Lướt sao để không... mất ván?

03/08/2009 10:25 GMT+7

(TNTT>) Lịch sử 9 năm của thị trường chứng khoán Việt Nam cho thấy, nắm giữ lâu dài một mã chứng khoán dù tốt đến mấy cũng không thể đạt hiệu quả cao.

Thế nhưng, lướt sóng mà không có một định hướng cụ thể, quá dựa vào may rủi thì  bị mất “ván” như chơi, bao nhiêu vốn liếng bị nhấn chìm hết. Vậy lướt sóng cần chú ý điều gì?

Xác định xu hướng

Ở Việt Nam, có những lúc toàn bộ cổ phiếu (CP) cùng tăng hoặc cùng giảm giá, cho nên việc xác định xu hướng thị trường có lẽ là quan trọng nhất. Quy định không cho bán khống, cho nên lướt sóng phù hợp khi thị trường đi lên, và một số ít trường hợp khi thị trường đi ngang.

Khi thị trường xuống, tại một số thời điểm nó sẽ củng cố và phục hồi trong một số ngày. Lúc đó mua vào được chưa? Có những lúc, thị trường sẽ thắp lên cho bạn vài đốm sáng hy vọng rồi lại đi xuống tiếp. Thế khi nào thì thị trường đi lên? Đặt T là ngày khởi điểm thị trường có khối lượng giao dịch đột ngột tăng và chỉ số tăng, sang ngày T+4 (CP của ngày khởi điểm về tài khoản và được bán ra) mà thị trường vẫn đi lên thì  có thể khẳng định giai đoạn đi lên đã bắt đầu. 

Khi thị trường đi ngang, nếu xác định triển vọng trung hạn tốt, có thể mua vào lúc giá xuống thấp. Nếu bạn chưa kịp bán vào lúc T+4, có thể chờ đợi đợt tăng sau, hoặc bán đi CP cũ đã có trong tài khoản. Với triển vọng trung hạn tốt, việc luôn có CP trong tài khoản sẽ giúp bạn không bị bất ngờ khi thị trường đột ngột tăng mạnh.

Lựa chọn cổ phiếu

Chiến thuật trinh sát

Khi thị trường vừa chớm tăng giá sau những ngày giảm mạnh, có người đã vội mua vào nhiều, đôi khi gặp may thì thu được lợi nhuận cao, nhưng thường thì bị thiệt hại nếu thị trường tiếp tục đi xuống. Kinh nghiệm cho thấy là chỉ nên đưa một lượng tiền nhỏ đi trinh sát trước, rồi tăng dần lượng mua lên khi thị trường có dấu hiệu tốt hơn, đến khi xu hướng được xác định thì cũng là lúc 100% quân số được tung ra mặt trận.

Khi thị trường bắt đầu đi lên, có những CP tăng mãnh liệt, thường là CP blue-chips đang trong thời kỳ tăng trưởng tốt. Sau đó, sự đi lên sẽ lan dần qua các CP khác. Đến một lúc nào đó, sẽ đến thời kỳ của CP nhỏ, penny stocks, tăng giá để theo kịp thị trường. Theo dõi giai đoạn này sẽ giúp bạn lựa chọn được nhóm CP đúng.

Có những khi thị trường ở giai đoạn giằng co nhưng vẫn có những CP tăng giá mạnh mẽ. Làm sao nhận biết? Khi một CP có khối lượng giao dịch tăng lên nhiều so với trung bình của giai đoạn trước đó thì hãy để ý đến nó, vài ngày sau khối lượng vẫn tăng đều thì có thể mua vào. Bởi lẽ, thường có một số người tiếp cận được thông tin sớm hơn nên họ mua vào trước. Đến ngày giá của CP này tiến về giá trần với khối lượng lớn thì không nên chần chừ nữa mà hãy đặt mua. Có thể ngay sau đó, tin tốt sẽ được tung ra và giai đoạn tăng giá mạnh bắt đầu.

Chốt lời và cắt lỗ

Chốt lời: Khi thị trường đi lên, sẽ có thời điểm lượng bán ra nhiều hơn mua vào, hiện tượng này gọi là phân phối (PP). Ngày PP đầu tiên bắt đầu khi chỉ số đóng cửa thấp hơn ngày hôm trước, nhưng với khối lượng giao dịch cao hơn. Sau ngày PP đầu tiên, thị trường có thể đi lên trong vài ngày, sau đó bước vào ngày PP thứ hai với khối lượng tăng lên. Sau ngày PP thứ hai, nên chú ý và bán ra theo thị trường. Đến ngày PP thứ ba, có lẽ tốt nhất là bán đi hết số CP mà bạn có.

Có một dấu hiệu khác để nhận biết quá trình PP gọi là biến động dừng, giao dịch đang tăng cao đột ngột chững lại. Nó không đi xuống mà chỉ tăng không đáng kể, kéo dài trong nhiều ngày. Nếu nhận định rằng thông tin hỗ trợ không còn thì nên bán ra.

Cắt lỗ: Khi xác định sai xu hướng hoặc sai cổ phiếu, bạn phải mạnh dạn cắt lỗ ngay. Bởi lẽ, nếu không cắt lỗ thì số tiền của bạn sẽ càng ngày càng hao hụt đi, và khi đó bạn không còn tiền để chờ cơ hội mới. Do vậy, nên đặt ra mức rủi ro có thể chịu đựng để dễ dàng hành động khi tình huống xấu xảy ra.

Trên đây là những điểm then chốt cho việc lướt sóng. Nói thì dễ, nhưng làm mới khó. Khó nhất là bạn phải hành động thật nhanh và quyết đoán.

(Bài viết có sự tham khảo từ Phương pháp đầu tư chứng khoán, tác giả William J. O’Neil, NXB Lao Động-Xã Hội).

Dương Minh Vũ
Thạc sĩ kinh tế

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.