36 năm trước, hàng chục hộ dân người Đan Lai ở xã Châu Khê (H.Con Cuông, Nghệ An) được đưa ra khỏi rừng để hội nhập với cuộc sống bên ngoài nhưng đến nay, họ lại được một dự án đưa trở lại rừng.
Người dân về lại rừng nhưng cuộc sống vẫn nghèo nàn, lạc hậu - Ảnh: Khánh Hoan |
Do không quen với thế giới văn minh
Đan Lai là dân tộc ít người chỉ sinh sống tại một số điểm nằm sâu, biệt lập trong rừng ở H.Con Cuông. Tộc người này có những tập tục kỳ lạ như ngủ ngồi để phòng thú dữ, trẻ con vừa sinh ra phải được nhúng xuống suối để hòa nhập với tự nhiên… Sống biệt lập trong rừng thẳm, nên tộc người này còn duy trì các hủ tục lạc hậu, hôn nhân cận huyết, đe dọa sự tồn vong của giống nòi.
Tại bản Khe Nóng (xã Châu Khê), năm 1979, một dự án di dời người dân Đan Lai ra với thế giới văn minh được thực hiện. Hàng chục hộ dân đã được đưa ra khỏi rừng, sống ở bản Châu Sơn gần trung tâm xã, kề QL7. Đây được xem như là một “cuộc cách mạng” để thay đổi cuộc sống của hàng chục hộ dân ở nơi thâm sơn cùng cốc này.
Cuộc sống ở bản mới được đánh giá là tốt hơn nhiều nơi ở cũ, nhưng do thiếu đất sản xuất, tập quán, thói quen canh tác ở nơi mới không phù hợp, nên nhiều hộ dân sau đó tìm cách quay về bản cũ để sản xuất. Năm 2009, dự án đưa dân quay về bản Khe Nóng được phê duyệt với kinh phí gần 20 tỉ đồng, nhằm giúp người dân ổn định nơi sinh sống. Theo đó, nhà nước đầu tư hạ tầng, 50 hộ dân ở bản Châu Sơn sẽ được di dời vào Khe Nóng để làm ăn, ổn định cuộc sống.
Ra khỏi rừng đã gần 40 năm, nhưng ông Lê Hùng Phong vẫn đau đáu nhớ về bản cũ. Ông nói, ra bản mới, cuộc sống đỡ cực hơn nhiều vì có đường, có điện, có trường học nhưng về đây, đất sản xuất ít, dân không quen với cuộc sống không có rừng nên không thích hợp. Bây giờ được nhà nước cho bà con quay về Khe Nóng, ông rất vui. “Dân Đan Lai nhà ta chỉ quen săn bắt, hái măng, trồng lúa trên rừng, đánh cá dưới suối. Ở rừng không lo đói…”, ông Phong nói.
Cái nghèo vẫn đeo bám
Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND xã Châu Khê cho biết, dự án đưa dân quay trở về Khe Nóng được người dân rất ủng hộ vì phù hợp với nguyện vọng của họ. Thực tế, dù đã di dời ra bản Châu Sơn sinh sống nhưng không lâu sau đó, rất nhiều hộ lại quay về bản cũ để sản xuất vì nơi ở mới ít đất sản xuất, trong khi bản cũ đất rừng nhiều. Dự án thực hiện từ năm 2010 nhưng do kinh phí khó khăn nên đến nay vẫn chưa xong.
Bây giờ, từ trung tâm xã Châu Khê vào bản Khe Nóng đã có đường nhưng vẫn chỉ là con đường đất lởm chởm đá, bên núi bên vực. Hơn 30 km nhưng phải mất gần 2 giờ đồng hồ chạy xe máy, lội qua nhiều con suối, chúng tôi mới vào được Khe Nóng. Cuộc sống của người dân trong rừng thẳm bây giờ đã bớt cô lập vì nhiều gia đình đã có xe máy, nhưng vẫn đang là một nơi nghèo nàn và lạc hậu.
“Hồi chưa có đường, dân bản chỉ biết có rừng, con suối, trên trời thì có mặt trời và trăng sao thôi, bây giờ có đường, có cái xe để đi nên đỡ khổ hơn rồi”, Trưởng bản La Văn Linh nói. Ông Linh khoe, bản vừa được xây một trường học. Ngày trước, khi không có trường tại bản thì chỉ có mấy đứa trẻ con đi học, vì quá xa. Bây giờ, bọn trẻ đều được đi học, hiện có 4 đứa “học lên cao” ở ngoài xã. Nhưng đời sống của người dân thì vẫn rất nghèo. “Bản có 36 hộ thì cả 36 hộ nghèo. Con trai, con gái lớn lên không biết làm chi thì rủ nhau vô miền Nam làm thuê, đứa có tiền thì lấy được vợ ở bản khác, không thì quay về phải lấy con gái trong bản thôi”, ông Linh nói.
Bình luận (0)