Đây không phải lần đầu tiên cây phượng tím đầu dòng này bị đổ do mưa bão. Khoảng hơn chục năm trước, cây phượng tím này cũng đã bị bật gốc đổ nghiêng trong một trận mưa bão. Sau đó Công ty công trình đô thị Đà Lạt đã cưa tỉa phần ngọn và cành, giữ lại phần gốc cây và dựng lên để tiếp tục chăm sóc. Thật may mắn sau vài năm cây phượng tím này có hình dáng rất đẹp, tiếp tục sum suê và nở hoa mỗi khi hè về.
Chỉ sau 2 ngày, chính quyền TP.Đà Lạt đã tìm cây phượng tím cổ thụ khác trồng vào vị trí cây vừa bị quật gãy nhằm “xoa dịu” sự nuối tiếc của cộng đồng.
Nhắc đến phượng tím không nên quên cố kỹ sư nông học Lương Văn Sáu (tốt nghiệp Trường Canh nông Versailles, Pháp), người mang hạt giống phượng tím từ Pháp về Đà Lạt gieo ươm rồi đem cây con trồng thực nghiệm dọc đường phố vào năm 1962.
Dù được chăm sóc kỹ càng nhưng chỉ có 3 cây sống sót: một cây nằm dọc trục đường Nguyễn Thị Minh Khai (chợ đêm Đà Lạt), một cây ở vườn hoa Bích Câu (gần vườn hoa Đà Lạt) và cây ở trước cổng vào nhà hàng Thủy Tạ vừa ngã đổ.
Phượng tím khác họ với phượng đỏ ở VN. Hoa có lá kép hai lần và hình thù hoa giống hoa phượng nên người địa phương gọi là phượng tím. Ngặt nỗi phượng tím ra hoa nhưng không cho quả, nên không có khả năng sinh sản tự nhiên.
Ông Lương Văn Sáu từng là hội viên Hội Hoa hồng nước Pháp, là một trong những người đầu tiên thiết lập nên công viên hoa Đà Lạt (vườn hoa Đà Lạt ngày nay). Ngoài 3 cây phượng tím đầu dòng ở Đà Lạt, ông Sáu còn di thực nhiều cây hoa lá khác từ nước ngoài về trồng trong vườn hoa Đà Lạt, trong khuôn viên các dinh thự, nhà thờ, chùa chiền... như cây vông mồng gà nằm nghiêng bên hàng rào sân sau khách sạn Palace, cây hoa chuông vàng ở chùa Linh Phước...
Kỹ sư nông học tài hoa ấy cuối đời bệnh tật, ông sống trong câm lặng; mọi việc trao đổi qua bút giấy, nhưng ông vẫn miệt mài nghiên cứu nhân giống các loài cây thân gỗ… Ông ra đi trong lặng lẽ, để lại gia tài vô giá là những giống cây quý và lạ cho Đà Lạt.
Bình luận (0)