Hoạt náo viên ở Mỹ

10/09/2009 09:24 GMT+7

(TNTT>) Các nữ hoạt náo viên trước đây ăn mặc rất kín đáo nhưng càng về sau, chiếc váy của họ càng ngắn và đến giờ thì nó không thể ngắn hơn.

Bạn nghĩ gì về các hoạt náo viên (Cheerleaders), những người tham gia trò cổ động này? Một lũ trẻ con hiếu động, những kẻ tầm phào hay một trò chơi ngớ ngẩn? Khoan trả lời mà hãy tìm hiểu về nó trước khi đưa kết luận. Nếu đây là một thứ vô bố thì người Mỹ vốn thực dụng đã vứt nó khỏi đời sống từ lâu lắm rồi.

Lịch sử của “Cheerleaders”

Chỉ riêng cái tên “Cheer leaders”, tức hoạt náo viên (HNV) đã nói lên lịch sử và bản chất của nó, chính xác thì HNV bắt đầu từ tình yêu môn bóng bầu dục. Năm 1898, một sinh viên trường đại học Minnesota tên là Johnny Campbell đã tập hợp 5 người bạn khác lập nhóm HNV đầu tiên. Nhiệm vụ của họ không chỉ là bắt nhịp hò hét trong trận mà còn khuấy động bầu không khí trước trận đấu. Nhóm Campbell đã trở nên nổi tiếng và các trận đấu của đội bóng bầu dục trường Minnesota luôn đông CĐV theo dõi. Bởi người hâm mộ không chỉ muốn được xem trận đấu bóng mà còn muốn xem những màn biểu diễn nhào lộn bắt mắt của các HNV, được cổ vũ trong không khí phấn khích dưới sự chỉ đạo của những con người vui nhộn này.  Nhưng các trường đại học khác không để Minnesota độc quyền sử dụng HNV trong các trận đấu. Sau nhóm của Campbell, nhiều nhóm HNV được thành lập và phát triển khắp nước Mỹ.

 
Campbell, người đầu tiên thành lập đội hoạt náo viên

Nhưng có một điều mà “ông tổ” của HNV, Campbell không thể nghĩ đến khi dựng nhóm là sau này, trò chơi của ông rơi vào cảnh âm thịnh dương suy. Trong 25 năm đầu, HNV chỉ là lĩnh vực dành cho phái nam và phải mãi đến năm 1923, mới có những nữ HNV đầu tiên. Và đến giờ, kết quả thống kê cho biết 97% các HNV là phái đẹp. Đặc điểm chung của các HNV là khỏe khoắn, xinh tươi và tràn đầy sức sống. Riêng tại Mỹ, có 1,5 triệu người tham gia trò này nhưng tất nhiên chỉ vài phần trăm trong số đó là các HNV xuất sắc. Nhưng dù sao, con số 1,5 triệu đó là niềm mơ ước cho tất cả các bộ môn thể thao trên thế giới.

Tổng thống cũng làm hoạt náo viên

Với tính cách sôi động, mang đậm chất tập thể, HNV từng là mốt thời thượng của các học sinh, sinh viên Mỹ. Hầu như các trường đại học Mỹ đều có nhiều đội HNV và họ không chỉ xuất hiện trong các sự kiện thể thao mà còn tranh tài với nhau trong giải vô địch toàn bang hay toàn quốc. Nhiều trường đại học tập trung đầu tư cho đội HNV còn nhiều hơn cho các hoạt động thể thao khác bởi họ coi đó là công cụ tốt để quảng bá tên tuổi trường.

Cựu tổng thống George W. Bush từng làm hoạt náo viên khi còn đi học

Nhiều tổng thống Mỹ đã từng là HNV khi còn là sinh viên. Đó là Roosevelt, Eisenhower, Ronald Reagan và gần đây có George W. Bush. Các tổng thống Mỹ khi tranh cử thường rất tự hào khi khoe họ là HNV thời sinh viên bởi điều đó sẽ tạo ấn tượng tốt với cử tri và thôi thúc các cử tri rằng nên bỏ phiếu cho một người nhiệt tình với công việc chung, bền bỉ, khỏe mạnh và có khả năng thu hút, lôi kéo đám đông.

Hoạt náo viên thời hiện đại

Nếu xem lại hình ảnh các HNV những năm đầu thập niên 30 và so sánh các HNV hiện đại, có thể thấy rằng thời gian đã làm thay đổi mọi thứ. Các nữ HNV trước đây ăn mặc rất kín đáo nhưng càng về sau, chiếc váy của họ càng ngắn và đến giờ thì nó không thể ngắn hơn. Dĩ nhiên, các HNV hiện đại gợi cảm hơn, nóng bỏng hơn và thu hút sự quan tâm nhiều hơn. Mỗi động tác giơ cao chân của họ sẽ có cả nghìn cặp mắt chăm chú theo dõi. Các sân bóng rổ Mỹ thường đông nghẹt cũng dễ hiểu bởi bộ môn này, các VĐV ghi điểm liên tục mà mỗi lần điểm được ghi thì các HNV xinh đẹp chân dài, váy ngắn lại phải thực hiện động tác tung chân cao quen thuộc.

Các HNV hiện đại cũng không còn sống dựa vào các sự kiện thể thao mà còn xuất hiện trong các sự kiện giải trí xã hội khác. Một lễ kỷ niệm hay một lễ khai trương sẽ trở nên sang trọng và náo nhiệt hơn với sự xuất hiện của các HNV. Nhiều HNV coi việc biểu diễn kiếm tiền như công việc nghiêm túc.

Người Mỹ đang từng bước biến trò chơi của HNV thành môn thể thao đỉnh cao. Tại Olympic Bắc Kinh, các HNV đã sang Trung Quốc quảng bá trò này. Theo dự kiến, tại Olympic 2012, các HNV sẽ tiếp tục xuất hiện và giới thiệu trò này như một môn thể thao biểu diễn. Đó là con đường ngắn để một ngày trong tương tai, trò cổ động sẽ thành môn tranh tài tại Olympic.

Khổ luyện để thành hoạt náo viên

Ai cũng có thể làm HNV nhưng để trở thành một HNV giỏi, cần phải trải qua quá trình tập luyện nghiêm túc không kém vận động viên chuyên nghiệp và nhiều người coi trò này giống như thể dục dụng cụ nghiệp dư. Bản thân ông tổ, Campbell và đồng đội cũng phải khổ luyện rất nhiều. Các động tác cơ bản là nhảy, nhào lộn, cổ động… Ban đầu người tập luyện để thành HNV sẽ chỉ làm quen với các động tác cơ bản như giơ thẳng chân, giữ thăng bằng trên mặt đất... Khi đạt đến trình độ nhất định, họ sẽ tiếp tục các động tác khó như giữ thăng bằng khi đứng trên người khác, nhào lộn. Còn ở đẳng cấp cao, họ sẽ phải thực hiện các động tác khó như “Kick twist basket toss” (bay lên không và nằm theo phương ngang rồi quay người càng nhiều càng tốt) hay "Toe touch basket toss" (quăng người lên không, đá hai chân sang ngang - ảnh góc dưới, trái).

Và khi thực hiện các động tác khó như vậy, việc bị chấn thương có thể xảy ra. Để hạn chế bị chấn thương, USASF (Liên đoàn các HNV) đã phải cấm các HNV không được tung người quá cao và họ có luật hướng dẫn quy định độ khó của các động tác thích hợp cho mỗi lứa tuổi.

Hồ Khuê

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.