Khoái "đù" tên thật là Đoàn Văn Tô, sinh ra và lớn lên ở Huế. Tham gia biệt động, lập nhiều chiến công, trở thành cán bộ Nhà nước, cuộc đời sẽ trở nên êm đềm với Khoái nếu không có cái ngày anh ra tay nghĩa hiệp, nhận tội thay cho bạn để rồi phải ngụp lặn trong bóng tối suốt nửa đời người...
Anh biệt động thành lãng mạn
Thừa Thiên-Huế cuối những năm 50 của thế kỷ trước thuộc vùng Mỹ-ngụy chiếm đóng, nơi sự giằng co từng tấc đất giữa ta và địch diễn ra vô cùng khốc liệt... Tô là con thứ hai trong một gia đình có 9 người đi theo cách mạng. Chính gia đình Tô cũng là một cơ sở che dưỡng bộ đội giải phóng. Hằng ngày, ngoài công việc chăn trâu cắt cỏ, Tô còn được ba giao cho một nhiệm vụ đặc biệt: tiếp tế cơm nước cho các chú bộ đội ẩn náu dưới hầm bí mật sau vườn. Suốt ngày nô đùa, hiếu động, Tô được các chú đặt cho biệt danh là Khoái. Cái tên này được Tô lấy làm tên khai sinh, theo cậu suốt những tháng ngày sau đó.
Và Khoái tham gia cách mạng. Năm đó là 1962, Khoái vừa tròn 12 tuổi. Thời gian đầu, Khoái làm giao liên cơ sở. Các chú bộ đội "tàu không số" thấy Khoái năng nổ, thông minh nên quyết định dạy võ cho cậu. Lúc này, Khoái chính thức vào biệt động thành, thuộc đơn vị C125 Quân khu Trị Thiên. Dáng người nhỏ bé, cao chưa tới mét rưỡi nhưng Khoái được cấp trên tin tưởng giao cho hoạt động trên một địa bàn khá rộng, từ đèo Lăng Cô (Huế) ra đến Đông Hà (Quảng Trị). Xuất quỷ nhập thần, lúc nội thành, khi ngoại thành, cái danh Đoàn Khoái nghe như tiếng cọp gầm bên tai khiến lính Mỹ cực kỳ khiếp đảm.
Năm 14 tuổi, Khoái lập chiến công đầu tiên đánh chìm tàu chiến địch trên sông Cô Lâu (thuộc huyện Phong Điền, Thừa Thiên-Huế). Nghe như huyền thoại nhưng đối với Khoái và anh em trong đội biệt động thì chuyện đó... dễ hơn trở lòng bàn tay: gắn mìn theo hình tam giác vào bèo Tây, thả dập dềnh trên sông trôi ngược với hướng di chuyển của tàu địch chạy từ phá Tam Giang xuống; khi tàu chạm vào bèo, bấm nút khai hỏa. Rất gọn ghẽ! Không để lại một chút dấu vết. Địch đau đầu và điên cuồng nhưng chẳng mảy may làm gì được. Sau này, Khoái và đồng đội còn thực hiện hàng chục vụ như vậy.
Hai năm trời ròng rã chiến đấu ngoài trận địa chỉ biết đến bom đạn, chết chóc nhưng rung động đầu đời đến với Khoái lại... khá sớm, năm Khoái mới chỉ 16 tuổi. Đó là lần đơn vị Khoái đi đánh đồn La Vang (huyện Cồn Thủy, Thừa Thiên-Huế). Đánh ròng rã cả ngày trời tiêu diệt không còn một mống địch. Trên đường trở về đơn vị, đi ngang qua Khe Đồng, anh gặp một thiếu nữ "đẹp đến không tả nổi"; cô gái bị sốt rất cao nằm gục bên lạch suối. Khoái chạy đến, xốc cô gái dậy và cho uống hai viên thuốc ký ninh. Chờ cho cô gái tỉnh dậy, Khoái nhường cô khẩu phần ăn của mình. Thiếu nữ đó tên Trần Thị Hoa, du kích kiêm giao liên Quân khu Trị Thiên. Hoa bị thương trong khi đánh lạc hướng quân thù truy quét bộ đội giải phóng. Rung động trước vẻ đẹp và việc làm dũng cảm của Hoa, trong phút xuất thần Khoái đã tự sáng tác bài thơ. "Tôi là người chiến sĩ giải phóng quân/Vượt núi, băng sông, xuyên rừng lội suối/Còn trẻ lắm năm nay 16 tuổi trăng tròn/Hò hẹn biết bao xuân/Có những ngày thiếu áo hành quân, thiếu từng viên thuốc đắng/Có những ngày tôi đi trong nắng, chân không giày, đầu đội cả trời mây/Nhưng quân thù giày xéo cỏ cây/Họng súng của tôi ngắm vào từng tên Mỹ, ngụy/Để cho quê hương tôi bớt từng dòng nước mắt/Để cho nụ cười em bé nở trên môi/Để cho lúa vàng Đồng Tháp Mười/Mẹ ơi! Đó là những điều con mong ước". Đọc xong, Hoa chỉ tủm tỉm cười. Sau này, hai người có lên quân khu tìm nhau nhưng không gặp. Được một thời gian thì Hoa hy sinh trong khi đi liên lạc. Bị bao vây, Hoa đã đốt hết tài liệu rồi chống trả quyết liệt đến hơi thở cuối cùng. Bên xác o Hoa, người ta tìm thấy cuốn sổ nhỏ, trong đó có ghi những dòng thơ của Khoái. Người dân nơi đây cảm mến sự anh dũng hy sinh của nữ du kích nên dựng chòi tưởng niệm mang tên O Hoa, nay vẫn còn ở H.Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên-Huế. Và bài thơ Khoái viết, được phát trên Đài phát thanh Giải phóng năm đó...
Hoạt động đến Mậu Thân 1968 thì Khoái bị thương và được chữa trị tại Huế. Lành vết thương, Khoái xung phong ra mặt trận chiến đấu nhưng cấp trên cử anh ra Bắc đi học. Năm 1974, Khoái tốt nghiệp ĐH Bách khoa Hà Nội.
Nhận tội thay bạn
Học xong, Khoái được phân công công tác tại Công ty lắp máy Hà Nội, trực tiếp làm việc ở công trường lắp máy đóng trên đường Hoàng Hoa Thám. Tưởng chừng một cuộc sống êm đềm, hạnh phúc sẽ đến như những gì Khoái mong ước nhưng bất ngờ, một "ngã rẽ" hoàn toàn trái ngược đã đẩy cuộc đời Khoái trượt dài theo những tháng ngày lạc lối...
Sau thời gian tham gia thi công công trình trên Thái Nguyên, Khoái được về Hà Nội nghỉ phép. Đêm đó, Khoái ngủ tại nhà người bạn thân tên Trần Quý. Trong tình cảnh túng quẫn của thời bao cấp thiếu đến cả miếng ăn, cũng trong đêm đó, Quý đã bồng bột lấy trộm của một người phụ nữ mấy ký gạo, gần chục tem phiếu đường và cái chăn bông để chuẩn bị cho cô vợ sinh con đầu lòng. Tinh mơ hôm sau, công an ập vào vây bắt, Khoái bảo với Quý: "Vợ mày sắp đẻ, mày còn phải chăm sóc cho nó, để tao nhận tội thay mày". Khoái nói với các anh công an rằng mình chính là thủ phạm của vụ trộm. Khi bị thẩm vấn và đứng trước tòa, người ta hỏi, Khoái chẳng biết là người bạn lấy trộm thứ gì nên cứ khai bừa rằng mình đã ẵm mấy chục cây vàng và chiếc xe máy. Khổ nỗi, thời buổi đó làm gì có ai giàu có tới mức như vậy, người phụ nữ mất trộm phủ nhận lời khai đó! Khoái bị kết án 6 tháng tù vì tội bao che, cộng thêm 6 tháng tù nữa do hành vi gây cản trở cho người làm nhiệm vụ. Ít người biết rằng, trước khi Khoái nhận tội thay bạn chỉ mấy ngày thôi, anh đã làm lễ ăn hỏi với cô gái tên Thái rất nết na, thùy mị ở cầu Gia Bảy (Thái Nguyên), thông gia hai họ cùng nhau dựng lán hát hò suốt 3 ngày 3 đêm... Cảm tấm lòng nghĩa hiệp nhận án thay bạn của Khoái, nhà văn Triệu Bôn đã viết nên tác phẩm Một phút và nửa đời người...
Cải tạo tốt, ra tù, Khoái xách ba lô quay lại cơ quan cũ. Nhưng sự đời đâu đơn giản như vậy, những định kiến nặng nề khiến mọi người xa lánh Khoái. Gã trai mới ra tù ngồi vào mâm cơm thì tất cả mọi người đứng dậy hết bỏ đi; đợi cho tới khi nào Khoái ăn xong mới quay lại. Cơ quan cũ kiên quyết không tiếp nhận một người có tiền án. Chán nản và uất ức, Khoái bỏ đi bụi...
Thời điểm này, từ các tỉnh phía Bắc trải dài vào tận miền Trung, khét tiếng trên giang hồ một cái danh mà mới chỉ nghe qua, đám anh chị đầu bò đầu bướu, đại ca có "số" khắp nơi cũng mười phần kiêng sợ: Khoái "đù" - cướp của tướng cướp...
Quang Duẩn - Mạnh Dương
Bình luận (0)