Gánh hàng rong của mẹ

25/04/2008 14:22 GMT+7

Đám trẻ con hồn nhiên chạy luồn qua các hàng cây chơi trò đuổi bắt trong công viên. Chơi chán, chúng ngồi duỗi chân trên bãi cỏ oẳn tù tì, rồi chạy xúm lại vây quanh hai cái thúng nhỏ của chị bán hàng rong.

Hai thúng hàng nhỏ nhưng dường như đã mang cả thế giới đến với chúng, từ những con thú đủ màu sắc, những chiếc ô tô, máy bay, hình siêu nhân đủ kiểu dáng, kích cỡ, cho đến những gói bỏng, những viên kẹo xanh, đỏ đầy hấp dẫn. Rồi chúng chạy ùa đi cũng nhanh như lúc chúng đến. Tôi chợt nhìn thấy bên trên quai thúng dùng để mắc vào đòn gánh treo toòng teng mấy gói bỏng ngô bị chảy nước, màu vàng sền sệt của đường dính bết nào túi ni-lông.

- Những thứ này sao chị chưa bỏ đi? - tôi lên tiếng hỏi.

- Sao lại bỏ đi? Không bán được thì chị mang về cho tụi nhỏ.

Chị bán hàng hồn nhiên trả lời chẳng để ý tới ánh mắt ngỡ ngàng của tôi. Câu nói của chị vô tình làm những ký ức tuổi thơ trong tôi sống dậy cùng gánh hàng rong của mẹ. Ngày ấy ba đi làm ăn xa, đè nặng lên đôi vai mẹ đôi gánh gia đình với bốn đứa con thơ dại và người bố chồng liệt nửa người.

Ông nội tôi thương mẹ lắm nhưng bệnh tình khiến ông lực bất tòng tâm. Còn chị em tôi đang ở tuổi ăn tuổi lớn, cùng lắm cũng chỉ giúp mẹ nấu được nồi cơm, rửa bộ ấm chén hay quét cái nhà, chẳng đứa nào hiểu được nỗi vất vả, nhọc nhằn của mẹ.

Tối tối ngồi học bài, thỉnh thoảng chúng tôi lại liếc mắt về phía góc nhà nơi mẹ ngồi kiểm lại hàng hóa, tai đứa nào cũng dỏng lên chỉ chờ mẹ gọi đến phân phát những viên kẹo bị loại. Những thứ mà người ta không thèm mua lại là thức quà xa xỉ đối với chị em tôi. Mẹ lụi hụi nhìn tuổi thơ của lũ con trôi qua trong nghèo khổ mà đắng lòng.

Cực nhọc là vậy nhưng mẹ nhất định không để chị em tôi thất học. “Ráng học lấy cái chữ, cái nghề để khỏi lam lũ như cha mẹ”, câu nói ấy không bao giờ tôi quên. Gánh hàng rong giờ đây đã được cất lại trong ký ức của mẹ, của chị em tôi. Nhưng cho đến giờ tôi mới lục tìm lại nó trong hỗn độn những lo toan bộn bề của cuộc sống.

Tôi tự hỏi đã bao giờ mình dừng lại để nhận thấy còn biết bao đôi vai gầy hằng ngày rong ruổi khắp các con đường, ngõ phố vì cuộc sống mưu sinh. Và khi thành phố đã lên đèn, cũng sẽ còn biết bao những đứa trẻ đang mong ngóng bước chân mệt mỏi của mẹ chúng trở về…

Đoàn Thị Oanh/Tuổi Trẻ Online

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.