Mickey Rourke - Từ võ đài đến màn bạc

21/06/2009 11:18 GMT+7

(TNTT>) Cuộc đời của Mickey Rourke gắn liền với võ đài và phim trường. Gương mặt “rằn ri” và hiếu chiến giúp ông hoàn thành tốt các vai từ phản diện đến… kinh dị. Thể lực bền bỉ cho phép ông trở thành võ sĩ quyền Anh thành công trên ring đài từ nghiệp dư đến chuyên nghiệp. Và ở tuổi 56, ông vừa có vai diễn để đời trong The Wresler, được đề cử Oscar, vai diễn về cuộc đời của 1 võ sĩ.

“Ðánh đấm” từ năm 12 tuổi

Rourke sinh tại Schenectady, New York trong gia đình mang 2 dòng máu Pháp- Ailen. Tuổi thơ Mickey thăng trầm, mới 6 tuổi, cha, một lực sĩ thể hình, rời bỏ mái ấm. Bà mẹ Ann đi bước nữa với một cảnh sát ở Miami. Vì thế, Rourke phải chuyển cuộc sống đến miền Nam Florida.

Suốt tuổi teen, Rourke xem thể thao là đam mê số 1. Ông tập võ để tự vệ như bản năng sinh tồn trong giai đoạn gian khó. Nghe lời bè bạn, Rourke tiếp cận  quyền Anh và may mắn được đến  phòng tập Ðường số 5, nơi năm xưa  huyền thoại Muhammad Ali khởi nghiệp.

Năm 12 tuổi, Rourke lên võ đài nghiệp dư dưới cái tên Andre Rourke. Từ năm 1964 đến 1972, ông hoàn thành sự nghiệp quyền Anh nghiệp dư với thành tích đáng nhớ: thắng 20 trận, hạ K.O đối thủ 17 trận và 6 lần thất bại. Ðáng lưu ý là có đến 7 trận, ông được HLV Freddie Roach chỉ đạo. Roach là HLV đã dẫn dắt 22 nhà VÐTG, trong đó có De La Hoya, Pacquiao lẫn Wladimir Klischko.

Mới đây, trong vai trò là HLV của Pacquiao, Roach đã giúp học trò “mới”  hạ người  “cũ” De La Hoya tại  MGM Grand (ngày 6-12-2008) và bỏ túi 1 triệu USD.

Khởi nghiệp diễn xuất với 400 USD đi vay 

Trong thời gian giã từ sàn đấu, nghe lời bạn bè ở ÐH Miami, Rourke đi thử vai trong phim Deathwatch nhờ 1 diễn viên bỏ vai giờ chót. Dù chỉ là vai nhỏ nhưng quan trọng là Rourke cảm nhận được sự thích thú và khả năng của mình. Ông mượn bà chị 400 USD rồi  đến New York tham gia khóa học diễn xuất…

Sau đó, Rourke tham gia vào năm 1941, bộ phim  của Steven Spielberg. Vẫn là vai diễn nhỏ nhưng giúp Rourke học hỏi nhiều từ đạo diễn lừng danh này.

Ðầu thập niên 1980, ông tham gia nhiều phim truyền hình ít tiếng tăm và mãi đến The Pope of Greenwich Village (diễn xuất cùng Daryl Hannah và Eric Roberts), Rourke mới được chú ý, dù đây là phim điện ảnh không mấy thành công.

Giữa những năm 1980, Rourke đã có thể “sống” bằng nghiệp diễn khi được vào những vai chính. Trong 9½ Weeks, cảnh ân ái giữa ông và Kim Basinger đã đưa Rourke trở thành  "biểu tượng tình dục". Liền sau đó, ông được đánh giá rất cao  trong Barfly (vai nhà văn nghiện rượu  Henry Chinaski) và Year of the Dragon. Năm 1987, Rourke xuất hiện trong Angel Heart, bộ phim đoạt vài giải thưởng uy tín.

Những tác phẩm trên đã giúp công chúng (đặc biệt các khán giả Pháp) đến gần và yêu mến ông hơn. Họ nhìn nhận Rourke là “con người nổi loạn, sần sùi mà rất đáng yêu”.

Là người có quá khứ nhạy cảm, dễ bị kích động, Rourke thuộc dạng diễn viên cá tính, khó hợp tác, như đạo diễn Alan Parker thừa nhận "Làm việc với Mickey là ác mộng. Anh ta quá nguy hiểm ở phim trường bởi chẳng tài nào đoán được Mickey sắp làm gì”.

Không thua nhưng vẫn là thất bại

Năm 1991, Rourke quyết định trở lại quyền Anh (nhưng là ở đẳng cấp chuyên nghiệp) bởi  "…với vai trò diễn viên, chẳng ai kính trọng tôi".

 Thành tích của ông  thật đáng nể: đấu 8 trận, thắng 6 (4 trận thắng K.O), hòa 2. Ông du đấu không chỉ ở Mỹ mà còn sang Tây ban Nha, Ðức và Nhật Bản. Nhưng cái giá phải trả là quá đắt: gãy mũi, nát xương gò má, các ngón tay mất cảm giác, tét lưỡi và có thời gian, ông bị mất trí. Các chuyên gia quyền Anh  khuyên ông nên giải nghệ bởi ở cái tuổi 40, ông khó phát triển lên cao hơn nữa. Trước khi giã từ ring đài vào năm 1995, Rourke cho biết: “Tôi trở lại sàn đấu là để kiểm tra thể lực của mình. Thế là đủ rồi”.

Thê thảm hơn, khi giải nghệ, ông phải đi giải phẫu thẩm mỹ để “chắp vá” lại  chấn thương vùng mặt. Về sau, Mickey thừa nhận: “Tôi đã sai! Cuộc phẫu thuật tạo hình khiến gương mặt của tôi từ đó trở thành cái thùng rác”. Ðấu quyền Anh chuyên nghiệp, Rourke không thua nhưng là thất bại lớn.

Tuy nhiên khi trở lại điện ảnh, ông thật sự được nể trọng hơn rất nhiều. Bạn diễn về sau của ông toàn là những minh tinh: Bruce Willis, Sean Penn, Sylvester Stallone, Jean-Claude Van Damme, Johnny Depp, Brad Pitt… Năm 2008, Rourke hoàn  thành xuất sắc vai võ sĩ đô vật  Randy "The Ram" Robinson trong The Wresler, vai diễn giúp ông đoạt giải thưởng Sư Tử vàng (LH phim Venice), giải thưởng của Viện hàn lâm Anh (BAFTA), giải thưởng Quả cầu vàng và được đề cử Oscar. Ðể hóa thân vai này, Rourke đã thuê cựu đô vật VÐTG Afa the Wild Samoan huấn luyện riêng.

Tại lễ trao giải Oscar vừa qua, chính Sean Penn, khi lên nhận giải Nam diễn viên chính xuất sắc đã nói: “Mickey, chào mừng anh trở lại. Anh là tài năng lớn, một con người cống hiến trọn đời vì sự nghiệp điện ảnh thế giới”.

Hành hạ vợ - cưng chiều thú yêu

Rourke lập gia đình 2 lần và có tiếng là người chồng vũ phu. Tình yêu của ông có màu tím bầm hơn là màu hồng. Ông từng phải hầu tòa Miami Beach để điều trần về các hành vi ngược đãi vợ.

Suốt một thời gian dài, Rourke phải điều trị tâm lý. Nhưng đáng ngạc nhiên là sau thời gian đó, ông chuyển hóa yêu thương từ người sang thú: những con chó cưng. Ông cùng lúc nuôi 7 chú chihuahua.

Có lần, ông bỏ gần 6.000 USD để đưa con Loki yêu dấu của mình từ Anh đến phim trường Hollywood khi tham gia Stormbreaker. Ngày 18-2-2009, con Loki qua đời trong vòng tay ông ở tuổi… 18.

Câu chuyện lạ lùng khác: Năm 2002, khi con Beau Jack hấp hối, ông hì hục mất đến 45 phút để hô hấp nhân tạo cho nó. Ông từng nói: “Tôi cám ơn những chú chó của mình. Nó luôn bên tôi và tôi không bao giờ cô độc. Tôi không đủ can đảm tự sát những lúc tuyệt vọng nhất vì khi ấy, ánh mắt chúng như muốn oán trách tôi: “Chủ nhân ra đi, ai sẽ chăm sóc, yêu thương chúng con như chủ nhân được?”.

Hiếu Dân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.