Tình yêu của Đại văn hào Victor Hugo

20/08/2009 10:18 GMT+7

Nhà văn vĩ đại nhất thế kỷ 19 (TNTT>) Victor Hugo (26-2-1802 –22-5-1885) là nhà văn, nhà thơ, nhà viết kịch vĩ đại của nước Pháp, cánh chim đầu đàn trào lưu lãng mạn của nền văn học Pháp.

Trong hơn 60 năm cầm bút sáng tác, ông đã viết nên 45 tác phẩm với nhiều thể loại, trong đó có hai cuốn tiểu thuyết luôn có trong danh sách những tác phẩm văn học vĩ đại nhất mọi thời đại là  Những người khốn khổ (Les Misérables) và Nhà thờ Đức bà Paris (Notre Dame de Paris).

Victor Hugo có khả năng sáng tác và tư duy của một thiên tài, mỗi ngày ông có thể làm 100 câu thơ hay viết 20 trang tiểu thuyết. Những  tác phẩm của ông như biên niên sử phản ánh trung thực những bước chuyển mình vĩ đại của nước Pháp, phong cách viết của ông có ảnh hưởng sâu sắc đến nền văn học thế giới.  

Mối tình đầu

Victor Hugo còn được biết đến với biệt danh “Don Juan của nước Pháp”, ông là người rất đa tình và cuộc sống tình cảm có phần phóng túng. Đối với nhà văn này, ngoài tài năng thiên bẩm, đàn bà và tình dục là một chất xúc tác không thể thiếu để ông sáng tạo ra những kiệt tác văn học. Danh sách những người tình của Victor Hugo kéo dài dằng dặc, thậm chí ông còn đi lại với những cô gái “bán hoa”, đó cũng là cách Hugo phản ứng lại với thói đạo đức giả của giới quý tộc. Ông từng nói: “Họ cũng có trái tim và tâm hồn như bao người khác, nhưng họ còn thẳng thắn và ngay thật trong khi các quý bà, quý cô lại đoan trang kiểu cách và trịch thượng”. Nhưng có lẽ, cả đời nhà văn sẽ mãi mãi không bao giờ quên được hai người đàn bà, đầu tiên là người vợ yêu của ông Adèle Foucher, và thứ hai là người tình trọn đời của ông Juliette Drouet 

Cuộc sống lãng mạn, phong tình của Hugo bắt đầu từ rất sớm. Khi còn là một chàng trai 17 tuổi, cậu đem lòng yêu cô bé hàng xóm Adèle Foucher.  Dù vấp phải sự phản đối quyết liệt của cả hai bên gia đình, nhưng với ý chí sắt đá, nhà văn trẻ đã vượt qua mọi thử thách và cưới được người con gái mình yêu tha thiết làm vợ.

Nhưng trớ trêu thay, những năm tháng chung sống về sau của Victor Hugo và Adèle lại không trải qua êm đềm. Vì tức giận với bản tính đa tình của chồng, Adele đã ngoại tình với bạn thân của Hugo - nhà phê bình Sainte-Beuve. Khi biết được tin này, Victor Hugo như rơi xuống vực thẳm, người đàn bà mà ông  hằng tôn sùng, người mẹ của 5 đứa con ông, giờ đây chỉ vì một phút ghen tuông đã phản bội lại ông… Hugo lạnh nhạt dần với Adèle. Tình yêu của nhà văn đã nguội lạnh, nhưng vì danh dự gia đình và lòng tự trọng bản thân, Hugo không ly dị vợ.

Và Juliette đến...

Trong khoảng thời gian không yên ấm với vợ, Victor Hugo đã gặp được  Juliette Drouet- người phụ nữ mà sau này xuất hiện trong hầu hết các trang tiểu sử của Hugo.

Juliette mồ côi cha mẹ từ khi còn nhỏ.Là diễn viên, kiêm người mẫu tranh cho các họa sĩ, Juliette sống “tầm gửi” dưới sự bảo trợ của giới quý tộc. Nhưng cuộc gặp gỡ với Victor Hugo đã thay đổi cuộc đời cô. Juliette gắn bó suốt 50 năm trời với nhà văn với tư cách một người tình không cần danh phận, một phụ tá không cần trả lương. Cô coi Victor Hugo là hiện thân của trí tuệ, là vị thiên sứ cứu vớt cuộc đời bất hạnh cô.  Trong suốt thời gian gần hai mươi năm trời Hugo phải sống lưu vong ở hải ngoại, từ nước Bỉ xa xôi cho đến hòn đảo Jersey chơi vơi giữa biển, Juliette vẫn sát cánh đồng cam cộng khổ với ông.

Đã có biết bao nhiều người đàn bà quý tộc đi qua cuộc  đời của Victor Hugo, nhưng rốt cuộc người mà ông yêu nhất, gắn bó trọn đời lại là một người con gái xuất thân hèn kém. Tình yêu của hai người là bất diệt , vượt qua mọi định kiến cổ hủ thời bấy giờ, là tình yêu không vụ lợi toan tính, không phân biệt tầng lớp địa vị.

Mùa đông năm 1883, Julliete Drouet mất sau cơn bạo bệnh. Đối với Victor Hugo thì có lẽ mùa đông năm ấy là  lạnh lẽo nhất trong cuộc đời của ông, ông buồn đến mức không đủ dũng khí đưa linh cữu người tình đến nơi an nghỉ cuối cùng. Trên mộ Juliette ngày ấy có khắc hai câu thơ của chính nàng làm lúc cuối đời “Thế giới hưởng được tư tưởng của chàng. Còn tôi được tình yêu của chàng”.

Năm 1885 khi Victor Hugo qua đời, nước Pháp đã tổ chức quốc tang cho ông. Thi hài của đại văn hào được đặt tại điện Panthéon - nơi an nghỉ của các vĩ nhân.

Hoàng Trung

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.