Đưa đón công nhân, dẹp taxi lấn chiếm lòng đường

Đó là hai trong số nhiều kế sách vừa được gửi đến Thanh Niên nhằm góp phần giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông đang ngày càng nghiêm trọng tại TP.HCM.

Kiến trúc sư Đặng Vũ Doãn, Viện Quy hoạch xây dựng TP.HCM, cho rằng cần tổ chức xe buýt đưa đón đông đảo công nhân xây dựng đang làm việc hằng ngày tại các công trường xây dựng để giảm ùn tắc tại TPHCM.
Theo kiến trúc sư Đặng Vũ Doãn, hiện nay rất nhiều chuỗi công trình xây dựng nhà ở đang từng ngày mọc lên trên địa bàn TP kéo theo số lượng có thể đến hàng chục nghìn công nhân, người lao động đang làm việc tại các công trường này. Thường ngày họ phải tự di chuyển bằng xe gắn máy từ các khu nhà trọ ở những khu vực ngoại thành đến nơi làm việc, góp phần tăng thêm tình trạng kẹt xe, ùn tắc giao thông vốn đã rất nghiêm trọng trên hàng loạt tuyến đường.
Chủ đầu tư, nhà thầu phải chịu trách nhiệm
Vì vậy, chủ đầu tư, nhà thầu nên bố trí các điểm đưa đón người lao động. Chỉ cần tập trung đến những địa điểm trung gian và xe buýt sẽ đưa đến nơi làm việc. Cuối giờ, xe buýt lại đưa công nhân về. Về lâu dài, việc này còn đảm bảo sức khỏe, giờ giấc và năng suất lao động của công nhân, mặt khác cũng có lợi cho chủ đầu tư, nhà thầu.
Mô hình đưa đón công nhân tại các khu công nghiệp hiện nay được tổ chức khá tốt. Tuy nhiên, mô hình này chưa được áp dụng tại các công trình xây dựng hạ tầng như metro, cầu đường, dự án xây dựng các khu đô thị, nhà chung cư... Các khu công nghiệp thì ở ngoại thành nên ít gây kẹt xe, trong khi các công trình xây dựng nhà ở tại TP hiện nay lại thường nằm trong nội thành, là điểm nóng về ùn tắc. Thậm chí, lượng công nhân xây dựng hiện đông không thua kém công nhân sản xuất tại các KCN.
“Chỉ cần ra đường mỗi buổi sáng là thấy toàn đồng phục công nhân các công trình xây dựng. Cứ mỗi xe gắn máy chở hai người, đầy đường luôn”, kiến trúc sư Vũ Doãn nói và cho rằng, chính quyền TP có thể đưa vào quy định, chế tài đối với các chủ đầu tư, nhà thầu, buộc phải có trách nhiệm tổ chức xe đưa đón công nhân, người lao động.
Dẹp taxi đậu chiếm lòng lề đường
Với góc nhìn của một người dân TP, ông Nguyễn Đước cho rằng phải kiên quyết dẹp rốt ráo và kiên quyết xử lý tình trạng lấn chiếm lòng lề đường, vỉa hè cũng như tình trạng nhiều taxi nối đuôi nhau đậu tràn lan dưới lòng đường như hiện nay.
Điển hình như tại đoạn đường ngã ba giao nhau giữa Sư Vạn Hạnh và đường 3 Tháng 2 (Q.10) phía cổng sau của Bệnh viện Nhi đồng 1, có hôm buổi sáng cũng xảy ra ùn tắc, kẹt xe do hàng chục taxi đậu nối đuôi nhau cả một đoạn đường... Tương tự, tại một số đoạn đường khác như đường Nguyễn Đình Chiểu (Q.3), đường Lê Hồng Phong nối dài (đoạn Q.10), đường Thành Thái... hàng chục taxi nối đuôi nhau chiếm chỗ, đậu tràn lan, chiếm hết cả diện tích lòng đường dành cho xe máy lưu thông.
“Một chiếc taxi đậu dưới lòng lề đường đã chiếm một khoảng diện tích không nhỏ, bằng diện tích cho 2 đến 3 chiếc xe máy chạy trên đường nên nhiều khi xe máy lưu thông qua đoạn đường có taxi đậu dưới lòng đường đành phải chạy lấn tuyến sang hết đoạn đường ngược lại, xảy ra va quệt hay tai nạn giao thông, kẹt xe giữa hai chiều cũng là điều dễ hiểu”, ông Nguyễn Đước nhận xét.
Vì vậy ông Đước cho rằng, trong thời gian sắp tới, để giảm thiểu tình trạng ùn tắc giao thông, nạn kẹt xe mà một phần xuất phát từ nguyên nhân lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, tại một số tuyến đường của khu vực trung tâm TP cần hạn chế và cấm taxi đậu tràn lan dưới lòng đường.
Để làm được điều đó thì TP cũng như các sở ngành cần có quy hoạch bến bãi, chỗ đậu taxi vào một đầu mối. Bên cạnh đó, sắp tới các quận huyện của TP cũng cần ra quân đồng loạt để tiến hành xử lý nghiêm hành vi lấn chiếm vỉa hè, lòng đường như cách làm thí điểm, điển hình của Q.1 đã và đang làm.
“Nếu thực hiện giải pháp trên, tôi tin lòng đường, vỉa hè sẽ được trả một không gian thông thoáng hơn cho TP, cho nhiều người đi bộ, tình trạng ùn tắc giao thông cục bộ, nạn kẹt xe chắc chắn sẽ hạn chế đến mức thấp nhất như hiện nay”, ông Đước nói.
Phải khảo sát nhu cầu đi lại trước khi có giải pháp
TS Phạm Sanh, chuyên gia về giao thông, cho rằng điểm yếu mấu chốt của TP.HCM, Hà Nội là không khảo sát nhu cầu đi lại của người dân, công nhân theo thời gian, không gian khi thực hiện mô hình, mô phỏng để đưa ra kịch bản, dự báo và giải pháp thí điểm theo lộ trình. Trong những kịch bản, cũng nên có kịch bản TP.HCM không phát triển đô thị nữa mà chuyển ra các TP mới.
Đ.M
Báo Thanh Niên rất mong nhận được ý kiến từ bạn đọc cùng tham gia hiến kế chống ùn tắc giao thông tại TP.HCM. Mọi ý kiến đóng góp xin gửi về địa chỉ email: chonguntac@thanhnien.com.vn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.