Nhạc cổ điển chinh phục châu Á

03/06/2009 09:19 GMT+7

(TNTT>) Vương miện của thế giới âm nhạc cổ điển Tây phương đang thực sự nghiêng trôi về phía Châu Á. Sự chuyển dịch có thật của thập niên đầu tiên của thiên niên kỷ mới. Lịch lưu diễn thường kỳ trong năm của những nhạc trưởng đương đại thế giới như Kurt Masur hay Edo de Waart đã kín nhưng họ vẫn chưa thực sự an tâm gấp lại sổ tay.

Tháng 8 tại Singapore, tháng 9 ở Malaysia, ba tháng cuối năm ở Bắc Kinh, Thượng Hải rồi Jarkata, Bangkok. Nhưng còn năm tới? Không tính toán mọi thứ để lên chương trình trước được thì xem như tour lưu diễn kinh điển của những dàn nhạc giao hưởng Đức hay Hà Lan các ông điều hành sẽ chỉ còn thuần là những buổi diễn tập. Không khí cảm thụ, đại thính phòng hoành tráng và nhất là những ngôi sao nhạc công tài năng hiện đại, tất cả đang nằm ở các nước xích đạo châu Á. Thế giới đang thực sự có cuộc chuyển dịch quyền lực nhạc cổ điển.

Khi Sir Georg Solti, cây đũa vàng điều khiển giàn giao hưởng Anh, London Philharmonic, kết thúc tour lưu diễn năm 2002 bằng câu tuyên bố "tương lai nhạc cổ điển sẽ là ở Châu Á chứ không đâu khác" thật sự ông không khen lấy lệ. m nhạc cổ điển - loại hình nghệ thuật vốn xuất phát từ Châu u và thường được cho là bị thống trị bởi những gương mặt "tóc vàng, mắt xanh", giờ đây đang đón chào một thế hệ nhạc công mới, những nghệ sĩ đến từ các quốc gia Châu Á. Trong những phòng hòa nhạc sang trọng bậc nhất, những nhạc viện uy tín hàng đầu, những nhà hát nổi tiếng toàn cầu... tại các trung tâm âm nhạc cổ điển của thế giới như Mỹ, Đức, Anh..., đâu đâu người ta cũng có thể thấy những gương mặt da vàng tóc đen say sưa tập luyện và biểu diễn. Dường như tất cả đang chảy  thành một xu thế diễn tấu nhạc bác học mới. Những vùng đất nóng ẩm xích đạo này đang chuyển mình song hành với bùng nổ kinh tế là mức sống nâng cao với tầng lớp trung lưu chiếm lĩnh. Thiên thời đã giúp dòng nhạc giao hưởng trụ chân vững ở vùng đất của nhiều con rồng.

Hai mươi năm trước những kiệt tác của Schuman, Brahms cho đến Rubinstein hiếm hoi lắm mới được trình diễn tại Nhật. Còn bây giờ các dàn giao hưởng số một thế giới luôn xuất hiện tại những đại thính phòng hoành tráng hàng đầu ở gần 10 nước châu Á quanh vành đai xứ sở Anh đào. Thập niên trước các thành phố lớn ở đây khi xây dựng đều có phi trường và thánh đường, nay thứ không thể thiếu là những thính phòng hòa nhạc. Đại sảnh liên hợp Esplanade của Singapore đã chiếm giữ danh hiệu thiết kế thính âm hoàn hảo nhất thế giới vài năm nay. Tiền dầu lửa của Malaysia đổ vào đại thính phòng Malaysian Philharmonie Orchestra ngay dưới chân tháp đôi Petronas. Thượng hải, Bắc Kinh, Quảng Châu với 3 nhà hát nhạc kịch cùng cạnh tranh. Jarkata khai trương Nusawtara 1.500 chỗ. Bangkok để hẳn tầng 6 một siêu siêu thị cho tiếng nhạc cổ điển. Đảo Kowloon ở Hồng Kông dành 40 ha đón các dàn giao hưởng uy tín nhất thế giới hàng năm. 

Nhưng tất cả những địa lợi ấy cũng chẳng tạo nên chuyển biến lớn nếu châu Á thiếu yếu tố con người. Các tên tuổi điều khiển giao hưởng lẫy lừng Tây u luôn lo họ sẽ để vuột mất các sao châu Á trong các chuyến lưu diễn của mình. Đó là những nghệ sĩ Đông Phương hiện nay như tay Cello Yo Yo Ma, hai giọng soprano Hàn Quốc Hei Kyung Hong và Sumi Jo, ngón vĩ cầm của Vanessa Mae (ảnh), loạt sao dương cầm như Đặng Thái Sơn của VN, Lang Lang và Jundi Li của Trung Quốc cùng tài sáng tác của những Chen Yi , Lan Shui. Tên tuổi các chỉ huy dàn nhạc người châu Á không chỉ được biết đến tại Châu u mà đã bắt đầu thành danh tại cả Mỹ như trường hợp của nhạc trưởng 33 tuổi Xian Zhang đã được mời làm trợ lý Nhạc trưởng tại Dàn nhạc Giao hưởng New York lừng danh...

Rồi sẽ có ngày diễn ra buổi giao ban cho sân chơi âm nhạc mới chăng? Nhạc trưởng Hà Lan, De Maart đã cau có trách mắng cách cầm vĩ kéo của một nhạc công đồng hương bằng câu "lười luyện tập!''. Đó cũng là một trong vài cách lý giải sự chuyển dịch quyền lực nghệ thuật từ u sang Á. Ở sự bền chí trau dồi kỹ năng bài bản theo một kỷ luật nghiêm ngặt 8 giờ một ngày, trẻ phương Tây đã hụt hơi hơn thiếu nhi châu Á. Các tài năng nhí châu Á gặp nhau ở một điểm, đều còn rất trẻ, thông minh, tràn trề đam mê, với một khả năng kỹ thuật tinh tế, sự biểu cảm tuyệt vời và nhất là khát vọng luôn được cạnh tranh công bằng với người phương Tây. Thế thượng phong kinh tế bùng nổ khiến Á đông mở tay đón nhận văn hóa âm nhạc Châu u một cách nhiệt thành. Vương miện nhạc cổ điển đang được trao tay. Đó là một hiện tượng xã hội, có thể nhất thời, nhưng cũng phản ánh phần nào rõ nét sự chuyển biến mới trong đời sống văn hóa thế giới. Điều tốt là châu báu của kho tàng đã được phân phát ra thêm cho nhiều người.

La Nghi (theo Paris Match)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.