'Dịch' khai ấn: Đừng trục lợi từ lễ hội

07/02/2017 08:06 GMT+7

Đó là ý kiến của nhiều bạn đọc về bài viết “Dịch” khai ấn trên Thanh Niên số phát hành ngày 6.2.

Quá mê tín
Tôi cảm thấy nhiều người VN bây giờ mê tín quá. Cái gốc rễ của con người là văn hóa, là đạo đức thì không tự trau dồi mà lại trông chờ, xin xỏ những điều viển vông. Ông bà ta có câu “có đức mặc sức mà ăn”. Sống hiền lành, phúc đức, chú tâm làm điều thiện, điều đẹp, không hại ai, vun đắp cho gia đình, cho xã hội. Mỗi người đều làm được những điều như thế thì không cần xin, cầu gì cũng sẽ được hưởng cuộc sống vui tươi, hạnh phúc. Đi lễ, đi chùa, “hối lộ” cho thần thánh thật nhiều mâm quả nhưng lại làm điều ác đức, dối lừa thì thần nào chứng, thánh nào phù hộ?
Võ Hoài Thu
(TP.Long Xuyên, An Giang)
Gốc rễ của vấn đề
Vấn đề nằm ở văn hóa của người đi lễ. Phải giải quyết vấn đề này trước khi đề cập đến chuyện ấn đó có thiêng hay không thiêng. Ở nhiều địa phương, nhất là miền Nam, mỗi dịp lễ tết, người dân vẫn đến các chùa nổi tiếng để xin lộc, “vay” tiền làm ăn. Tuy nhiên, mọi việc đều diễn ra tốt đẹp. Chùa là nơi hành hương của nhiều người, họ đến xếp hàng xin lộc, cúng chùa rồi về. Những người hành hương luôn trật tự, cư xử có văn hóa với nhau. Như vậy, xét cho cùng, thói chụp giật, tranh cướp, thiếu nhường nhịn, chia sẻ lẫn nhau là nằm ở văn hóa, trình độ, lối sống của người đi lễ hội. Nếu người đi lễ hội không thay đổi được cái gốc rễ này thì cảnh chen lấn, giẫm đạp sẽ không bao giờ chấm dứt.
Huỳnh Phước Lập
(Q.7, TP.HCM)
Vụ lợi từ lễ hội
Thấy khai ấn đền Trần ở địa phương này thu hút du khách thì địa phương khác cũng bắt chước làm theo. Như vậy thì còn gì là lễ hội, là văn hóa, là tâm linh? Đó đúng hơn là sự bắt chước nhằm vụ lợi điều gì đó từ những người tổ chức. Lễ hội luôn đi liền với văn hóa, phong tục, tập quán của một vùng đất, rộng hơn là của một đất nước. Do đó, ngành văn hóa phải làm sao quản lý được lễ hội diễn ra tại địa phương mình. Nơi nào để xảy ra tình trạng phản cảm, lộn xộn, bát nháo trong lễ hội thì cơ quan chức năng cấm địa phương đó tổ chức lễ hội ở năm sau.
Vũ Thanh Đức
(Q.Tân Phú, TP.HCM)
Thánh thần nào chứng cho ?
Cứ sau tết là các trang báo, mạng xã hội lại tràn ngập những hình ảnh phản cảm ở các lễ hội, chủ yếu ở khu vực miền Bắc. Đến khi nào người dân ở khu vực này mới thong dong, vui vẻ đi dự hội như hình ảnh của người xưa đi dự hội? Đi lễ mà chen lấn, xô đẩy một cách dã man như thế thì thánh thần nào chứng cho? Niềm tin trong cuộc sống ai cũng cần, nhưng tin như thế nào, tín ngưỡng như thế nào cho hợp lẽ ở đời, hợp với ý trời, với đạo đức ở đời chứ đừng tín ngưỡng mù quáng kiểu mê tín như thế.
Nguyễn Thanh Tuyền
(Q.Hải Châu, TP.Đà Nẵng)

tin liên quan

Không tổ chức lễ hội truyền thống sông nước Đà Nông do mưa lũ
Ngày 4.2, ông Lê Tấn Thảo, Phó chủ tịch UBND H.Đông Hòa (Phú Yên) cho biết đã không tiến hành tổ chức lễ hội truyền thống sông nước Đà Nông lần thứ 11 vào sáng mùng 8 tết theo kế hoạch, do mưa trái mùa kéo dài, lũ trên sông dâng cao và sóng to, nước lạnh.
Hướng dẫn người dân
Cơ quan quản lý văn hóa, các tôn giáo nên tăng cường tuyên truyền cho người dân, tín đồ của tôn giáo đó hiểu biết về cúng, lễ... Tôi thấy người Việt khá tốn kém, mỏi mệt với việc cúng, việc lễ trong dịp đầu năm mới. Cần hướng dẫn người dân cúng, đi lễ ở chùa, đình, miếu… thế nào cho đúng, khi nào thì cúng, cúng như thế nào, lễ vật gồm những gì là đủ…
Trịnh Minh Hải
(Gò Công, Tiền Giang)
Đỗ Hương
Việc nhiều nơi khai ấn và nhiều người ủng hộ, mua ấn, xin ấn... một cách vô tư, không vụ lợi từ người cho lẫn người mua thì rất tuyệt vời. Cái cần phê phán, lên án ở đây là người cho ấn, phát ấn trục lợi còn những người xin ấn lại chen chúc, xô đẩy, giẫm đạp nhau để được có ấn. Nếu việc xin - cho, hoặc bán - mua diễn ra trong nền nếp, nền nã, giàu tính văn hóa thì nơi nào khai ấn cũng được, cũng hoan nghênh.
Đỗ Hương
 
(Hậu Lộc, Thanh Hóa)
Trần Thị Thu Hiền
Không thể có cái gọi là lễ hội mới như “dịch” khai ấn mà bài báo phản ánh được. Lễ hội phải có từ xa xưa và duy trì cho đến nay hoặc được khôi phục. Sau khi quản lý, quy hoạch lễ hội thì cần phải có quy định cụ thể về khâu tổ chức lễ hội. Buộc đơn vị tổ chức lễ hội với sự tham gia của đông người phải có sự chuẩn bị chu đáo. Phải kiểm soát được tình hình ở nơi diễn ra lễ hội. Nếu không chuẩn bị và bảo đảm tốt an toàn cho lễ hội thì không cấp phép tổ chức.
Trần Thị Thu Hiền 
(TP.Pleiku, Gia Lai)
T.T - Duy Khang 
(thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.