Đừng sốc với chuyện ly hôn ở xứ người

19/07/2017 21:42 GMT+7

Có lần, tôi đọc trên tờ Le Figaro của Pháp rằng, tại đất nước lãng mạn này, có khoảng hơn 120 ngàn vụ li dị mỗi năm.

Như thế, tại đất nước này có khoảng 44% các cuộc hôn nhân dẫn tới kết cục tan vỡ, và 70% các quyết định li dị đến từ phụ nữ.
Hóa ra đàn ông Pháp, cho dù nổi tiếng lãng mạn nhất thế giới, vẫn khó tránh khỏi nguy cơ … bị vợ bỏ.
Trên thực tế, tỉ lệ ly hôn ở Pháp khá cao, đứng hàng thứ 2 thế giới, cho dù gần đây có vẻ giảm đi. Chính vì số đơn xin li hôn mỗi năm quá nhiều, gây quá tải cho tòa án nên từ 1.1.2017 trở đi, luật của Pháp cho phép các vụ li hôn "đồng thuận" được giải quyết nhanh gọn tại … phòng công chứng, không cần qua tòa án nữa.
Rõ ràng là người Pháp ngày càng đề cao tính "cá nhân" hôn nhân, gia đình không còn là nơi để hy sinh, mà phải là nơi đem lại cho mỗi cá nhân một cuộc sống mãn nguyện, cảm giác an toàn nhưng lại phải có đủ tự do cá nhân.
Phụ nữ Pháp dường có một sự khác biệt khá rõ so với phụ nữ các nước khác trên thế giới. Nếu như đàn ông Pháp nổi tiếng về sự hào hoa, lãng mạn, thì hình ảnh người phụ nữ Pháp luôn gắn với sự thanh lịch, đẹp tự nhiên mà đơn giản và sang trọng.
Tuy nhiên, ít ai biết rằng phụ nữ Pháp đứng hàng đầu thế giới về tham vọng trong công việc, hơn hẳn phụ nữ Mỹ, hay Đức. Nói tóm lại, phụ nữ Pháp đặc biệt đến mức có hẳn một … huyền thoại về họ.
Ở Mỹ, Trung Quốc hay vài nước khác, các cuốn sách viết về bí quyết làm đẹp tự nhiên, quyến rũ, hay khả năng nấu ăn, dạy con của phụ nữ Pháp bán đắt như tôm tươi. Ngoài việc huyền thoại chỉ là huyền thoại mà thôi, thì thực tế là phụ nữ Pháp nói chung luôn đòi hỏi khá cao trong hôn nhân, và khi không hài lòng thì họ không ngại dứt áo ra đi.
Phụ nữ Pháp rất độc lập, vì thế họ thường ít khi có nỗi lo về kinh tế sau khi li dị. Thống kê cho thấy có khoảng hơn 70% số phụ nữ li hôn ở Pháp có một công việc ổn định, vì thế họ cũng dễ dàng khi đưa ra quyết định chia tay hơn.
Độ tuổi trung bình cho đàn ông khi li hôn là khoảng 42 tuổi, còn phụ nữ là khoảng 44 tuổi. Các lí do li hôn cũng đa dạng như cuộc sống này.
Anh E., 38 tuổi có cuộc sống hôn nhân bình lặng từ 12 năm nay, với một cậu con trai xinh xắn, kháu khỉnh. Cuộc sống của anh và vợ dường như khá lí tưởng, chẳng có cãi cọ gì, họ có cùng sở thích, cùng bạn bè. Thế nhưng, một ngày kia, anh nhận thấy chị trở nên khó tính, cáu kỉnh. Khi họ quyết định ngồi với nhau nói chuyện nghiêm túc thì cũng là lúc chị tuyên bố cuộc sống hôn nhân nhàm chán làm chị không chịu nổi. Và chị quyết định dọn ra ngoài, tìm một căn hộ khác. "Ngay cả con trai cũng không làm cô ấy thay đổi ý định", anh thốt lên.
Đối với trường hợp của anh B. thì khác. Hai anh chị yêu nhau từ khi học trung học, và đang tính đến chuyện sinh em bé. Một lần, anh từ chối đi dự tiệc với chị vì lí do không được khỏe. Tại bữa tiệc, chị làm quen với một người đàn ông làm nghề lính cứu hỏa, và rốt cục không về nhà tối hôm đó. Anh B. thấy như trời sập, ngàn vạn câu hỏi tại sao được đặt ra. Sau đó, cuộc hôn nhân của họ nhanh chóng tan vỡ.
Đây chỉ là hai trường hợp đơn lẻ về lí do li hôn ở Pháp. Theo thống kê, lí do lớn nhất là sự thiếu chung thủy. Có khoảng một phần ba vụ li hôn ở Pháp diễn ra vì lí do này. Ngoài ra, có một số lí do khác như tính ích kỉ, bạo hành (ghen tuông là chủ yếu), những bất đồng vì kế hoạch tương lai, sự thiếu đồng cảm hay các vấn đề tiền bạc, công việc. Chỉ khoảng 10% quyết định li hôn có liên quan đến bố mẹ vợ hoặc chồng.
Nhìn chung, việc li hôn ở đất nước lãng mạn này khá tốn kém. Chi phí trả cho luật sư thường từ vài trăm euro trở lên (khoảng trên dưới 10 triệu VND) và có thể lên đến 5,6 ngàn euro, tương đương với hơn một trăm triệu.
Khó như phụ nữ Pháp
Phụ nữ Pháp rất độc lập, vì thế họ thường ít khi có nỗi lo về kinh tế sau khi li dị. Thống kê cho thấy có khoảng hơn 70% số phụ nữ li hôn ở Pháp có một công việc ổn định, vì thế họ cũng dễ dàng khi đưa ra quyết định chia tay hơn.

Khi li hôn, đàn ông Pháp thường chịu thiệt thòi hơn so với phụ nữ. Trong hơn 80% các vụ li hôn, người vợ giành được quyền nuôi con, và trong hai phần ba các trường hợp, người phụ nữ giành được quyền ở lại nhà cho tới khi xong thủ tục li dị. Tòa án sẽ quyết định mức trợ cấp cho vợ hoặc chồng cũ (trong trường hợp một người thu nhập cao, và người kia không có khả năng tự lo về tài chính, và thường là người vợ sẽ nhận được tiền trợ cấp này), hoặc tiền trợ cấp nuôi con sau khi li hôn. Khác với ở Việt Nam, luật của PHáp rất nghiêm và hiệu quả nên khó có chuyện "trốn" hay chây ì không gửi tiền trợ cấp nuôi con.
Năm 2013, cả nước Pháp biết đến vụ "tuyệt thực" và qua đêm trên xe cẩu của một ông bố Pháp ở thành phố Nantes, vì ông mất quyền thăm nuôi con sau khi li hôn. Vụ việc ầm ĩ này đã khiến thủ tướng Pháp lúc đó là ông Jean-Marc Ayrault yêu cầu bà bộ trưởng bộ Tư Pháp Christiane Taubira đến gặp tổ chức SOS Papa (cấp cứu bố), một tổ chức đòi bảo vệ tốt hơn … quyền của các ông bố Pháp khi li dị.
Điều đáng nói là sau đó cũng có những vụ tuyệt thực trên nóc cần cẩu diễn ra ở nhiều nơi khác trên nước Pháp, do các ông bố thất vọng vì phán quyết của tòa án liên quan đến quyền thăm nuôi con sau li hôn.
Như thế, vấn đề li hôn ở Pháp có khá nhiều đặc điểm khác với ở Việt Nam, nơi người phụ nữ chịu nhiều thiệt thòi hơn. Tuy nhiên, dường như ở đâu cũng thế, người chịu nhiều khó khăn nhất hậu li hôn chính là những đứa con. Vì thế, mong các bậc cha mẹ khi đưa ra bất cứ quyết định nào, li hôn hay không, hãy đừng quên đặt lợi ích con trẻ lên hàng đầu.
Sau ly hôn, đàn ông Việt "phủi tay cái roẹt" ?
Trong cuốn "Ăn, cầu nguyện và yêu" tác giả là một phụ nữ Mỹ khi đi du lịch đến Indonesia đã phải thốt lên rằng, sao phụ nữ ở đất nước này bất hạnh thế, sau ly hôn không được chồng lẫn chính phủ hỗ trợ bất cứ thứ gì, chưa kể phải nuôi đứa con nhỏ. Liền đó, tác giả đã viết thư lên mạng xã hội, không lâu sau đó tất cả bạn bè ở các nước tiên tiến đã quyên góp tiền để giúp người phụ nữ đó xây được nhà. Chuyện không chỉ riêng ở Indonesia mà ở các nước đang phát triển khác bao gồm Việt Nam điều này không lạ. Sau ly hôn người phụ nữ hầu như trắng tay, nếu có chút tài sản gì thì là do lòng hảo tâm của người chồng chứ không phải phân chia từ luật pháp. Nếu được nuôi con thì đỡ, chứ nhiều trường hợp người vợ mất luôn quyền nuôi con do khả năng tài chính kém hơn chồng. Nhưng làm mẹ đơn thân và một mình nuôi con cũng là một chặng đường dài vất vả. Khi sau ly hôn, người chồng hầu như phó mặc và quên hẳn rằng mình từng có con với vợ cũ, mọi khoản chi phí lẫn việc nuôi dạy con đều dồn hết lên vai người mẹ.
DU MIÊN

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.