Ẩn họa cầu treo

11/09/2015 10:35 GMT+7

Tỉnh Kon Tum hiện có hàng trăm cầu treo dân sinh đã hư hỏng, xuống cấp trầm trọng chưa được sửa chữa, trở thành mối họa đối với người dân hằng ngày đi lại sinh hoạt.

Tỉnh Kon Tum hiện có hàng trăm cầu treo dân sinh đã hư hỏng, xuống cấp trầm trọng chưa được sửa chữa, trở thành mối họa đối với người dân hằng ngày đi lại sinh hoạt.

Cầu treo Kon Nu bị đứt cáp -
Cầu treo Kon Nu bị đứt cáp - Ảnh: Phạm Anh
Mới đây, các ông A Mau, A Blưm, A Khoan và Phạm Công Nhuần (ở thôn Kon Nu, ở xã Đăk Tờ Re, huyện Kon Rẫy) dắt 7 con bò đi qua cầu treo tại địa phương thì cầu treo bị đứt. Hậu quả, 2 con bò bị chết, còn người thì rớt xuống sông bơi được vào bờ. Theo UBND huyện Kon Rẫy, cầu treo bị đứt là do quá xuống cấp.
Đó là một trong số những vụ tai nạn từ cầu treo quá xuống cấp xảy ra thời gian qua ở Kon Tum. Về xã Ngọc Linh, huyện Đăk Glei, nếu ai từng đi trên một vài cầu treo ở đây mà tim "không nhảy ra ngoài" mới lạ. Tại cầu treo bắc qua suối vào làng Kon Kuông, xã Ngọc Linh, chúng tôi chứng kiến người dân đi lại qua đây nhưng hai tay phải bám chặt vào dây buộc, cây cầu thì đung đưa như võng. Thử bước lên cầu này, thấy cầu quá rung rinh, chẳng ai trong chúng tôi dám cả gan bước qua bên kia đầu cầu.
Ông A Ngăn, thôn trưởng Kon Kuông bảo, đây là cây cầu do người dân tự làm với dây sắt được cuốn vào những cây to rồi níu vào những phiến đá hai bên suối, mặt cầu là những tấm ván cũ đã lõm xuống như chữ V. "Dù biết là mất an toàn nhưng đây là đường duy nhất của 60 hộ dân làng Kon Kuông sinh hoạt, làm ăn. Không đi qua cầu treo thì đi đâu", ông A Ngăn nói. Cũng theo ông A Ngăn, hộ nào có sắm xe máy thì đến đầu cầu cũng phải gửi lại, đi bộ về làng. "Khổ nhất là khi người dân trong làng bị đau, phải cáng xuống trạm y tế xã. Ai cũng sợ khi cáng qua cầu treo, không cẩn thận là cả người đau lẫn người khỏe rơi xuống suối”, ông A Ngăn ngao ngán.
Chủ tịch xã Ngọc Linh, ông A Hen cho hay, hiện xã có 8 cây cầu treo do người dân tự làm, vì vậy chính quyền lúc nào cũng nhắc nhở vào những lúc có mưa to, gió lớn không nên đi qua những cầu treo này. Thống kê của huyện Đăk Glei cho biết, địa phương có 75 cầu treo thì đã có 40 cây được cắm biển cảnh báo, đồng nghĩa với việc tất cả cầu treo này cần phá đi để xây dựng lại mới.
Theo thống kê (chưa đầy đủ), tỉnh Kon Tum hiện có 270 cầu treo, trong đó chỉ có 162 cầu đang an toàn trong việc đi lại, 108 cầu còn lại chưa đảm bảo an toàn. Hầu hết cầu treo chưa đảm bảo an toàn là do xây dựng đã lâu, nay xuống cấp, trong đó còn đang khai thác là 81 cầu. Tỉnh Kon Tum cũng vừa lắp đặt biển báo nguy hiểm ở 168 cầu treo. Theo Sở GTVT Kon Tum, địa phương nào trong tỉnh cũng còn khá nhiều những cây cầu treo do nhân dân tự làm không đảm bảo an toàn nhưng người dân vẫn hàng ngày đi qua, đối mặt với hiểm nguy. Dù biết được điều này nhưng do kinh phí hạn hẹp nên chưa thể sửa chữa, xây mới cầu treo cho dân đi lại. "Sở đã có báo cáo thực trạng cầu treo gửi lên Bộ GTVT nhưng Bộ chỉ mới đồng ý cho khảo sát xây mới 6 cầu ở 3 huyện Tu Mơ Rông, Đắk Tô và Kon Rẫy", một lãnh đạo ngành giao thông Kon Tum cho biết.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.