Đối mặt với thợ săn thú rừng

16/11/2010 08:10 GMT+7

(TNTS) Trong những cánh rừng heo hút, các loài thú rừng như heo rừng, mang, chồn, cheo, thỏ hoặc ngay cả những con thú nhỏ khôn lanh như sóc, gà rừng, chào mào… nay đã giảm hẳn, có loài gần như tuyệt chủng. Thế nhưng, thật đau lòng khi tại các cánh rừng phía tây tỉnh Phú Yên, những thợ săn vẫn len lỏi hành nghề...

Nghe nhiều đồn thổi về nơi thường xuyên cung cấp thịt rừng cho các quán, nhà hàng dưới đồng bằng và các tỉnh lân cận, trong vai một người đi mua thịt thú rừng để giao lại cho các nhà hàng, một ngày đầu tháng 10, tôi rông xe về tận các xã miền núi huyện Sơn Hòa (tỉnh Phú Yên) để tìm hiểu tình hình thực hư.

Tại ngã ba trung tâm xã Sơn Long, tôi nghỉ lại, uống nước và trò chuyện với chị chủ quán. Chị nhìn tôi với vẻ nghi hoặc, nhưng vẫn chỉ dẫn: "Ở đây mấy năm trước thú rừng nhiều lắm, nhưng nay hiếm chú à. Thịt rừng có nhưng thường phải chờ lúc sáng sớm, mà hai ba ngày mới có một lần, chủ yếu là thịt chồn, thịt quảy (còn gọi là con mểnh, đỏ) chứ nai, heo rừng thì "đứt" lâu rồi. Chú muốn mua thì lên Sơn Định". 

Thú nào cũng dính

Theo lời chị chủ quán, tôi đi gần 10 km đến địa phận xã Sơn Định. Không có người quen, nên lại phải ghé quán ngồi chờ hỏi thăm tình hình. Bên cạnh tôi là các thanh niên đang ngồi lai rai rượu với thịt chồn mới bẫy được đêm qua. Qua trò chuyện, tôi làm quen và được biết vài người trong số họ là người ở các xã Xuân Phước, Xuân Sơn Nam (huyện Đồng Xuân) lên đây bẫy thú rừng. Anh N.V.D. cho biết: "Tháng này dưới đó không có việc làm, tụi em tranh thủ đi gài bẫy kiếm tiền. Nhưng nay khó lắm anh ơi, 5 đêm rồi mà có được gì đâu". Tôi hỏi thăm về cách bẫy, số lượng, tên những loài thú bẫy được, giá cả ra sao và cả việc có sợ kiểm lâm hay không… Anh D. nói: "Ở đây mùa mưa đến, nhà nào cũng có người gài bẫy, nhưng nay thú đâu còn mà bắt hả anh". Khi tôi đặt vấn đề mua thú thường xuyên, giá có thể cao hơn người khác, một thành viên trong nhóm thật thà khẳng định đã có bạn hàng quen ở dưới quê dặn, không thể để lại cho tôi được. Thuyết phục mãi, các anh mới đồng ý nhường cho tôi một con chồn còn sống để chiều về nhậu với bạn bè, nhưng phải theo ra lán trại ngoài rừng lấy…


Con mang mới dính bẫy, bị cột 4 chân bỏ nằm ngoài sân nhà chờ bán


Con chồn 2 kg thợ rừng để trong lán

Anh bạn trẻ chở tôi chạy luồn lách theo con đường có dấu xe công nông còn in những giề đất rõ rệt. Phải để xe máy trên đầu dốc, chúng tôi đi bộ gần 20 phút xuống rừng, qua con dốc có gộp đá cao, vào sâu trong rừng già, tới nơi những anh bạn trẻ ở tạm trong trại của người dân làm rẫy, đặt bẫy. Tại đây, tôi được anh thợ rừng giao cho một con chồn độ 2 kg còn sống đang nhốt trong chiếc bao, một con sóc và con chim rừng đã bị vặt lông thui chín với những lời căn dặn khi chế biến mồi nhậu. Sau khi trả tiền, tôi kỳ kèo muốn xem thử cách bẫy thế nào, anh không ngần ngại dẫn tôi vào mé rừng cạnh lán trại giới thiệu nơi bắt đầu một đường bẫy dài mấy cây số…

Mùa lũ đang về, nhiều cánh rừng đã không còn để điều tiết nước lũ, cũng giống như con người, những con thú còn lại đang phải đối phó với thiên nhiên khắc nghiệt...
Cách bẫy cực kỳ đơn giản. Họ chặt cây rừng rào thành một đường, cao khoảng 0,5 mét, độ dài tùy theo từng cánh rừng. Cứ cách từ 20 - 30 mét các thợ rừng lại chừa một cửa trống rộng chừng 40 cm để đặt bẫy. Đào một lỗ sâu khoảng 15 cm tại cửa trống rồi dùng dây cáp loại nhỏ, một đầu cột vào cây cần cao quá đầu người có sức bật, đầu kia cài que cấn vào móc đặt dưới lỗ, đoạn dưới thắt một chiếc phiết tạo dây cáp thành vòng tròn đặt trên miệng lỗ, bên trên lỗ đặt một lớp cây chẻ thành miếng, lấy lá khô phủ lên… Cứ thế, thú rừng đi qua giẫm lên lớp cây đặt ngụy trang, que bật ra và cần bẫy rút lên thu chiếc vòng lại, chân hoặc nửa thân con thú sẽ dính trong chiếc vòng này.

Thấy tôi chăm chú quan sát, anh thợ săn hồ hởi nói về ưu điểm của phương pháp bẫy "toàn diện" này: "Đánh bẫy đường kiểu này, con thú nào đi qua cũng chết, kể cả những loại thú lớn như heo rừng, mểnh và nhỏ như chồn, trút, gà rừng, chim, sóc...".

Thế đấy, đúng là với kiểu đánh bẫy như thế này thì không có con thú nào thoát được. Và như thế, rừng ngày càng vắng những con thú chui lủi ăn đêm dưới bàn tay tận diệt của những "sát thủ" chân quê. Với những tay thợ rừng nghiệp dư bẫy thú theo kiểu "tàn sát" này, nghề săn thú chỉ là một phương tiện mưu sinh, làm theo mùa vụ lúc nông nhàn… 


Một trong nhiều chiếc bẫy đường đang chờ chân thú đặt vào

"Vua bẫy thú rừng" bỏ nghề

Ngược đường lại xã Sơn Long, tại thôn Suối Phèn, tôi may mắn được chứng kiến hai anh thanh niên vừa chở một con mễnh (con đỏ) từ rừng về. Con mễnh nặng khoảng 20 kg, bốn chân bị cột túm, nằm ngoài sân, đang thở hồng hộc, chân dính bẫy bị cụt, máu chảy toe toét… Liền lúc đó, có một người đến hỏi mua nguyên con để chở về thành phố với giá 100.000 đồng/kg sau khi đã cắt bỏ nội tạng. Trong vòng 30 phút, thủ tục mua bán đã hoàn tất.


Chiếc bẫy lưới để đuổi thỏ rừng

Tại đây, tôi gặp anh Mười (48 tuổi - tên thường gọi Mười Đóng), một thời được coi là "vua bẫy thú rừng". Câu chuyện giữa tôi và anh trở nên sôi nổi hơn khi anh Mười ôn lại những ngày tháng đi rừng. Anh nhớ lại: "Vợ chồng tôi quê Bình Định, lang bạt vào đây gài bẫy, nhử chim từ những năm 1990 rồi lập nghiệp ở đây luôn". Thời đó có đêm vợ chồng anh kéo gần cả ngàn con chim chào mào, bẫy 5 - 7 con heo rừng một đêm. Gần mười năm sống với nghề, là người nổi tiếng ở Khu vực 3, xã Cánh Bắc, huyện Sơn Hòa, những vui buồn, nguy hiểm anh đều nếm trải… Nhắc lại quá khứ, anh Mười còn lấy những chiếc bẫy kẹp cỡ lớn đang giữ làm kỷ niệm cho tôi xem rồi giải thích, phân tích những kinh nghiệm đặt bẫy trong rừng. Anh Mười kể: "Đầu những năm 2000, mồi không còn, hơn nữa thấy nghề này thất đức nên tôi chuyển sang làm nông, nuôi các con ăn học". Hiện nay, vợ chồng anh đang sở hữu nhiều hecta cây cao su, sắn mía đã đến kỳ thu hoạch, các con anh đang học phổ thông. "Hiện giờ ở đây chỉ còn con thỏ sống rải rác trong các rừng cao su thôi, thú lớn còn ít và ở mãi tận trong rừng sâu", anh Mười thở dài khi nói về thú rừng đang bị tận diệt. 


Một thợ săn đang giải thích cách đặt bẫy kẹp cỡ lớn

Rừng khóc!

Theo lời kể của một số người lớn tuổi thì những cánh rừng nguyên sinh tên tuổi ở đây không còn nguyên vẹn nữa. Rừng Trúc Bạch, Cát Thụ thuộc xã Sơn Định ngày xưa âm u với rất nhiều cây cổ thụ, gỗ quý… nhưng từ khoảng năm 2000 trở về trước, người dân các xã, huyện khác đến đây khai thác gỗ chở bán tự nhiên, đường xe chạy trong rừng nổi như bàn cờ, rừng không còn. Rừng Hòn Đác, ranh giới xã Sơn Long và xã Sơn Xuân hiện nay lâm tặc âm thầm khai thác gỗ chở bán, mặc cho lực lượng chức năng ngày đêm canh giữ. Giữa năm 2010, vụ phá gần 18,6 ha rừng khoanh nuôi của huyện tại thôn Trung Trinh xã Sơn Long cũng được người dân địa phương gửi đơn tố cáo, cơ quan chức năng đã vào cuộc. Và mới đây, vụ đào bứng hàng loạt cây cổ thụ với đường dây buôn bán cỡ lớn tại rừng Sam Ung (thôn Trung Trinh xã Sơn Long) cũng đã bị báo đài cả nước lên tiếng...

Rừng cây không còn, thú rừng không nơi ẩn nấp để sinh tồn. Đã vậy, mấy con thú tội nghiệp còn phải đối mặt với nhiều cạm bẫy khác từ con người. Những loài thú như gấu, nai, bò rừng, nhím… gần như đứng trước nguy cơ tuyệt chủng; các loài heo rừng, chồn, hoẵng, cheo và các loại chim tuy còn nhưng rất ít, chưa kịp lớn đã bị bắt đưa về thành thị phục vụ cho thú vui ăn nhậu của con người.

Bài, ảnh: Đào Tấn Trực

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.