơ quan quản lý muốn tăng cường quản lý, giám sát lái xe phải tính đến các biện pháp khác và thường xuyên, chứ không chỉ áp vào một thủ tục hành chính.
Một chuyên gia khác thì thẳng thắn cho rằng: “Nhiều nước trên thế giới chỉ quan tâm đến kiểm soát sức khỏe với người lái xe chuyên nghiệp, giám sát rất chặt với lái xe khách đường dài, xe buýt, taxi… Để làm được việc này thì hằng năm khâu khám sức khỏe định kỳ được thực hiện rất nghiêm ngặt chứ không phải đợi đến lúc đổi GPLX mới quan tâm xem lái xe có đủ khỏe không”.
TS Nguyễn Minh Đồng, chuyên gia giao thông, là người sinh sống nhiều năm ở châu Âu và Mỹ, cho biết ông được cấp GPLX tại Đức bằng vô thời hạn và cũng chưa bao giờ bị gọi đi khám sức khỏe. “Hiện với những người được cấp GPLX mới tại Đức, thời hạn thay đổi là 15 năm, nhưng khi đi đổi bằng cũng không phải khám sức khỏe. Để thử thách lái xe, Đức có 2 năm là bằng lái xe thử thách, trong 2 năm đầu mới lấy bằng mà vi phạm nhiều thì người lái xe sẽ phải thi lại, tiền bảo hiểm cho xe cũng cao hơn so với người ít vi phạm”, ông Đồng cho hay.

tin liên quan

Tách bằng lái gây lãng phí lớn
Chỉ sau hơn 2 năm thực hiện bắt buộc tích hợp 2 trong 1 GPLX giữa ô tô và mô tô, Bộ GTVT lại cho phép tách riêng GPLX. Trong khi đó, để tách hơn 1,31 triệu GPLX đã tích hợp, chi phí người dân bỏ ra sẽ tốn hơn 355 tỉ đồng.
Tại Mỹ, bằng lái xe có thời hạn 5 năm, nhưng khi đổi cũng không phải khám sức khỏe, mục đích cấp đổi chỉ để xác định xem người lái xe còn ở địa chỉ cũ hay không. “Tôi sống ở cả châu Âu và Mỹ đều thấy thủ tục rất đơn giản, tạo thuận lợi cho người dân, không có chuyện đề xuất như thế này”, ông Đồng nói.
Đừng để người dân tốn tiền, tốn sức
Theo thời gian, người lái xe mô tô 2 bánh cũng "có thể thay đổi về sức khỏe, có thể không đảm bảo để điều khiển phương tiện, nhưng cơ quan nhà nước không quản lý được, sẽ gây ra những hệ lụy, thậm chí đây cũng là nguyên nhân gây ra tai nạn giao thông...". Ai cũng biết rằng, phần lớn vụ tai nạn giao thông là do người lái xe mô tô 2 bánh gây ra, nhưng GPLX mô tô 2 bánh lại không có thời hạn. Không thấy ông Thắng đề nghị rút ngắn thời hạn cấp sử dụng GPLX mô tô 2 bánh. Như vậy, ông Thắng đã tự mâu thuẫn với chính mình.
Nếu rút ngắn thời hạn cấp sử dụng GPLX ô tô theo đề nghị của ông Thắng sẽ gây thiệt hại rất lớn cho nhân dân. Người dân phải tốn tiền, công sức và thời gian để đi đổi GPLX một cách vô ích, vì vừa đã đổi sang loại mới, và một khi thời hạn cấp sử dụng GPLX ô tô rút ngắn thì đương nhiên thời hạn cấp sử dụng GPLX mô tô 2 bánh (tích hợp trong cùng 1 GPLX) cũng phải giảm theo, lúc đó thì thiệt hại gây ra cho nhân dân còn lớn hơn nhiều.
Lâm Tấn Lợ
(Giám đốc Công ty TNHH Duy Lợi)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.