Producer là nghề đòi hỏi cao cả về thể lực, sự nhanh nhạy, quyết đoán và khả năng chịu được áp lực cao trong thời gian dài. Vì thế, chỉ những ai có niềm đam mê mạnh mẽ mới có thể trụ lâu với nghề.
Có “job” là chạy bở hơi tai Ngọc Liên, producer của một công ty quảng cáo tại TP.HCM cho biết, làm nghề này bình thường khá thảnh thơi, nhưng khi có việc thì phải… xốc váy lên mà chạy! Chị Liên nhớ lại lúc chị “chạy” 5 job (công việc) phim nhựa cùng lúc: “Cường độ làm việc lúc đó rất dễ sợ, phải tận dụng tối đa các mối quan hệ trong công việc như công ty casting, người lo trang phục, âm thanh, ánh sáng, quay phim… Cái khó nhất là phải tính toán làm sao cho trong 8 ngày quay, phải bố trí cảnh quay, ăn uống, di chuyển, ngủ nghỉ cho thích hợp để trong 8 ngày đó không ai bị xuống sức”.
Việc đã nhận rồi nên chị và một đồng nghiệp khác phải lên kế hoạch suốt 1 ngày để cuối cùng cho ra được bảng kế hoạch chi tiết. Chuẩn bị kỹ càng là thế, nhưng sau 8 ngày quay, do bối cảnh ở cách xa nhau, rải rác từ Tây Ninh đến tận Đà Lạt sau đó phải chạy ngược lại Biên Hòa, thế nên lúc làm xong chị bị đuối sức đến nỗi phải nhập viện, vô nước biển.
Chị Liên kể: “Khi làm, mình chỉ mải lo sắp xếp thế nào cho diễn viên và đoàn có thời gian nghỉ ngơi phù hợp mà quên mất mình cũng cần được… nghỉ. Bởi vậy, đến khi mọi việc đã hoàn tất, ai cũng khỏe mạnh chỉ riêng tôi là đuối!".
Với hơn 4 năm kinh nghiệm làm producer phim quảng cáo, Nguyễn Thụy Minh Thư là một trong những số ít producer nữ còn trụ lại với nghề. Chị Thư cho biết làm producer lương không thấp nhưng cái giá phải trả là rất cao.
|
Chị kể có lần quay một phim quảng cáo ở Phan Thiết. Ba giờ sáng thứ bảy, cả đoàn từ Sài Gòn khởi hành đi đến điểm quay. Vừa đến nơi, chị vội vàng sắp xếp bối cảnh và quay liên tục đến 1 giờ sáng hôm sau mà vẫn chưa xong tất cả những cảnh cần quay. Khổ nỗi, trong đoạn phim quảng cáo diễn viên chính lại là con nít, thấy cậu bé mệt quá Thư cho đoàn "off" máy. Những cảnh còn lại sẽ quay vào ngày khác. Vì không có kinh phí cho đoàn nghỉ qua đêm ở khách sạn, thế là 1 giờ sáng, sau khi thu dọn “chiến trường” cả đoàn phải lên xe ngay quay về thành phố.
Về đến nhà là 8 giờ sáng. Ngủ được 2 tiếng, chị phải dậy chuẩn bị báo cáo để báo cáo tình hình cho sếp. Đúng 11 giờ có mặt ở công ty để nghe sếp “trút giận” vì quản lý không tốt làm trễ tiến độ công việc. Với Thư những chuyện như thế là bình thường vì đó chính là đặc trưng của công việc.
Thiếu ngủ, phải “chơi thuốc”
Ngoài những áp lực công việc, điều bất cứ producer nào cũng phải đối mặt là tình hình sức khỏe không đủ đáp ứng cho công việc. Những khi phải làm nhiều job cùng lúc, họ làm việc suốt ngày đêm không ngủ, thậm chí 2-3 ngày không được chợp mắt.
Anh Đinh Hoàng Huy, một producer khác cho biết, từ khi chuyển sang nghề này cũng là lúc anh bắt đầu dùng cà-phê và thuốc “tăng lực” Enervon C, pharmaton…
Anh Hoàng kể, lần làm phim quảng cáo cho một sản phẩm nước uống, dự kiến lịch làm việc quay từ 8 giờ sáng đến 10 giờ tối. Nhưng đến khi ra hiện trường, đạo diễn “quá hăng” muốn quay thêm nhiều góc để có được đoạn phim thật đẹp. Thế là mọi người buộc phải “chạy theo” ý đồ của đạo diễn, quay đến tận 9 giờ sáng hôm sau mới xong. Sau khi sắp xếp cho mọi người đâu ra đó, Hoàng mới bắt taxi và chỉ kịp nói địa chỉ nhà cho tài xế rồi gục xuống ngủ li bì cho đến khi về đến nhà. “Công việc này phải thức khuya, dậy sớm hoặc làm việc sáng đêm là chuyện bình thường, bởi thế nên phải uống thuốc tăng lực để có thể “trụ” được cho đến khi xong job. Thế nên, người ta hay bảo producer nào cũng chơi thuốc”, Huy đùa. Còn khi được hỏi “Chị có “chơi thuốc” không” thì chị Thư cười: “Thư không biết uống cà-phê và rất ghét uống thuốc, nhưng cũng có khi phải uống redbull và viên sủi trừ cơm. Vừa đỡ mất thời gian, vừa giúp mình tỉnh táo để làm việc”.
Buồn vui với nghề độc đáo
Chỉ mới vào nghề cách đây 2 năm và còn khá trẻ, 25 tuổi, nhưng producer Lê Thị Nguyệt Thu có không ít kỷ niệm vui của nghề. Chị kể nhớ nhất là khi làm producer của game show với trẻ em. Những thí sinh tham gia trò chơi đều dưới 12 tuổi vì vậy làm rất cực, vì rất khó để quản lý một lúc vài chục bé. Có nhiều bé bình thường thì biểu diễn rất hay nhưng khi ánh sáng, máy quay chĩa vào lập tức đứng đơ ra, không diễn được. Có bé thì hay khóc. Thắng cũng khóc, thua cũng khóc, chạy loăng quăng, bị vấp té cũng khóc, thế là ngoài công việc producer, Thu phải kiêm luôn chức “an ủi viên”. Suốt thời gian quay chị luôn miệng động viên các thí sinh nhí: “Ráng lên con, sắp xong rồi”; “Ừ thôi ngoan ngoan, nín đi, cô Thu cho kẹo…”; “Đừng khóc con, lần này không được thì mai mốt mình thi tiếp…” khiến cả đoàn cứ chọc ghẹo gọi chị là “cô bảo mẫu”.
Còn với Đinh Hoàng Huy, kỷ niệm đáng nhớ nhất là lần anh quay quảng cáo trong thời gian dài ngày, địa điểm rải khắp từ Nam ra Bắc. Nếu từng xem qua đoạn quảng cáo này, chắc hẳn mọi người sẽ không quên một bà cụ người Huế cầm quạt vừa múa vừa hát. Thực ra, đó là giọng hát của... Hoàng. Bởi khi đó, do thời gian gấp gáp không kiếm đâu ra được một phụ nữ Huế cho vai đó, thế nên Huy phải “lục lại nghề cũ”, nghề diễn viên lồng tiếng để “lồng” lại tiếng cho vai bà cụ người Huế. Mặc dù trên đoạn quảng cáo giọng hát rất hợp với bà cụ, nhưng khi Huy thu giọng thì anh em trong đoàn ai cũng buồn cười và hễ cứ thấy anh họ lại nhại lại câu hát này...
Lê Vân
Bình luận (0)