Một người không nhiễm Covid-19, cách ly thế nào?
Ngày 2.8, vợ chồng chị N.T (ngụ Q.Bình Thạnh, TP.HCM) và con trai (9 tuổi) được xác định dương tính với SARS-CoV-2, riêng con gái (4 tuổi) âm tính.
Theo lời chị T., trước khi có kết quả xét nghiệm RT-PCR 3 ngày, vợ chồng chị đã bắt đầu cảm nhận được sự thay đổi khác thường trong cơ thể. Những triệu chứng gặp phải gồm: mỏi mệt, thở dốc, nhức đầu, chóng mặt, ớn lạnh, đau nhức mình mẩy, miệng đắng, chán ăn, buồn nôn, người lừ đừ, ngủ chập chờn và mất hẳn khứu giác vào ngày thứ tư.
Riêng chồng chị T. ngày đầu đã sốt trên 38 độ C, còn cậu con trai bắt đầu sốt vào ngày thứ 5.
Các triệu chứng trên có dấu hiệu nặng hơn qua mỗi ngày và bắt đầu thuyên giảm vào ngày thứ 8. Lúc này, hai vợ chồng hết sốt, hết đau nhức xương khớp và bắt đầu ngửi được mùi thức ăn mặc dù ăn uống vẫn khó khăn. Đến ngày thứ 10 mới có cảm giác thèm ăn trở lại, ăn thấy ngon miệng, khứu giác hồi phục, hơi thở dễ chịu và có giấc ngủ sâu.
Ban đầu, chị T. chỉ nghĩ do ngồi máy tính lâu, lại sắp đến ngày "có tháng", còn chồng thì bảo chắc bị cảm cúm vì mấy hôm trước ở trần nằm máy lạnh. Cho tới khi thử ngửi dầu thơm, nước mắm và cả mắm tôm, thấy mùi nhè nhẹ mới nghi mắc Covid-19 vì chị vốn dĩ nhạy cảm với mùi.
Chia sẻ với Thanh Niên, chị N.T cho biết nhà có 3 phòng, nhà vệ sinh riêng nên con gái được tách riêng một phòng. Đến giờ ăn, chị T. sát khuẩn cẩn thận, đồng thời đeo miếng chắn giọt bắn rồi đặt cháo (đồng nghiệp nấu gửi) và sữa ở ngoài cho bé tự lấy ăn. “Mừng vì 2 bé hầu như không có triệu chứng gì, vẫn ăn uống xem ti vi bình thường”, chị nói.
Ăn uống là “sống còn”
Ngay sau khi nghi mắc Covid-19, chị T. nhanh chóng nhờ nhà nội ở khu Tân Định mua giúp “combo” để "chiến đấu", gồm 1 hộp thuốc giảm đau, 1 hộp thuốc hạ sốt dạng viên sủi, nước muối, thuốc súc miệng, viên sủi, vitamin C, xịt họng thảo dược, nước súc họng sát khuẩn, máy đo huyết áp và máy đo oxy cầm tay.
Chị N.T đặc biệt lưu ý tới vấn đề ăn uống. Chị cho biết trong những ngày nhiễm bệnh luôn có cảm giác chán ăn, ăn không được, thậm chí ăn bao nhiêu cũng đều ói hết nhưng ói ra thì nghỉ một chút rồi tiếp tục ăn lại. Lúc ăn cháo không được, chồng chị T. đổi qua công thức đổ nước sôi vào cơm mới ăn được vài muỗng, còn chị thì ngậm bánh quy cho tan ra rồi uống nước cho qua bữa. Chị cũng không uống được sữa tươi trong hộp mà chỉ uống được sữa đặc pha nước nóng. Cứ như thế, hai vợ chồng động viên nhau không bỏ cuộc vì nếu cơ thể yếu sẽ tạo điều kiện Covid-19 tiếp tục tấn công.
Từ trải nghiệm vừa qua, chị T. chia sẻ: “Nếu chẳng may mắc bệnh, hãy nhớ ăn là sống còn. Trong tình huống ăn không được thì nấu một nồi cháo trắng, đậu xanh (đừng cố phải có thịt, cá vì cơ thể lúc này cần giảm béo, đạm để tăng oxy tối đa cho tế bào) và cứ cách 2 tiếng thì húp. Cố gắng ăn cho bằng được ngay cả khi không còn khứu giác, vị giác”.
Bên cạnh đó, chị N.T còn uống nhiều nước ấm, tăng cường rửa mũi, miệng, súc họng và xông mũi bằng nước chanh, sả. Nếu ngày thường uống 2 lít nước/ngày thì khi nhiễm bệnh cần uống gấp đôi. Ở trong phòng nhớ mở toang cửa sổ, bật quạt ở mức cao nhất, buổi sáng tìm nơi có ánh nắng chiếu vào để phơi cơ thể. Đồng thời, tập thở theo các bài hướng dẫn trên mạng để cải thiện hơi thở và giấc ngủ.
Sau cùng, khi đã chiến thắng Covid-19, chị T. khuyên mọi người: “Đừng quá lo lắng, đừng để thông tin nhiễu loạn chi phối và cần theo dõi cơ thể thường xuyên bằng cách đo huyết áp cũng như nồng độ oxy trong máu thường xuyên để biết lúc nào bản thân vẫn trong ngưỡng an toàn”.
“Mọi người nên tranh thủ tiêm vắc xin để lỡ có nhiễm Covid-19 sẽ không bị hành nhiều như mình. Trước đó, hỏi thăm cậu em làm tình nguyện trong khu cách ly gặp các triệu chứng giống hệt chỉ bị hành 3 ngày, cậu ấy đã tiêm vắc xin đầy đủ”, chị N.T nhắn nhủ.
Bình luận (0)