Buổi diễn tập có sự tham gia của hơn 100 cán bộ, công nhân thuộc Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) Khu vực 1 (gồm Công ty Điện lực Bình Thuận, Ninh Thuận, Lâm Đồng và Bà Rịa - Vũng Tàu) cùng lãnh đạo và các ban chuyên môn của Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC), đại diện Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Bình Thuận và chính quyền địa phương H.Hàm Tân.
Góp phần giảm nhẹ thiên tai
Phương án diễn tập với tình huống giả định là một cơn bão cường độ mạnh cấp 9 - cấp 10 từ biển Đông đổ vào, có diễn biến phức tạp. Tâm bão đi qua từ khu vực H.Tuy Phong (Ninh Thuận) đến H.Hàm Tân (Bình Thuận) gây thiệt hại nặng về tài sản, hạ tầng cơ sở, vật chất, trong đó có hệ thống điện. Địa điểm diễn tập tại Cụm công nghiệp Thắng Hải thuộc H.Hàm Tân - nơi hạ tầng đầy đủ như trạm 110 kV Thắng Hải, lưới điện trung hạ thế và mặt bằng thuận lợi để thực hiện các tình huống cắt điện, sửa chữa, phục hồi tái lập điện sau mưa bão.
Sau khi lực lượng xung kích chia thành từng nhóm nhỏ để thực thi các tình huống giả định mưa bão làm đứt dây điện, ngã đỗ cột điện, mất điện trên diện rộng, khắc phục lưới điện… một cuộc họp tại hiện trường được nhanh chóng thực hiện để báo cáo, rút kinh nghiệm trong phối kết hợp, kết nối thông tin, thao tác xử lý sự cố trên hiện trường…
Ông Nguyễn Thành Ngôn, Phó giám đốc Công ty Điện lực Bình Thuận, đánh giá dù là tình huống giả định nhưng kịch bản khá sát thực với tình hình thực tế bão lụt tại địa phương. Buổi diễn tập này sẽ là bài học lớn để rút kinh nghiệm về thao tác, sự phối hợp, tập trung giữa các lực lượng xung kích, trui rèn kỹ năng ứng phó khẩn cấp khi mùa mưa bão sắp đến nhằm góp phần giảm nhẹ thiên tai. Mặt khác, cuộc diễn tập còn giúp người dân hiểu thêm về tác hại của thiên tai, cách phòng chống, giá trị của sự chuẩn bị tốt về công tác phòng chống và khắc phục hậu quả mưa bão.
|
Bài học kinh nghiệm cung cấp điện an toàn, liên tục
Chỉ đạo buỗi diễn tập, ông Lâm Xuân Tuấn, Phó Tổng giám đốc EVNSPC, cho biết mục đích của buổi diễn tập là rút ra bài học kinh nghiệm về cung cấp điện an toàn, liên tục trong tình hình mưa bão, đặc biệt là công tác ứng phó.
Theo đánh giá của ông Tuấn, mặc dù kịch bản giả định đã được chuẩn bị từ lâu nhưng trong quá trình diễn tập vẫn còn những khâu chưa đạt được mục tiêu, cần phải rút kinh nghiệm. Chẳng hạn, tính khẩn trương, quyết liệt trong các thao tác, phối hợp của các lực lượng khi diễn tập chưa cao. Thông tin hai chiều giữa đơn vị điện lực với chính quyền sở tại về tình hình thời tiết, sự cố thiên tai, tái lập điện… chưa được thực hiện. “Buổi diễn tập diễn ra trực quan, sinh động, là bài học quý đối với cán bộ công nhân viên ngành điện miền Nam trước tình hình mưa bão. Những ý kiến đóng góp về kịch bản, khâu diễn tập, các sai sót khi thực thi tại hiện trường mà các đơn vị, cá nhân đóng góp sẽ được tập hợp đầy đủ nhằm hoàn thiện công tác PCTT-TKCN trong thời gian tới của tổng công ty”, ông Tuấn khẳng định.
Theo ông Tuấn, trong 2 năm trở lại đây, tại các tỉnh thành miền Nam, mưa giông lốc xoáy xảy ra đột ngột và ngày càng nhiều về số lượng, quy mô rộng hơn đã gây rất nhiều khó khăn cho công tác đảm bảo an toàn điện. Năm 2018, lốc xoáy, mưa lớn, sạt lở đất trên lưới điện 110 kV và trung hạ thế gây thiệt hại hơn 10 tỉ đồng. Năm 2019, con số thiệt hại này đã tăng gấp đôi, với hơn 20 tỉ đồng.
Để đảm bảo cung cấp điện ứng phó với các sự cố thời tiết, ngành điện miền Nam đã thành lập và kiện toàn Ban Chỉ huy PCTT-TKCN các cấp. Ngoài ra, lãnh đạo của 19/21 Công ty Điện lực thành viên tại 21 tỉnh phía Nam còn được lãnh đạo các tỉnh, thành phố đưa vào Ban chỉ huy PCTT-TKCN tại địa phương. Đây là lực lượng nòng cốt và xung kích để phòng chống thiên tai, bảo vệ lưới điện an toàn, phục vụ sản xuất, sinh hoạt của người dân.
Bình luận (0)