Đổi tên con vì 'không hợp phong thủy'

04/04/2017 09:31 GMT+7

Anh N.V.D, trú ở phường Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy, Hà Nội đến phòng tư pháp của phường xin đổi tên cho đứa con 2 tuổi của mình vì “tên này thì cháu hay ốm”, song không đủ điều kiện để được đổi.

“Cháu tên là Gia Bảo, 2 tuổi. Một năm cháu đi bệnh viện rất nhiều lần. Bác sĩ nào gặp cháu cũng nói “lại tên là Gia Bảo à”. Chúng tôi đi xem tử vi thì thấy đúng là tên này không hợp phong thủy nên muốn đổi tên cho con. Tuy nhiên, cán bộ phường nói trường hợp của cháu không đổi được”, anh N.V.D phản ánh với Thanh Niên.
Trao đổi với Thanh Niên, bà Trần Thị Thanh Tuyết, cán bộ phòng tư pháp phường Nghĩa Tân cho biết, đối chiếu với các quy định tại Điều 27, bộ luật Dân sự năm 2015 về quyền thay đổi họ, tên thì trường hợp cháu Gia Bảo không được đổi tên.
Theo bà Tuyết, căn cứ theo điểm a, quy định tại Điều 27 bộ luật Dân sự năm 2015 về Quyền thay đổi họ, tên thì “Cá nhân có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận việc thay đổi họ, tên trong trường hợp “theo yêu cầu của người có họ, tên mà việc sử dụng họ, tên đó gây nhầm lẫn, ảnh hưởng đến tình cảm gia đình, đến danh dự, quyền, lợi ích hợp pháp của người đó”.
Theo bà Tuyết, lý do đổi tên vì “phong thủy” không có trong quy định. Hơn nữa, cháu Gia Bảo mới 2 tuổi, chưa đủ năng lực hành vi dân sự để “có yêu cầu đổi tên”.
Bà Trần Thị Thanh Tuyết cho biết, khi đến gặp cán bộ tư pháp, các phụ huynh đều nêu lý do tên con bị trùng với cụ, kỵ trong dòng tộc, tuy nhiên, lý do thật sự thường là tên đó con không khỏe, không hợp phong thủy hoặc thấy tên chưa đẹp, tên nghe đanh đá.
“Chúng tôi luôn nói với người dân, cái tên không quyết định số phận con người được, cùng một cặp song sinh, đẻ cùng ngày giờ, nhưng rồi mỗi cháu sẽ có cuộc đời khác nhau. Tuy nhiên, phụ huynh thường đi xem sách, xem thầy để muốn đổi tên con. Trường hợp anh N.V.D là một ví dụ”, bà Trần Thị Thanh Tuyết cho hay.
Con tên Cường, bố tên Dương nên muốn đổi tên
Thời gian qua, chúng tôi ghi nhận được nhiều trường hợp muốn đổi tên cho các con của mình.
Chị L.P.A, quận Ba Đình sinh đôi được 2 người con gái đặt tên là Ánh Như và My An, theo chị P.A, cháu lớn tên Ánh Như thường gặp điều xui xẻo, không được may mắn như em gái, nên muốn đổi tên.
Trong khi đó, chị Trần T.T, nhà ở huyện Đông Anh, Hà Nội cho hay, con trai chị tên là Cường, chồng chị tên là Dương. Lúc đầu, khi đặt tên cả nhà không để ý nhưng sau này khi gọi tên con và chồng “Cường - Dương” thấy không hay nên muốn con trai có một tên khác.
Anh L.M.H, nhà ở phường Thụy Khuê, quận Tây Hồ kể với Thanh Niên, con gái anh được 6 tháng tuổi: “Lúc đầu cả nhà đặt tên cho con là Lan vì thấy đẹp, bây giờ ai cũng nói tên đó nghe đanh đá quá, nên chúng tôi muốn đổi tên khác”.
Nhiều phụ huynh tin rằng con cái có tên hợp phong thủy sẽ có số phận tốt, gặp nhiều may mắn Ảnh Shutterstock
Cán bộ tư pháp phường Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy, Hà Nội cho hay, trong những năm trước, trung bình 1 năm bà tiếp nhận 10 - 12 trường hợp đến làm thủ tục đổi tên cho con. Từ đầu năm 2017 đến nay ít hơn vì quy định bộ luật Dân sự có sự thay đổi, hạn chế việc nhiều gia đình đi đổi tên cho con hết lần này tới lần khác.
“Một nhà có con gái là Nguyễn Hương Lan, sau đi xem phong thủy không hợp, xin đổi thành Nguyễn Hương Ly. Một thời gian sau, gặp một ông thầy nào nói tên đó không hợp mệnh, bố mẹ đến phường xin đổi lại thành Nguyễn Hương Lan như ban đầu”, cán bộ phường này kể lại câu chuyện từ nhiều năm trước.
Khi nào có thể đổi tên cho con?
Thạc sĩ, luật sư Phạm Văn Phất, Văn phòng luật sư An Phát Phạm (Hà Nội) cho biết, theo quy định tại Điều 27 Quyền thay đổi họ, tên của bộ luật Dân sự năm 2015:
1. Cá nhân có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận việc thay đổi họ, tên trong các trường hợp sau đây:
a) Theo yêu cầu của người có họ, tên mà việc sử dụng họ, tên đó gây nhầm lẫn, ảnh hưởng đến tình cảm gia đình, đến danh dự, quyền, lợi ích hợp pháp của người đó;
b) Theo yêu cầu của cha nuôi, mẹ nuôi về việc thay đổi họ, tên cho con nuôi hoặc khi người con nuôi thôi không làm con nuôi và người này hoặc cha đẻ, mẹ đẻ yêu cầu lấy lại họ, tên mà cha đẻ, mẹ đẻ đã đặt;
c) Theo yêu cầu của cha đẻ, mẹ đẻ hoặc người con khi xác định cha, mẹ cho con;
d) Thay đổi họ cho con từ họ của cha sang họ của mẹ hoặc ngược lại;
đ) Thay đổi họ, tên của người bị lưu lạc đã tìm ra nguồn gốc huyết thống của mình;
e) Thay đổi họ, tên của người được xác định lại giới tính;
g) Các trường hợp khác do pháp luật về hộ tịch quy định.
2. Việc thay đổi họ, tên cho người từ đủ chín tuổi trở lên phải có sự đồng ý của người đó.
3. Việc thay đổi họ, tên của cá nhân không làm thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự được xác lập theo họ, tên cũ.
Nhiều phụ huynh đọc sách và nghiên cứu kỹ lưỡng phong thủy trước khi đặt tên cho con Ảnh Shutterstock
Theo quy định tại luật Hộ tịch năm 2014:
Điều 27. Thẩm quyền đăng ký thay đổi, cải chính, bổ sung hộ tịch
Ủy ban nhân dân cấp xã nơi đã đăng ký hộ tịch trước đây hoặc nơi cư trú của cá nhân có thẩm quyền giải quyết việc thay đổi, cải chính hộ tịch cho người chưa đủ 14 tuổi; bổ sung hộ tịch cho công dân Việt Nam cư trú ở trong nước.
Điều 28. Thủ tục đăng ký thay đổi, cải chính hộ tịch
1. Người yêu cầu đăng ký thay đổi, cải chính hộ tịch nộp tờ khai theo mẫu quy định và giấy tờ liên quan cho cơ quan đăng ký hộ tịch.
2. Trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ giấy tờ theo quy định tại khoản 1 Điều này, nếu thấy việc thay đổi, cải chính hộ tịch là có cơ sở, phù hợp với quy định của pháp luật dân sự và pháp luật có liên quan, công chức tư pháp - hộ tịch ghi vào Sổ hộ tịch, cùng người yêu cầu đăng ký thay đổi, cải chính hộ tịch ký vào Sổ hộ tịch và báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã cấp trích lục cho người yêu cầu.
Trường hợp thay đổi, cải chính hộ tịch liên quan đến Giấy khai sinh, Giấy chứng nhận kết hôn thì công chức tư pháp - hộ tịch ghi nội dung thay đổi, cải chính hộ tịch vào Giấy khai sinh, Giấy chứng nhận kết hôn.
Trường hợp cần phải xác minh thì thời hạn được kéo dài thêm không quá 3 ngày làm việc.
3. Trường hợp đăng ký thay đổi, cải chính hộ tịch không phải tại nơi đăng ký hộ tịch trước đây thì Ủy ban nhân dân cấp xã phải thông báo bằng văn bản kèm theo bản sao trích lục hộ tịch đến Ủy ban nhân dân nơi đăng ký hộ tịch trước đây để ghi vào Sổ hộ tịch.
Trường hợp nơi đăng ký hộ tịch trước đây là Cơ quan đại diện thì Ủy ban nhân dân cấp xã phải thông báo bằng văn bản kèm theo bản sao trích lục hộ tịch đến Bộ Ngoại giao để chuyển đến Cơ quan đại diện ghi vào Sổ hộ tịch.
Theo hướng dẫn tại Nghị định 123/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật Hộ tịch:
Điều 7. Điều kiện thay đổi, cải chính hộ tịch
1. Việc thay đổi họ, chữ đệm, tên cho người dưới 18 tuổi theo quy định tại Khoản 1 Điều 26 của luật Hộ tịch phải có sự đồng ý của cha, mẹ người đó và được thể hiện rõ trong Tờ khai; đối với người từ đủ 9 tuổi trở lên thì còn phải có sự đồng ý của người đó.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.