Điều lạ kỳ trên đất Ấn

17/04/2018 10:33 GMT+7

Ấn Độ là một đất nước kỳ lạ, ai mà thích thì cực thích, còn không thì không chịu được. Không có một thứ tình cảm trung dung.

Tôi cũng không phải là người thích coi phim Ấn Độ. Hồi nhỏ, lúc ti vi chiếu phim Ấn Độ tôi chỉ có một ấn tượng duy nhất: người Ấn Độ thích hát và múa nhất hành tinh. Phim nào cũng có những cảnh hát múa tập thể chiếm thời lượng một nửa. Và bài nào cũng giống bài nào, không thể phân biệt được. Nhưng tựu trung, khung cảnh trong phim Ấn Độ là vui vẻ rộn ràng tiếng đờn ca, màu sắc rực rỡ với những bộ quần áo nhiều màu và kết thúc thì luôn có hậu.
Nhưng đời không như là phim. Một số người quen đã từng đến Ấn Độ thẳng thắn khuyên tôi: đừng đến đất nước này mà không theo một tour du lịch được tổ chức tốt. Một sếp cũ người Singapore kể rằng khi đến Ấn Độ ông chỉ uống nước suối và súc miệng cũng bằng nước suối. Nhưng ông vẫn bị tiêu chảy. Lý do là ông đã tắm vòi sen và vô tình để lọt vào miệng vài giọt. Hẳn nhiên là ông cường điệu hóa.

Nhưng không phải ai cũng có ấn tượng không tốt về Ấn Độ. Bà mẹ nuôi người Pháp của tôi, Michele Jouannaud đã từng đến Ấn Độ hai lần, mỗi lần ở lại một tháng.
Bà cực kỳ thích đất nước rộng lớn và khuyên tôi không nên có định kiến mà phải tự mình đến Ấn Độ để cảm nhận bằng chính bản thân mình. Tuy nhiên bà thòng theo một câu: Ấn Độ là một đất nước kỳ lạ, ai mà thích thì cực thích, còn không thì không chịu được. Không có một tình cảm trung dung.
Với một chút rạo rực và rất nhiều dè dặt… tôi đã lên đường, chỉ đem theo quần dài và những chiếc áo kín đáo nhất.
Bắt đầu hành trình
Hành trình đến Ấn Độ của một người VN khá gian nan và đắt đỏ vì… không có chuyến bay thẳng. Nên chắc chắn vé máy bay đi Ấn Độ phải đắt hơn đi Hồng Kông, Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan…
Khi ra khỏi máy bay để vào trong sân bay quốc tế Indira Gandhi tôi không khỏi ngạc nhiên. Nhiều người nói với tôi phi trường rất tệ, đầy bụi và nghe mùi thuốc khử trùng. Nhưng giờ đây tôi thấy mình đang ở trong một phi trường rộng lớn và sạch sẽ không thua gì phi trường Suvarnabhumi ở Bangkok. Hải quan làm việc nhanh lẹ y như bên Paris, nghĩa là chỉ đóng dấu cái cộp vào passport mà không bắt lăn tay hay chụp hình gì lôi thôi như bên Singapore hay Thái Lan.
Điều lạ kỳ trên đất Ấn1
Ấn Độ nhiều sắc màu và khác biệt
Nhiều hành khách chọn giải pháp ngủ vạ vật ở sân bay chờ trời sáng. Sau này khi gặp những người bạn từ các nước khác đến Ấn Độ tôi mới biết các chuyến bay quốc tế đến Delhi đều từ nửa đêm trở về sáng. Vào thời điểm 2 - 3 giờ sáng đó, ở bên ngoài sân bay vẫn có taxi về thành phố nhưng nhiều người khuyên ngồi lại sân bay an toàn hơn.
Nhìn đồng hồ treo tường ở sân bay, tôi phát hiện ra Delhi có múi giờ chậm hơn VN là một tiếng rưỡi. Đây là lần đầu tiên ra nước ngoài tôi thấy múi giờ lệch không chẵn như thế. Chính xác là một tiếng rưỡi chứ không một tiếng hay hai tiếng.
Đúng 6 giờ sáng của Delhi, chúng tôi kéo va li ra khỏi sân bay, bên ngoài huyên náo tiếng trống kèn vì có một đám rước tôn giáo nào đó. Cảnh sát Ấn Độ bồng súng đứng đầy trước cửa. Họ chỉ cho chúng tôi những quầy đăng ký taxi an toàn, có bật đồng hồ để tính cây số. Chúng tôi leo lên một chiếc taxi, bắt đầu hành trình khám phá Ấn Độ.

Và đó là khi tôi nhận ra, những người đã từng đến Ấn Độ không hề nói ngoa khi cho biết đường phố nơi đây rất lộn xộn, đầy rác và không an toàn. Hình ảnh sân bay quốc tế Indira Gandhi to sạch lùi nhanh lại phía sau. Dưới ánh ban mai tươi đẹp, những làn xe chen chúc cố vượt mặt nhau, người ta bấm kèn inh ỏi, khói xe tỏa ra lung linh. Mờ ảo y như sương mù London! Thật ra, đó là khói bụi ô nhiễm.
Anh tài xế xe taxi của chúng tôi cũng vừa bấm kèn vừa lầm bầm than phiền, thái độ rất nóng nảy. Những chiếc xe đẩy bán hàng rong (các loại thức uống, bánh kẹo và rất nhiều dừa) ngang nhiên chiếm dụng lòng đường. Người bán và người mua hàng tỉnh bơ chặt dừa và uống dừa giữa những làn xe inh ỏi.
Xe dần tiến nhanh, chúng tôi chợt nhận ra trong xe không có đồng hồ tính cây số. Khi chúng tôi thắc mắc thì anh tài xế nói “có chứ!” rồi đưa một chiếc điện thoại di động cắm dây vào xe. “Đây là đồng hồ tính tiền!”.
Những người ngủ ngoài đường cùng cát bụi
Thế là chúng tôi an tâm, thở phào nhẹ nhõm. Nhưng vào giây phút đó, xe đã vào trong nội thành Delhi, khắp nơi người ta nằm ngủ, trùm kín những chiếc khăn từ đầu xuống chân. Tôi đã từng nhìn những người vô gia cư ở những nước khác, kể cả ở VN.
Họ ngủ ngoài đường nhưng cũng còn tìm một góc nào đó kín đáo, nằm trên ghế đá hoặc trên nền gạch tương đối sạch rác. Còn ở Delhi, người vô gia cư nằm ngủ tràn lan cả trên những vạch phân cách đầy bụi đất. Họ không có một vỉa hè tráng xi măng mà nằm trên những khoảng đất bụi. Đặc biệt, họ không có một túi đồ để gối đầu, không có một chút tài sản ít ỏi nào ở kế bên như những kẻ không nhà ở các nước khác.
Đã có rất nhiều người nước ngoài nói với tôi vì các chuyến bay quốc tế đến Delhi đều từ lúc nửa đêm về sáng, nên khi họ di chuyển từ sân bay vào nội thành Delhi, họ đều chứng kiến cảnh người Ấn Độ nằm ngủ ngoài đường. Tôi đã có sự chuẩn bị tinh thần, nhưng khi tận mắt chứng kiến cảnh họ ngủ khắp nơi, ngủ cả trên nền đất bụi, bên ngoài những ngôi nhà tươm tất, trong những khu trung tâm thành phố thì… Tôi khó nói lên được tâm trạng của mình, cũng không vội để những cảm xúc đầu tiên lên tiếng. Tôi tự nhủ, cứ chờ thêm vài ngày. (còn tiếp)
Có tới 84% dân số Ấn Độ theo đạo Hindu (còn gọi là Ấn Độ giáo), kế đó là 12% theo đạo Hồi, 2% theo đạo Sikh. Vậy là đã hết 98% rồi. Vậy đạo Phật thì sao? Xin thưa, đạo Phật cùng nhiều tôn giáo khác (Thiên Chúa, đạo Jaini và vô số các đạo khác) chỉ chiếm 2% dân số còn lại ở Ấn Độ. Vì thế, bạn đừng ngạc nhiên khi đến Ấn Độ mà không thấy bóng dáng đạo Phật.
Một điều cần nói rõ, Đức Phật không phải được sinh ra ở Ấn Độ mà là ở Nepal (tại Lumbini hay tiếng Việt thường nghe là Lâm Tì Ni) và sau đó đạo Phật được phát triển ở Ấn Độ. Hiện các tour du lịch tổ chức từ VN mang tên “Hành hương theo dấu chân Phật” đều đến cả hai nước là Ấn Độ và Nepal để đến thăm nơi Đức Phật sinh ra. Tôn giáo này chỉ hiện diện ở các địa điểm in dấu chân Phật như Bodhgaya (Bồ Đề Đạo Tràng), Kushinagar (Câu Thi Na), Vaishaly (Tì Xa Li)…
Phật giáo tại Ấn Độ không có mặt khắp nơi như ở Thái Lan, Myanmar hay Lào... Vì thế, trong suốt thời gian ở thủ đô Delhi, tôi không nhìn thấy một ngôi chùa Phật giáo nào, cũng không thấy bất kỳ nơi nào bán các món thủ công mỹ nghệ hình Đức Phật.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.