Sông Côn chia cắt 2 thôn Tân Kiều và Hòa Phong (có tổng cộng gần 1.000 hộ dân) với 7 thôn còn lại của xã Nhơn Mỹ (TX.An Nhơn, Bình Định). Đoạn sông qua đây rộng khoảng 100 m. Người dân ở 2 thôn nói trên muốn qua sông thì phải đi cầu tạm Thị Lựa bằng gỗ đã xuống cấp, xiêu vẹo hoặc đi qua đập tràn Đại Bình đầy nguy hiểm. Muốn an toàn, mọi người phải đi gần 10 km sang xã Nhơn Hậu lân cận để qua sông.
tin liên quan
Liều mình qua sông trên cây cầu cũ nátNhiều năm qua, người dân địa phương hằng ngày phải liều mình qua
sông trên cây cầu Hợp Giang dù đã xuống cấp nghiêm trọng.
Theo ông Nguyễn Xuân Quang (58 tuổi) - người trông coi đập tràn Đại Bình, đập được xây dựng từ trước năm 1975, ban đầu chỉ phục vụ cho thủy lợi, không có lối đi. Sau này, hợp tác xã nông nghiệp đã dùng xi măng làm mặt đường bê tông rộng khoảng 0,5 m trên đập tràn để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân. Mặt đường hẹp, bờ đập cao khoảng 2 m nên người qua lại chỉ cần sơ sẩy là rơi xuống nước và bị lũ cuốn trôi vào mùa mưa, còn mùa nắng thì khi rơi xuống cũng chấn thương nặng.
“Tôi làm ở đây khoảng 20 năm nay, chứng kiến cả chục trường hợp chết rất thương tâm khi đi qua đập tràn Đại Bình. Mới đây, tháng 12.2016, cháu N.S.T, học sinh lớp 8, đi qua đập tràn này thì bị lũ cuốn trôi, đến mấy ngày sau mới tìm thấy xác. Đến mùng 2 Tết âm lịch, chị Đ.Q.N sống ở TP.Quy Nhơn về thăm quê, đi qua đập tràn Đại Bình cũng bị té dẫn đến chấn thương sọ não mà chết. Còn trường hợp bị rơi xe máy hoặc người rơi xuống nước được người dân địa phương cứu sống có thể lên đến hàng trăm người”, ông Quang nói.
Ông Đặng Văn Lành, Chủ tịch UBND xã Nhơn Mỹ, cho biết hàng chục năm nay người dân liên tục kiến nghị xây cầu kiên cố bắc qua sông Côn nhưng đến nay vẫn chưa được. UBND tỉnh Bình Định đã lập dự án xây cầu từ thôn Tân Kiều bắc qua thôn Thiết Trụ với kinh phí khoảng 83 tỉ đồng (với thiết kế hai làn đường, đủ cho xe tải qua lại) nhưng chưa được cấp trên phê duyệt.
tin liên quan
Ám ảnh cây cầu 'ma' ở Hà NộiCây cầu Chiếc bắc qua sông Nhuệ thuộc địa phận thôn Nhân Hiền, xã Hiền Giang, H.Thường Tín, Hà Nội được xây dựng từ năm 1980, đến nay đã xuống cấp nguy hiểm, đe dọa an toàn giao thông.
“Do có quá nhiều người bị tai nạn khi đi qua đập tràn Đại Bình nên UBND xã đưa ra đề nghị cắt đoạn bê tông ở 2 đầu đập để người dân không đi lại được, nhưng chẳng có ai đồng tình. Chỉ mong cấp trên sớm phê duyệt triển khai xây cầu bắc qua sông Côn, đoạn qua xã Nhơn Mỹ để phục vụ việc phát triển kinh tế xã hội của địa phương cũng như để người dân không còn phải gặp nguy hiểm khi muốn qua sông”, ông Lành nói.
Khoảng 10 tỉ đồng để xây cầu
Ông Bùi Văn Chánh (ở sát đập tràn Đại Bình), nguyên Chủ tịch UBND xã Nhơn Mỹ, nói: Vào mùa mưa lũ, học sinh sợ bị trễ học nên thường lén cha mẹ đi qua đập tràn Đại Bình cho gần. Các cháu rất hiếu động và chỉ cần sơ sẩy một chút là rơi xuống sông. Nếu không có kinh phí làm cầu kiên cố, chỉ cần đầu tư khoảng 10 tỉ đồng thì người dân xã Nhơn Mỹ cũng có cây cầu an toàn để đi lại, kể cả khi mưa lũ.
|
Bình luận (0)