Đời gỗ lũa

16/08/2006 15:25 GMT+7

Mỗi khi bán được một tác phẩm, vợ con vui như trúng số. Nghề này cho thu nhập cao nhưng rất khó tìm nguyên liệu..." - Đó là tâm sự của nghệ nhân Nguyễn Tấn Dũng, người khai mở nghề gỗ lũa ở xứ sở ngàn hoa.

Duyên với nghề

Trong căn nhà ở một con hẻm nhỏ trên đường Phan Đình Phùng (Đà Lạt), tiếp chúng tôi ngay trên chiếc bàn gỗ lũa mang tên Vết thời gian, anh Dũng cho biết: Ngay từ khi là học sinh cấp 2, anh đã tự mày mò, mưu sinh bằng nghề chạm tranh bút lửa. Đến năm lớp 9, anh mở hẳn cuộc triển lãm ở Trường Trần Hưng Đạo, Đà Lạt (nay là Trường ĐH dân lập Yersin) để giới thiệu nghệ thuật chạm tranh bằng bút lửa. "Không ngờ nghề này lại trở nên nổi tiếng làm say lòng du khách mỗi khi đến Đà Lạt mà tôi là một trong những người khai sinh"- Dũng bắt đầu câu chuyện như thế. Đam mê nghệ thuật, anh tập tành "làm quen" với tranh sơn dầu. Tuy nhiên gánh nặng cơm áo đã buộc anh phải chuyển qua nghề thầu xây dựng. Đánh vật với vôi vữa suốt 24 năm ròng rã, tưởng chừng như "máu nghệ sĩ" trong con người anh khô cứng như những mảng bê tông cốt thép. Nhưng cơ duyên với nghệ thuật gỗ lũa cũng bắt đầu bằng cái nghề khô cứng này. Một ngày đầu năm 2000, khi đào móng để xây nhà, bất ngờ bắt gặp một gốc cây có hình thù "mộc hóa long" rất đẹp, anh bèn  nảy ra ý định tân trang thành đồ trang trí nội thất cao cấp. Anh bỏ nghề xây dựng để chơi nghệ thuật gỗ lũa từ đó.

Gốc cây hóa tiền

Nguyên liệu của gỗ lũa là phần lõi còn lại của những gốc cây (gỗ nhóm 1, 2, 3) hàng trăm năm tuổi đã bị mục do sự mài mòn của mưa, nắng, côn trùng, mối mọt... chôn vùi dưới đất hoặc trong lòng hồ, sông suối. Muốn tìm phải vào những cánh  rừng nguyên sinh ở Lâm Đồng như: Yahoa, Đưng K'nớ, Sầm Sơn... hay dưới lòng hồ Tuyền Lâm, Đa Nhim, Suối Vàng. Mỗi chuyến đi kéo dài cả tuần, phải ngủ rừng, lội nước lạnh đến buốt xương. Mỗi khi nghe tin có gốc cây là anh đến ngay, có gốc nặng 5- 10 tấn, phải thuê xe cẩu đưa về. Gốc cây càng lâu năm, càng "kỳ hình dị tướng" thì càng có giá trị. Những gốc như thế phải mất vài năm tìm kiếm, chế tác, nhưng càng gian truân hơn khi tìm ra bộ ghế hợp "gu" với bàn. Từ những gốc cây thô mộc qua tay nghệ nhân đẽo, gọt  trở thành những món đồ trang trí nội thất cao cấp, độc đáo. Hàng "độc" được thiên nhiên ban tặng, chẳng cái nào giống cái nào. "Sản phẩm gỗ lũa có giá trị cao là sản phẩm còn nguyên gốc, không bị lắp ghép hay cưa cắt mà phải giữ nguyên lõi bên trong. Nghề gỗ lũa tuy không nhàn nhã nhưng mang lại nhiều hứng khởi cho những ai yêu thích hình thù, hồn phách của gốc cây"- anh Dũng tiết lộ. 


Nghệ nhân Nguyễn Tấn Dũng (bên trái) với bộ bàn "Vết thời gian"

Không chỉ có vẻ đẹp kỳ lạ, các tác phẩm nghệ thuật gỗ lũa của anh Dũng còn mang những tên gọi rất ấn tượng như: Vết thời gian, Thuyền và biển, Cám dỗ, Hoài bão, Mộc hóa lưỡng Long, Thu vàng, Thiên sơn… Qua "ngôn ngữ"  hình thể, mỗi tác phẩm còn  thể hiện cái hồn của nghệ nhân. Nhiều tác phẩm có giá lên tới vài chục triệu đồng, và sản phẩm gỗ lũa của anh Dũng đã có mặt ở nhiều tỉnh thành trong nước và sang tận nước Mỹ xa xôi. Anh chân tình tâm sự: làm nghề ai chẳng muốn bán được nhiều sản phẩm nhưng cái nghề này hơi đặc biệt ở chỗ không nhận hàng nhiều dù khách có đặt. Chẳng hạn như thời gian qua tôi phải từ chối đơn đặt hàng của nhiều người vì sợ “bể” hợp đồng, mất uy tín vì rất khó tìm ra gốc cây "đạt chuẩn" với yêu cầu của khách hàng. Vả lại, khâu vận chuyển gặp rất nhiều khó khăn, nhất là khi bán sản phẩm ra nước ngoài.

Nghệ nhân Nguyễn Tấn Dũng đến với nghề này chủ yếu thỏa mãn sự đam mê. Còn để "lên đời" doanh nghiệp, anh cần có sự hợp tác trong việc tìm kiếm nguồn nguyên liệu chốn rừng sâu cũng như tìm đầu ra cho sản phẩm.

H.B

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.