Ghé thăm Phố Hiến

19/10/2010 04:50 GMT+7

(TNTS) Không còn là thương cảng sầm uất “trên bến dưới thuyền”, Phố Hiến (Hưng Yên) hôm nay có sự bình dị xanh tươi của nhãn và vẻ cổ kính rêu phong của đình đền, chùa chiền...

Câu ca Thứ nhất Kinh Kỳ, thứ nhì Phố Hiến đưa chúng tôi rời Hà Nội tìm về thương cảng tấp nập ngày xưa. Con đường tới Phố Hiến chạy dài theo bờ đê xanh mướt. Một bên là những bó hương nở xòe của làng hương truyền thống Cao Thôn, bên kia là rặng tre xanh rì. Xa hơn, sau rặng tre, sông Hồng vẫn ngày đêm cuộn chảy như gợi nhớ về một thời xa xăm của Phố Hiến. Qua các huyện Văn Giang, Khoái Châu, những gốc nhãn lồng nức tiếng đặc sản Hưng Yên tỏa cành xanh mơn mởn.

Trên con đường mang tên Phố Hiến, chúng tôi ghé thăm chùa Hiến. Gốc nhãn sần sùi ven tường được gắn bảng “cây nhãn tổ”, nhưng chỉ là một nhánh con của cây nhãn hàng trăm năm tuổi đã mục ruỗng theo thời gian. Nắng trưa xiên qua kẽ lá, vị sư già ngồi trầm ngâm kể: Có nhiều vùng trồng nhãn trên bãi bồi của sông Xích Đằng (tên gọi sông Hồng) nhưng chỉ có nhãn lồng Hưng Yên là trái vừa thơm mà không nồng, ngọt mà không gắt. Các nhà sư xưa thường chọn những trái ngon nhất trên cây nhãn tổ để cúng Phật và tiến vua.

Ngược dòng thời gian về 3 thế kỷ trước, Phố Hiến là điểm tụ hội của những đoạn đường sông từ biển Đông vào kinh thành Thăng Long. Không khí tấp nập không thua kém gì Hội An. Những thương điếm của người Anh, người Hà Lan giờ không còn nhưng dấu tích của người Hoa vẫn tồn tại như một chứng tích của thời gian. Đền Thiên Hậu (Thiên Hậu thượng phố) nằm trên đường Trưng Trắc với mái ngói ống bò mang đậm kiến trúc Trung Hoa. Ngôi đền từ thế kỷ XVII do 40 dòng họ ở Quảng Đông, Quảng Tây, Phúc Kiến, quyên góp tiền của xây dựng nên. Đền thờ một vị thần biển thường cứu giúp tàu thuyền qua lại tên Lâm Tức Mặc. Người Phúc Kiến tôn bà làm Thần Hàng hải.

Nghi môn của đền dựng giống như một ngôi nhà, mái lợp ngói ống, kiến trúc các bộ vì kiểu chồng rường, cánh cửa khắc hình quan văn võ và người theo hầu. Thềm lát bằng đá. Phía trước nghi môn có đôi nghê chầu bằng đá hoa cương: con đực ngậm ngọc, con cái ôm con bú được tạo tác rất sinh động. Có câu ca rằng: Ai về tỉnh lỵ Hưng Yên/Thăm đền Thiên Hậu đôi bên nghê chầu/Con Dương ngậm ngọc Bích Châu/ Con m sữa ngọt một bầu nuôi con.

Hằng năm, cộng đồng người Hoa ở Phố Hiến mở hội đền Thiên Hậu vào ngày 23.3 và ngày 9.9 âm lịch để kỷ niệm ngày sinh và ngày hóa của Lâm Tức Mặc. Trong lễ hội tổ chức rước kiệu linh đình. Đặc biệt, du khách có dịp thưởng thức những loại bánh “đặc sản” của miền Nam Trung Quốc như bánh rong câu, bánh rùa, bánh Tô Châu… Đi dọc đường Phố Hiến, xen kẽ với những công trình có kiến trúc thuần Việt, tôi không khỏi ngạc nhiên trước những mái ngói cao, thấp như ở Hội An, mang đậm dấu ấn người Hoa. Thời gian trôi qua, thương cảng Phố Hiến nay chỉ còn vang bóng một thời nhưng mỗi góc phố, ngôi nhà ở đây điều khiến ta nao lòng không nỡ dời chân đi.

 Bài & ảnh: Hoàng Giang

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.