Hai vụ phát sóng trực tiếp cảnh giết người trên mạng xã hội Facebook gần đây đã gây chấn động cộng đồng mạng và đặt ra cho Facebook vấn đề khẩn cấp nhưng nan giải.
Theo AFP, hôm 24.4, do mâu thuẫn với vợ, một ông bố tàn độc 20 tuổi ở Phuket, Thái Lan đã livestream cảnh y dùng dây thừng thắt cổ con gái 11 tháng tuổi đến chết trên Facebook trước khi y treo cổ tự tử.
tin liên quan
Nghiên cứu của Mỹ: Dùng Facebook sẽ làm tổn hại sức khỏe tinh thầnNghiên cứu mới của các nhà khoa học Mỹ việc sử dụng Facebook thời
gian dài có thể gây ra những tác hại tiêu cực trong đó làm tổn thương
sức khỏe tinh thần và dễ chán nản với cuộc sống.
Trước đó một tuần, Steve Stephens, 37 tuổi, phát sóng trực tiếp trên Facebook cảnh y bắn chết một cụ già 74 tuổi trên đường phố ở thành phố Cleveland, bang Ohio (Mỹ). Khi bị cảnh sát truy bắt, y đã nã súng vào đầu tự sát.
Facebook đã ra tuyên bố lên án ‘tội ác kinh hoàng’ và khẳng định tuyệt đối không chấp nhận các hành động như vậy trên mạng. Tuy nhiên, video cảnh bắn chết cụ già vẫn tồn tại trong vòng 2 tiếng sau khi được đăng tải. Trong khi đó, các thành viên facebook vẫn có thể xem video ông bố giết con gái ở Thái Lan trong gần 24 tiếng đồng hồ sau khi sự việc xảy ra.
Nhiều người chỉ trích Facebook phản ứng quá chậm và đặt ra câu hỏi liệu mạng xã hội này có nên gỡ bỏ tính năng phát sóng trực tiếp Facebook Live hay không.
Sau vụ phát sóng cảnh giết người ở Cleveland, ông chủ Facebook Mark Zuckerberg cam kết “làm tất cả mọi thứ có thể để ngăn ngừa những thảm kịch tương tự xảy ra”. Nhưng Zuckerberg cũng thừa nhận: “Có nhiều việc cần phải làm”.
Tính năng phát sóng trực tiếp của Facebook từng được sử dụng để phát sóng các cảnh hiếp dâm. Trong tuần qua, ba người đàn ông ở Thụy Điển bị kết án tù vì hiếp dâm tập thể một phụ nữ và phát sóng trực tiếp trên Facebook. Đó là chưa kể một số vụ phát sóng trực tiếp cảnh tự tử trên Facebook.
Chuyên gia mạng xã hội Lou Kerner cho rằng bất cứ mạng xã hội nào để người sử dụng tự do đăng tải các nội dung cũng sẽ đối mặt với các sự cố tương tự nhưng Facebook sẽ dễ bị tổn thương hơn vì có số người sử dụng khổng lồ lên đến gần 1,9 tỉ người.
Lou Kerner nói, không có giải pháp dễ dàng và “vấn đề là bằng cách nào các mạng xã hội có thể gỡ bỏ nhanh chóng các video như vậy”.
Hầu hết các mạng xã hội đều cấm đăng những nội dung gây sốc và bạo lực nhưng vì tần suất đăng tải của các thành viên quá lớn nên họ phải dựa vào thông báo vi phạm của người sử dụng.
tin liên quan
Lại thêm một vụ giết người rồi phát trực tiếp lên FacebookMột người đàn ông Thái Lan đã ghi lại 2 video việc tự mình sát hại con gái rồi phát trực tiếp trên Facebook trước khi tự sát.
Facebook cho biết đang sử dụng hàng ngàn người để rà soát hàng triệu nội dung sử dụng hơn 40 ngôn ngữ được đăng tải mỗi tuần.
Tuy nhiên, nhà phân tích Roger Kay ở công ty nghiên cứu và tư vấn thị trường máy tính Endpoint Technologies Associates (Mỹ), cho rằng không có khả năng Facebook sẽ áp dụng cơ chế trì hoãn một vài giây để thẩm định nội dung video trước khi cho phép phát sóng.
Chuyên gia mạng xã hội Lou Kerner nói dù Facebook không chịu trách nhiệm pháp lý về những hành động của người sử dụng, mạng xã hội này phải có trách nhiệm xã hội để giải quyết thích hợp vấn đề phát sóng trực tiếp cảnh bạo lực gây sốc.
Song Roger Kay chỉ ra rằng, không có bất cứ hạn chế nào về nội dung đòi hỏi Facebook phải thẩm định tính đạo đức của những nội dung được phép đăng tải. “Tôi chắc chắn rằng Facebook không muốn gánh vai trò đó”, Kay nói.
Facebook đang đau đầu khi phải tạo ra sự cân bằng trong mức độ kiểm duyệt. Facebook sẽ bị lên án nếu kiểm soát lỏng lẻo các nội dung được đăng tải nhưng cũng đối mặt với chỉ trích nếu kiểm soát quá gắt gao.
Trước đây, Facebook từng bị cáo buộc kiểm duyệt máy móc, chẳng hạn năm ngoái Facebook gỡ bức hình ‘Em bé Napalm’ của phóng viên ảnh đoạt giải Pulitzer Nick Ut chụp năm 1972 với cảnh cô bé 9 tuổi Kim Phúc trần truồng, gào thét, chạy trên đường làng ở Tây Ninh sau khi bị bỏng do bom napalm chỉ vì cảnh trần truồng.
Trước làn sóng chỉ trích, Facebook đã cho đăng lại bức hình với lý do nó mang ý nghĩa lịch sử quan trọng.
Bình luận (0)