Nguyễn Thành Long buồn

14/01/2010 10:29 GMT+7

(TNTT>) Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, nhà văn Nguyễn Thành Long có đi thực tế nông thôn khu 4 và viết được một bút ký rất hay nhan đề “ Cái gốc".

Nhưng tác giả và bạn đọc ông cũng không ngờ, vì tác phẩm đó mà Nguyễn Thành Long bị một số người coi là “có vấn đề”. Thực ra, “vấn đề” nếu có, chỉ ở chỗ nhà văn quê Bình Định này quá thông cảm với người nông dân không chỉ một nắng hai sương “đi cày dưới…bom” mà còn vét hết số lương thực ít ỏi mình làm ra đóng góp cho tiền tuyến. “Cái gốc” đây chính là ở cái “ Dân vi bản” mà các cụ từ ngày xưa vẫn bàn và vẫn nghĩ.

Nguyễn Thành Long sau đó rất buồn. Và khi nhà văn buồn, có khi văn học lại được hưởng lợi! Vì vào năm 1970-1972 gì đó, nhân chuyến đi thực tế lên một vùng hồi đó là rất lặng lẽ rừng núi mà Nguyễn Thành Long viết được truyện ngắn trứ danh “Lặng lẽ Sa Pa”. Phải bây giờ, người ta đi Sa Pa du lịch như trẩy hội, thì nếu nhà văn tuổi trẻ tài cao nào muốn viết một truyện ngắn đẫm chất “thiền” như “Lặng lẽ Sa Pa” chắc cũng phải…bótay.com. Vì Sa Pa bây giờ đâu còn lặng lẽ nữa. Nhưng hồi chiến tranh với Mỹ, Sa Pa thực sự lặng lẽ. Nguyễn Thành Long lại chọn nhân vật chính là một nhân viên khí tượng quanh năm ở lưng chừng núi non để viết, thì cái sự lặng lẽ còn được nhân lên rất nhiều lần. Và, theo tôi, Nguyễn Thành Long thành công ở truyện ngắn này, ngoài chuyện ông là một văn tài, còn vì ông là người rất lặng lẽ. Nhất là sau khi bị đào bới “ Cái gốc”, Nguyễn Thành Long càng lặng lẽ hơn.

Mãi những năm đầu thập niên 80 của thế kỷ trước, tôi mới được quen Nguyễn Thành Long. Tôi đặc biệt quý ông vì ông chân tình và luôn coi văn học là “Ngôi đền thiêng”. Bây giờ đang mốt “Giải thiêng” nên cứ coi cái gì, nói cái gì “thiêng” là lập tức bị các “Derrida-ist” phản bác rất ầm ĩ. Nhưng tôi cũng học được ở Nguyễn Thành Long để luôn coi văn học, nhất là thơ ca, là “Ngôi đền thiêng” chứ không phải cái chợ để ai muốn xả rác thì xả!      Những lần chuyện trò bên mâm rượu nghèo hay suất cà phê sáng, nghe Nguyễn Thành Long tâm sự, tôi càng thấy văn quả thật vận vào người. Sau giải phóng, khi có dịp về Quảng Ngãi quê tôi và ra tận đảo Lý Sơn, Nguyễn Thành Long đã viết được một truyện vừa đặc sắc “Lý Sơn mùa tỏi”. Đó là nhà văn Việt nổi tiếng đầu tiên viết về đảo Lý Sơn, và Nguyễn Thành Long xứng đáng để người ta khắc một tấm bia kỷ niệm trên hòn đảo núi lửa cũ và nổi tiếng về sản phẩm tỏi này. Nay thì tỏi Lý Sơn đã là một thương hiệu quốc gia, nhưng người có công quảng bá sản phẩm này đầu tiên, mà quảng bá cực hay, chính là nhà văn Nguyễn Thành Long. Tôi không hiểu tỉnh Quảng Ngãi có biết điều này không? “Cái gốc” của nhà văn là các nhân vật của họ, nghĩa là những con người. Nhưng, cùng với nhân vật, nhà văn còn vinh danh được những gì mà con người tạo ra, những sản phẩm tuyệt vời của lao động con người. Tất cả đều là từ “Cái gốc”. Cái gốc đó - là Nhân Dân.

Thanh Thảo

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.