Harper Lee - Chỉ cần một trên đời

06/08/2009 10:18 GMT+7

(TNTT>) Vào một đêm đông lạnh buốt năm 1958, khi ngoài trời tuyết rơi rất dày, tại một căn hộ ở New York, Harper Lee đã ném toàn bộ bản thảo tiểu thuyết Giết con chim nhại (To Kill a mockingbird) qua cửa sổ. Cho đến tận bây giờ không ai trong chúng ta biết nguyên nhân tại sao lúc đó Lee lại hành động như thế.

Tuy nhiên, chỉ vài giây sau đó, bà đã gọi cho Tay Hohoff, một biên tập viên  làm việc tại nhà xuất bản J.B. Lippincott và cả hai cùng chạy ra ngoài trời để nhặt những bản thảo đang nằm trên những lớp tuyết lạnh lẽo…Harper Lee đã mất 2 năm để hoàn thành “To kill a Mockingbird” và nó chính thức được xuất bản vào năm 1960.

Nổi tiếng ngay khi ra mắt

Ngay khi ra đời Giết con chim nhại  đã gây một tiếng vang lớn trong xã hội và trở thành cuốn sách “bestseller” với 30 triệu bản được bán hết qua hơn 8 thứ tiếng trên toàn thế giới và nhận giải Pulitzer vào năm 1961. Nó cũng được chuyển thể thành phim điện ảnh và lọt vào danh sách những phim hay nhất mọi thời đại do American Film Institute bình chọn vào năm 1995.

 Giết con chim nhại được viết dựa trên những ký ức tuổi thơ của nhà văn Harper Lee, Finch là tên thời con gái của mẹ Lee, còn nhân vật Dill được lấy nguyên mẫu từ  người bạn thân Truman Capote. Câu chuyện được bắt đầu thông qua giọng kể của Scout-con gái của luật sư Finch- một đứa trẻ thông minh và hay quan sát những thứ xung quanh ở thị trấn nhỏ Maycomb, Alabama. Atticus Finch, một luật sư da trắng, được chỉ định đứng ra bảo vệ Tom Robinson - một người đàn ông da đen bị buộc tội cưỡng hiếp một người phụ nữ da trắng - Mayella Ewell.

Với các tình tiết nhẹ nhàng đôi chút pha lẫn sự hài hước, Giết con chim nhại  đã chuyển tải thông điệp về cuộc chiến chống phân biệt chủng tộc mang tính thời sự nóng bỏng ở miền nam nước Mỹ  những năm 30. Nhạy cảm và tinh tế, Harper Lee đã mượn hình ảnh con chim nhại để  nói đến đạo đức, lòng trắc ẩn, sự khoan dung trong mỗi con người và chống lại những thành kiến của người da trắng về người da đen. “Con chim nhại chẳng làm gì nên tội, chúng chỉ hót cho chúng ta những giai điệu đẹp. Không phá phách vườn tược, không hại đến hoa màu, chúng chỉ dâng hiến cho chúng ta những lời hát từ trái tim. Đó là lý do vì sao, giết con chim nhại là một tội ác”…

Chính vì thế, cuốn tiểu thuyết này được các độc giả chọn làm cuốn sách gối đầu giường sau Kinh thánh, còn các thủ thư trong các thư viện ở Anh thì cho rằng nó xứng đáng là cuốn sách “ phải đọc trước khi từ giã cõi đời”. Năm 2007, cựu tổng thống Mỹ, G.Bush đã trao tặng Huân chương tự do cho Harper Lee vì những ảnh hưởng  của Giết con chim nhại đối với xã hội.

Nói “không” với báo giới

Gần nửa thập niên trôi qua, Harper Lee lui về sống ẩn dật ở thị trấn Monroeville cùng với người chị gái Alice và không bao giờ xuất hiện trước truyền thông. Bất cứ lời đề nghị nào phỏng vấn, bà đều từ chối thẳng: “Không chỉ bây giờ mà khi xuống đến địa ngục, cũng không” ("Not just no, but hell no"). Trong suốt thập niên 60 và 80, bà có viết khoảng 7 bài báo cho các tạp chí nhưng  chẳng bao giờ nhắc đến chuyện viết tiểu thuyết. Khi người em họ của Harper Lee là Richard Williams đưa ra thắc mắc về chuyện  tại sao bà chỉ viết một cuốn tiểu thuyết duy nhất, Lee nói: “Khi bạn có được một thành công như thế, bạn không thể có lần thứ 2”.

Năm 2006, nhà báo Charles J. Shields là người đầu tiên thực hiện ý tưởng giải mã về cuộc đời của Harper Lee.  Ông đã  viết cuốn sách Mockingbird-chân dung của Harper Lee (Mockingbird: a portrait of Harper Lee) sau khi phỏng vấn 600 người quen biết Lee và người bạn thân của bà thời thơ ấu là nhà văn Truman Capote. Không những thế ông còn tìm hiểu trường học, nơi ở và chỗ làm việc để có thể hiểu và “định nghĩa” về Harper Lee. Cuốn sách này đã trở thành chiếc cầu nối giữa các thế hệ độc giả hiểu rõ hơn về con người và sự nghiệp của Harper Lee. Tuy nhiên, đến giờ nguyên nhân nào đã khiến bà không viết cuốn tiểu thuyết thứ hai vẫn còn là một bí mật. Có thể đối với Harper Lee Giết con chim nhại là một món quà quá đủ mà Chúa đã ban tặng bởi giấc mơ trở thành “ Jane Austin” (một trong những nhà văn có ảnh hưởng và được trọng vọng nhất trên văn đàn nước Anh) của Alabama mà Harper Lee luôn  mong ước đã trở thành hiện thực.

Kim Anh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.