Đến Paris gặp Sài Gòn: Phở Pasteur, quận 13 và dòng máu Việt

27/01/2019 10:12 GMT+7

Có thành phố hải ngoại nào sống động trong ký ức và hoài niệm của nhiều thế hệ VN bằng Paris? “Paris có gì lạ không em?” - thơ Nguyên Sa da diết đã là thành ngữ mỗi lần đến Paris, mỗi lần nhớ Paris.

Đâu chỉ VN thôi, trên thế giới đã có hằng hà những bài thơ, bản nhạc, tranh vẽ, ảnh chụp, tản văn, tiểu thuyết, phim truyện và kịch nói về Paris hoa lệ, về số phận những con người gặp nhau ở kinh thành Ánh sáng. Vậy đó, Paris - không chỉ nổi tiếng bởi đền đài, kiến trúc nguy nga, khung cảnh lãng mạn mà còn là nơi lan tỏa những tư tưởng khai sáng, nơi hội tụ các nền văn hóa từ Tây sang Đông.
Với VN, Paris quen thuộc, không chỉ vì duyên nợ của lịch sử kết nối hai đất nước mà còn bằng tâm hồn đồng điệu nhiều mặt của hai dân tộc. Trong đó, với người Sài Gòn, Paris trước nhất là hình mẫu nguyên gốc của những con đường “cây dài bóng mát”, “hàng cây thắp nến lên hai hàng”, những quán cà phê hàng hiên...
Và rồi, đến Paris, người Sài Gòn gặp lại hình ảnh nhà thờ Đức Bà trầm mặc, tòa thị chính như một lâu đài cổ tích giữa phố, gặp lại những tòa nhà kiểu dáng Gothique, Baroque, Beau Arts may mắn vẫn còn đây đó ở thành phố xa thủ đô nước Pháp vạn dặm... Không những thế, Paris còn có đông người Sài Gòn nhiều thế hệ, có nhiều dấu tích liên quan Sài Gòn đến lạ.

Phố Sài Gòn 150 năm

Người viết đến Paris lần đầu năm 1993, từ đấy đã ghé hơn 10 lần, chủ yếu vì công việc. Nhưng mỗi lần đến là một lần khám phá mới về nước Pháp. Lần nào cũng đều gặp lại Sài Gòn ở Paris!
Chẳng hạn từ Khải Hoàn Môn, đi bộ dọc theo đại lộ La Grande Armée, đúng như Google Maps mách bảo, chưa đầy 5 phút là đến phố Argentine. Rẽ vào đây mươi bước thì thấy một con đường nhỏ chạy song song với đại lộ La Grande Armée - đây rồi, trên vách tòa nhà đầu đường có gắn bảng Rue de Saigon - Phố Sài Gòn!
Nhà hàng Phở Hòa Pasteur Sài Gòn ở quận 13 - Paris Ảnh: Phúc Tiến
Con phố hoàn toàn im ắng, không có quán xá cửa hàng, chỉ có biệt thự và cao ốc căn hộ kiểu xưa 5 - 7 tầng. Xe hơi du lịch đậu dọc con phố san sát. Cuối phố là một con phố nhỏ khác mang tên Rude. Góc giáp ranh giữa phố Rude và phố Sài Gòn dẫn ra một vườn hoa xinh xắn. Ở đây cả hai tòa nhà đầu phố đều gắn bảng Rue de Saigon.
Hóa ra bảng tên đường Sài Gòn bao đời nay có màu sắc y chang bảng tên đường Paris: chữ trắng chạy trên nền xanh dương đậm! Trong khi đó, ở London và Hồng Kông bảng tên đường có chữ đen trên nền trắng, ở New York và Singapore - chữ trắng viết trên nền xanh lá cây.
Tuy nhiên, so với bảng tên đường ở Sài Gòn, thiết kế bảng tên đường Paris kiểu cách hơn. Nhìn từ xa, nó có dáng của một tòa nhà cổ điển thu nhỏ. Bên dưới là hình chữ nhật, có tên phố được kẻ ở giữa, chung quanh thêm một đường viền xanh lá cây trang nhã. Bên trên hình chữ nhật ấy là một hình bán nguyệt như mái vòm cong cong. Dưới cái vòm xinh xinh, đó là chữ số -tên của quận. Nhìn bảng tên đường Rue de Saigon, ta nhận ra nó thuộc quận 16 trong số 20 quận của Paris.
Theo trang web của Tòa thị chính Paris, Phố Sài Gòn chỉ dài khoảng 100 m, lòng đường 10 m nhưng đã có đúng 150 năm! Thuở ban đầu, phố này có tên gọi là Pelouse, xây dựng từ năm 1863, đến năm 1868 được đổi tên là Phố Sài Gòn. Năm 1868 là thời điểm 10 năm người Pháp bắt đầu xâm chiếm Việt Nam, thời điểm 3 năm chính thức thành lập Ville de Saigon, một thành phố hiện đại theo kiểu Pháp ở Đông Dương.
Thương quá, cái Phố Sài Gòn, tuy nhỏ mà lịch sử lâu đời và có nhiều điều thú vị. Phải chăng người Pháp “nịnh đầm” Sài Gòn hay là thương nhớ cái thành phố “Hòn ngọc Viễn Đông” do họ thiết kế nên đã đặt tên và gìn giữ cái tên đó xuyên qua ba thế kỷ? Phải chi, chúng ta đáp lễ, có một con phố ở Sài Gòn - TP.HCM cũng mang tên Paris, vì xem bản đồ Sài Gòn trước 1955, đã thấy có Phố Paris nay là đường Phùng Hưng ở Q.5!
Hiện ở TP.HCM cũng có một đoạn đường ngắn trước Bưu điện TP.HCM và nhà thờ Đức Bà (Q.1) có chữ Paris - nhưng đó là tên của cuộc cách mạng vô sản đầu tiên trên thế giới: Công xã Paris.

Phở Pasteur, quận 13 và dòng máu Việt


Đến Paris ghiền đồ ăn Việt, thèm gặp người Việt thì phải đến quận 13. Ở đó, có nhiều cửa hàng VN xen kẽ với cửa hàng người Hoa, có nhiều chung cư cao tầng đông người Việt sinh sống, có thương xá Olympic một thời nhiều nhà sách Việt, kể cả cửa hàng gốc “Paris by night”.
Hai đại lộ chính của khu này là Italie và Ivry, cùng nhiều con phố lân cận như Choisy, tràn ngập các tiệm phở và nhà hàng với nhiều bảng hiệu xuất xứ từ Sài Gòn. Đó là Phở Pasteur, Phở Hòa Pasteur, Phở 13, Phở 14, Phở 99, Phở Cây Ớt, Phở Xe lửa, Phở Nghi Xuân, Phở Mùi...
Cho dù bảng hiệu không liên quan xuất xứ Sài Gòn, khách vào cửa hàng nhìn thấy tô phở nóng hổi kèm theo đĩa rau thơm, giá sống, tương ớt, tương đen thì biết ngay phở này nấu theo kiểu nào. Trong các nhà hàng Việt ở quận 13, dù mang tên Phở hay không ghi là Phở, dù mang tên Sài Gòn hay tên khác, vẫn có đủ loại món ăn VN. Nếu là người Sài Gòn thì sẽ thử ngay hủ tiếu, cơm tấm, bún chả giò, nem nướng, bún mắm, bún bò, bánh xèo... những món ăn khoái khẩu thành danh ở đất đô thành miền Nam từ xưa đến nay.
***
Đến Paris gặp Sài Gòn, còn nhiều chuyện chưa thể kể hết trong một bài báo nhỏ. Đành hẹn lại, đành rủ bạn, nếu có đến Paris, đừng quên ngắm nét Sài Gòn!

Người Việt đầu tiên đến Paris

Hoàng tử Cảnh - người Gia Định đầu tiên đến Paris năm 1787
Theo nhiều nguồn thống kê, người gốc Việt ở Pháp có khoảng 400.000 người. Phân nửa số này sống ở Paris, trong đó người đến từ Sài Gòn không rõ số liệu, tuy nhiên con số hẳn rất đáng kể.
Xem lại sách sử, không thể quên người Việt đầu tiên đến Paris chính là “Hoàng tử Bé’’ của Gia Định (xin phép xài chữ của nhà văn Saint-Exupéry). Đó là Nguyễn Phúc Cảnh - con của chúa Nguyễn Ánh, được Giám mục Bá Đa Lộc đưa đi Pháp ra mắt vua Louis 16 vào năm 1787. Cậu bé Gia Định quý tộc ấy đã được họa sĩ Mauperin vẽ lại chân dung, cho ta thấy gương mặt rất tuấn tú khôi ngô. Lịch sử VN có thể sẽ thay đổi lớn nếu như hoàng tử Cảnh không bị bệnh mất sớm (1801, năm 21 tuổi) khiến vua Gia Long phải truyền lại ngai vàng cho Hoàng tử Đảm Minh Mạng. Trong khi ấy, có lẽ nhóm người Việt thứ hai đến Paris là phái bộ Phan Thanh Giản, đi bằng tàu biển từ Sài Gòn. Trong đoàn có chàng trai - 25 tuổi Petrus Trương Vĩnh Ký, nhà ở Chợ Quán, làm phiên dịch. Nhân chuyến đi này, Petrus Ký đi thăm Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, mở rộng kiến thức và kết nối với trí thức châu Âu.
Ngày nay, hậu duệ của Petrus Ký có mặt ở nhiều nước, trong đó khá nhiều người ở Pháp. Vừa rồi, tại Paris, tôi may mắn gặp được con cháu của cụ Trương Vĩnh Tống - người con út của Petrus Ký, đang lưu giữ nhiều hình ảnh và di thảo quý giá của nhà bác học văn hóa này.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.