Gặp lại ‘người mẹ’ nuôi cả ngàn chó mèo hoang: Vẫn gian truân, đơn độc cuối đời

12/04/2018 11:42 GMT+7

Theo thời gian, câu chuyện về bà cụ hơn 60 năm làm ‘mẹ’ của chó mèo hoang dần trôi vào quên lãng. Nhưng cuộc đời bà vẫn tiếp diễn, với chiếc lưng ngày một còng, gồng gánh những gian truân.

Ngót nghét 3 năm kể từ khi câu chuyện về bà Lê Thị Quý (ngụ Q.Bình Thạnh, TP.HCM) hơn 60 năm cưu mang hàng chục chó, mèo hoang xuất hiện trên nhiều trang báo.
Current Time0:00
/
Duration0:00

0:00
VIDEO: Cụ bà U.90 hơn 60 năm nuôi hàng ngàn chó mèo hoang ở Sài Gòn
Thời gian ấy, nhiều người đã tìm đến để chia sẻ cùng với bà. Có khi đó là vài chục ngàn, có khi là xấp giấy báo cũ để bà lót cho đàn mèo nằm. Sau 3 năm, câu chuyện gia đình tan vỡ thời trẻ khiến bà cụ 60 năm chỉ quấn quýt lấy đàn chó mèo hoang đã dần rơi vào quên lãng… Nhưng cuộc sống vẫn tiếp diễn, giờ đây oằn trên cái lưng còng của bà vẫn nhiều lắm những nhọc nhằn, gian truân.
Phận đời chồng chất gian truân
Chúng tôi tình cờ gặp lại “bà Quý mèo hoang” trên “hành trình” quen thuộc từ con hẻm nhỏ ở đường Đinh Tiên Hoàng (Q.Bình Thạnh) đến chợ Đa Kao (Q.1). Đoạn đường ngắn, nhưng lại quá dài đối với những bước chân ngày càng yếu ớt của bà cụ đã ngoài 80.
Gặp lại ‘người mẹ’ của chó mèo hoang: vẫn gian truân, đơn độc cuối đời1
Đôi chân yếu ớt vẫn ngày ngày gom nhặt thức ăn cho các “con” Ảnh: Hoài Nhân
Gặp lại ‘người mẹ’ của chó mèo hoang: vẫn gian truân, đơn độc cuối đời2
Tấm lưng thêm còng theo ngày tháng Ảnh: Hoài Nhân
Theo chân bà và chiếc xe đẩy cọc cạch đi giữa cái nắng gắt gỏng của Sài Gòn ban trưa, chúng tôi im lặng nhìn nhau vì suy nghĩ cho một phận người. Vẫn ngày ngày gom nhặt từng miếng ăn trên đường và trở về chăm lo cho “đàn con” của mình, nhưng câu chuyện đời viết tiếp của bà nay lại chồng chất nhiều thêm những nhọc nhằn.

Nhặt bịch đầu tôm một nhà hàng đã dành sẵn như thường lệ, bà chậm chạp mang sang ngồi ở một góc đường dẫn vào chợ. Đôi tay nhăn nheo, bà Quý run run cố cầm kéo cắt bỏ từng miếng vỏ cứng, chỉ giữ lại phần thịt mềm ít ỏi. Bà nói “phải vậy mới được, không thôi chúng mắc cổ, nhất là tụi nhỏ bị mẹ bỏ yếu nhơ yếu nhớt”.
Rồi bà phân chia, phần này là của tụi ở nhà, phần này là của tụi “không nhà” trong chợ. Chốc chốc, bà lại cố gồng thẳng chiếc lưng còng của mình lên và thở hắt ra. Căn bệnh tim hình như ngày càng giành phần thắng trước sức khỏe của bà.
Anh Dương Hồng Chí (46 tuổi), chủ một cửa hàng gần nơi bà Quý hay ngồi, tranh thủ kể cho chúng tôi nghe một câu chuyện lạ lùng: “Bữa có con mèo hoang ở đâu chui tọt xuống gầm tủ tiệm tôi, đuổi sao cũng không đi. Nó nằm kêu inh ỏi, đưa tay hay cây vào là nó nhe răng gầm gừ. Vậy mà bà ấy tới, lom khom nói gì đó một hồi, tự dưng nó chui ra. Bà dỗ dành rồi ôm nó gọn ơ trong lòng, bỏ vào cái giỏ trên xe đẩy mang về”.
Gặp lại ‘người mẹ’ của chó mèo hoang: vẫn gian truân, đơn độc cuối đời3
Đôi tay run rẩy tách những chiếc đầu tôm vì lo các “con” ăn không ngon Ảnh: Hoài Nhân
Gặp lại ‘người mẹ’ của chó mèo hoang: vẫn gian truân, đơn độc cuối đời4
Những “đứa con hoang” trong chợ Ảnh: Hoài Nhân
Nhiều người biết đến vẫn hay bảo bà không bình thường, thậm chí còn cười cợt “chắc kiếp trước bả ăn thịt mèo dữ lắm nên kiếp này phải trả nợ”. Chúng tôi không biết chuyện kiếp trước kiếp sau, chỉ biết mấy chục năm qua, nếu không có bà, không biết bao nhiêu chó mèo phải nằm bờ chết bụi.
Vừa thấy bóng bà vào chợ, đám mèo hoang đã kêu inh ỏi và nhào ra quấn lấy chân “mẹ”. Bà nhìn chúng cười, rồi đến cái sạp quen của mình trong chợ, mở bọc đầu tôm cắt sẵn cho chúng ăn. Sát cạnh bà, chúng vô tư ngấu nghiến, vậy mà có ai đi gần, chúng đều giật mình và ngẩng đầu cảnh giác.
Vài người bán hàng cạnh bên lắc đầu nói với chúng tôi: “Bả ngồi vậy chứ cái sạp này sang rồi. Mà rốt cuộc có được đồng nào đâu, nghe nói bị người ta lừa hết”.
Chúng tôi gặng hỏi, bà kể mà lấy tay dằn vào lồng ngực: “Sang sạp được 70 triệu cùng ít vàng dành dụm cả đời, tôi định để chết đi còn có tiền cho người ta chôn cất, với phòng lúc thiếu thốn đồ ăn cho tụi nó. Mất sạch! Hắn mang mấy con mèo lại gửi tôi nuôi, rồi làm thân. Có lần tôi tỉ tê kể hắn nghe về số tiền, vậy là nhân bữa nọ tôi kêu hắn lót lại gạch trong nhà, hắn kéo tới tận 6 thằng. Lúc tôi ra bên ngoài, chúng ở trong lục lọi tiền, đào cả vàng tôi chôn dưới đất lên”.
Gặp lại ‘người mẹ’ của chó mèo hoang: vẫn gian truân, đơn độc cuối đời5
Trìu mến nhìn “con” ngấu nghiến Ảnh: Hoài Nhân
Gặp lại ‘người mẹ’ của chó mèo hoang: vẫn gian truân, đơn độc cuối đời6
Căn nhà chung của bà và các “con” vẫn ngổn ngang đồ đạc và nồng nặc mùi chất thải động vật Ảnh: Hoài Nhân
Bà bảo sau đó ít lâu bà mới phát hiện và báo công an. Nhưng rồi hắn lại đến lạy lục van xin, bảo mẹ hắn bị tim cần tiền chữa trị, cầu xin bà bỏ qua. Nghe thế, bà liền rút đơn, bà nói bà sợ mình mang tội.
Chúng tôi thở hắt ra, thấy người nóng bừng. Tự hỏi sao đời vẫn còn những con người như thế?
Chỉ còn những “đứa con” bên đời
Căn nhà chung của bà Quý và những “đứa con” vẫn vậy, thậm chí có phần nhếch nhác hơn. Khắp sàn ngổn ngang xô chậu, giấy báo, thức ăn,… choán gần hết lối đi. Vừa bước vào, mùi chất thải đặc trưng của chó mèo đã xộc vào mũi. Trên gác, những miếng ván lót bắt đầu có dấu hiệu mục nát, rất nguy hiểm.
Công việc từ sớm của bà là dọn dẹp nhà, lót báo sạch sẽ, làm thức ăn cho các “con”, đứng bóng mới đẩy xe ra chợ. Sau khi xin thức ăn và chăm mèo hoang ở chợ xong, bà trở về nhà lúc trời sụp tối, lại dọn dẹp và lo các “con”. Đều đặn mỗi ngày.
Gặp lại ‘người mẹ’ của chó mèo hoang: vẫn gian truân, đơn độc cuối đời7
Bà chật vật dò dẫm từng bước mang thức ăn lên gác Ảnh: Hoài Nhân
Gặp lại ‘người mẹ’ của chó mèo hoang: vẫn gian truân, đơn độc cuối đời8
Trên căn gác tối tăm, những miếng ván lót ọp ẹp đã bắt đầu mục nát Ảnh: Hoài Nhân
Sau đợt chuyển hơn 50 chú chó mèo cho một trạm cứu hộ động vật, bà Quý bảo cũng từng có ý định không nuôi nữa, bởi tuổi già sức yếu. “Mới được vài bữa, ra đường lại nghe mấy con chó mèo con người ta bỏ hoặc đi lạc kêu khóc, mình lại nhớ cuộc đời chính mình ngày xưa. Bỏ gì được mà bỏ, thương quá, tội quá rồi cũng phải ôm về”, bà ôm con mèo con lấm lem vào lòng, vừa chùi mặt mày cho nó vừa nói.
Mà nếu ngày xưa, bà có thể đọc tên vanh vách những “đứa con” thân yêu của mình, biết cả tính tình từng đứa. Thì giờ đây, hỏi bà có bao nhiêu con, bà phải lẩm nhẩm một lúc lâu, rồi mới lắc đầu “không nhớ hết nữa”. Đời và thời gian lấy đi của bà nhiều thứ quá, chỉ cho bà duy nhất “những đứa con” bên mình.
Ấy vậy mà cũng có những chuyện bà bảo cho đến nhắm mắt bà cũng còn nhớ. “Lần đó nó chui vào tủ mà tôi không hay, khóa cửa lại. Nó chết trong đó. Lâu sau nó về báo mộng, tôi mới phát hiện ra. Ngày xưa tôi nhặt nó lúc nó bệnh gần chết ngoài đường, đưa đi bác sĩ chạy chữa, rồi về đút ăn từng muỗng mới sống được. Thương lắm, nó sống cũng khổ mà chết cũng khổ”, bà hạ giọng, kể một trong vài kí ức còn sáng tỏ của bà về những “đứa con hoang”.
Gặp lại ‘người mẹ’ của chó mèo hoang: vẫn gian truân, đơn độc cuối đời9
Tấm thân bà gầy gò đến vậy, nhưng bà nuôi “đứa” nào cũng mập tròn Ảnh: Hoài Nhân
Gặp lại ‘người mẹ’ của chó mèo hoang: vẫn gian truân, đơn độc cuối đời11
Bầy mèo con lấm lem bị mẹ bỏ rơi ngoài đường vừa được bà nhặt về, mớm cho từng muỗng sữa Ảnh: Hoài Nhân
Giờ trong nhà bà luôn vang vọng tiếng kinh Phật từ một chiếc máy phát nhạc nhỏ. Ngày nào bà cũng nghe cùng “các con”, bà nói như thế để “tâm chúng thanh tịnh, mai này thành kiếp người chứ không còn làm con chó con mèo nữa”.
Mạo muội, chúng tôi hỏi bà định sẽ thế nào khi sức khỏe không còn tốt nữa. Bà lấy ra một phong bì trên bàn và trả lời ngay: “Tôi chuẩn bị sẵn hết rồi, trong đây có mảnh giấy ghi lời nhắn với số điện thoại của cái cô làm trại chó mèo ở Củ Chi. Hôm nào gọi cửa không thấy tôi trả lời, biết tôi chết trong này, thì vào gọi trên đó họ xuống chở chúng đi. Còn tôi sao cũng được”.
“Sao cũng được…”, tức là đến cuối đời bà vẫn chẳng nghĩ gì cho mình. Chỉ cần những “đứa con” của bà đời này vẫn được sống tiếp, đời sau hóa kiếp thành người. Vậy là đủ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.