Giáo sư Trần Văn Giàu - người chủ một gia tài đặc biệt

25/08/2005 21:15 GMT+7

Có lần, một phóng viên đến phỏng vấn về chuyện gia đình Giáo sư (GS) Trần Văn Giàu, tỏ vẻ ái ngại vì GS không có con. GS Trần Văn Giàu nói: “Có con bằng giấy cũng được rồi”. Con bằng giấy là ý GS nói những cuốn sách, công trình nghiên cứu của ông. Thật sự, GS có một đàn con đông đúc và xuất sắc ít ai bì được.

Hàng vạn trang sách về nhiều lĩnh vực khoa học xã hội của GS được độc giả đón nhận với một sự trân trọng, một niềm tin cậy lớn vì GS Trần Văn Giàu có một nhân cách lỗi lạc, một khối óc quảng bác, lịch lãm. Văn hào Trần Bích San đã từng nói: "Nhân bất phong sương vị lão tài", nhưng không phải hoàn toàn như vậy. Sách của GS hấp dẫn người đọc còn là vì trong từng lĩnh vực GS có cách trình bày riêng phù hợp với từng vấn đề và từng đối tượng độc giả.

Các sách này được dùng làm tài liệu học tập cho sinh viên, cũng là những sách giới thiệu chủ nghĩa Mác - Lênin cho tất cả những ai muốn tìm hiểu. Các sách này, hồi ấy - thời kháng chiến chống Pháp và thời kỳ hòa bình mới lập lại - rất hiếm. Độc giả muốn đọc mà không có sách. Mấy tập sách của GS Trần văn Giàu in ra đáp ứng sự khát khao của độc giả, nhất là thanh niên. Những tập sách giới thiệu cặn kẽ những khái niệm, quan điểm căn bản chủ nghĩa Mác - Lênin, không phải bằng những danh từ trừu tượng, những lý luận kinh viện khó tiếp thu, mà bằng những lời lẽ giản dị, thiết thực như trò chuyện về những điều thông thường trong cuộc sống. Cũng xin được nói thêm: GS Trần Văn Giàu một thời đã là một diễn giả nổi tiếng hùng biện, ấy là vì cách nói cũng như cách viết của GS rất gần gũi với quần chúng, đầy sức thuyết phục.

Về một nhân vật mà cuộc đời tù ngục có lúc đã thành huyền thoại như GS Trần Văn Giàu, người ta dễ hình dung một con người "sắt đá vô cảm". Không đúng! GS sống rất tình cảm và cũng dễ xúc động, tất nhiên trong những trường hợp chính đáng. Tôi đã từng thấy GS rơi nước mắt khi một sinh viên cũ qua đời vì có bệnh đau tim mà vẫn lao vào công việc, hay khi gặp một thanh niên làm liên lạc và cùng ở tù với GS. Cũng vậy, những trang sử của GS Trần Văn Giàu đi vào con tim người đọc vì GS viết bằng cả trí tuệ và tình cảm.

Sáng 25/8, lễ mừng thọ 95 tuổi của nhà cách mạng lão thành, Giáo sư, Nhà giáo nhân dân, Anh hùng lao động Trần Văn Giàu đã diễn ra tại nhà riêng của ông ở TP.HCM. Tuy sinh vào ngày 6/9 nhưng lễ mừng thọ của Giáo sư Trần Văn Giàu đã được tổ chức vào đúng ngày kỷ niệm Sài Gòn giành được chính quyền từ tay phát-xít Nhật trong cuộc tổng khởi nghĩa năm 1945 (khi ấy Giáo sư Trần Văn Giàu là Bí thư Xứ ủy Nam kỳ). Nhiều giáo sư, viện sĩ, học giả từng là đồng đội, đồng nghiệp, thân hữu, học trò của Giáo sư Trần Văn Giàu như Giáo sư Hoàng Như Mai, học giả Trần Bạch Đằng, PGS-TS Trần Hữu Tá... đã đến chúc mừng ông. Ông Lê Thanh Hải, Chủ tịch UBND TP.HCM đã đến tặng hoa và thay mặt Thành ủy, UBND TP chúc mừng thượng thọ Giáo sư Trần Văn Giàu.

Tố Tâm

Một giáo sư sử học Trung Quốc có lần đến TP.HCM, ông tha thiết nhờ tôi dẫn đến thăm GS Trần Văn Giàu - người mà ông rất mến phục. Ông nói: "GS Trần là một học giả chân chính, ông đã xây dựng tình hòa hiếu giữa nhân dân các nước".

Tôi đặc biệt nhấn mạnh về giá trị của bộ sách Giai cấp công nhân Việt Nam  và hai công trình nghiên cứu tư tưởng Việt Nam: Sự phát triển của tư tưởng Việt Nam từ thế kỷ XIX đến Cách mạng tháng Tám và Giá trị tinh thần truyền thống của dân tộc Việt Nam. Hai bộ sách này mang đậm dấu ấn Trần Văn Giàu, phản ánh hai chặng đường tư tưởng của GS Trần Văn Giàu trong cuộc hành trình của nhân dân Việt Nam đấu tranh cho độc lập, thống nhất. Hai bộ sách có mối quan hệ "kế thừa và phát triển", bổ sung cho nhau.

Về luận điểm này luận điểm khác trong hai bộ sách có thể còn những ý kiến khác nhau, nhưng không ai có thể phủ nhận được rằng đây là kết quả của cả một cuộc đời "Tư duy - hành động - suy nghiệm" được tác giả giãi bày bằng những lời tâm huyết chân thành.

Trong một dịp bè bạn, học trò đến mừng thọ GS 80 tuổi, GS nói vui: "Tôi ráng sống đến năm 2001 để xem thế kỷ 21 thế nào".

Năm nay là năm 2005, GS 95 tuổi (ông sinh ngày 6/9/1911) đã chịu sức nặng của năm tháng, như bất cứ ai, đôi chân đã từng băng rừng, lội sình vượt ngục nay bước chậm chạp không còn mạnh mẽ nữa, bàn tay đã viết hàng vạn trang bản thảo với những dòng chữ đều đặn, rõ ràng, đẹp như chữ mẫu vở tập viết nay đã run run, nhưng tinh thần vẫn hào sảng, nói chuyện vẫn vui vẻ, trí nhớ vẫn minh mẫn, ai đến thăm cũng nhớ tên. GS sống thanh thản giữa một "đàn con giấy" quá đông đúc xếp chật cả các ngăn tủ.

Xin kính chúc GS sống lâu trăm tuổi và hơn thế nữa để thưởng ngoạn hành tinh ta ở thế kỷ 21.

Hoàng Như Mai

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.