Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM cho biết nhằm cung cấp đến người dân một cách nhanh nhất các thông số quan trắc về chất lượng môi trường, cũng như mong muốn sự chung tay của cộng đồng trong công tác bảo vệ môi trường của TP, đơn vị đã kiến nghị với Sở Giao thông Vận tải được sử dụng 49 bảng thông tin điện tử do Trung tâm quản lý đường hầm sông Sài Gòn đầu tư, quản lý để phổ biến thông tin chất lượng môi trường đến người dân.
Do vậy, khi tham gia giao thông ở TP.HCM, không khó để người dân có thể đọc được các thông tin về chỉ số chất lượng môi trường. Vậy nhưng người dân TP có biết được ý nghĩa của các chỉ số này?
Người dân chỉ biết môi trường cách đó mấy tháng
Theo ghi nhận của Thanh Niên, ngày 2.3 bảng điện tử nằm ở đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa (Q.3), đoạn gần giao lộ Võ Thị Sáu hiển thị thông tin chỉ số về chất lượng không khí của tháng 12.2017. Cụ thể: CO (µg/m3) 9130, bụi tổng (µg/m) 270, NO2 (µg/m3) 57,8 màu xanh lá cây; tiếng ồn (DB) 70,8 - 73 màu đỏ.
|
tin liên quan
Nhiều người Sài Gòn cay mắt trong sương mù ngày hôm qua, vì sao?Tương tự, khi chúng tôi hỏi về những chỉ số chất lượng môi trường hiển thị, ông Nguyễn Chiến Minh (57 tuổi, bán hàng trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa) cười trừ: “Tui nói thiệt, người dân như tui chỉ quan tâm xem nơi mình đang ở trong thời điểm hiện tại có ô nhiễm hay không, có thì cần làm gì.
|
Trước đó, ngày 1.3, PV cũng ghi nhận ở bảng điện tử trước UBND quận 3 hiển thị chi chít kết quả quan trắc chất lượng môi trường khu vực quận 3 tháng 11.2017. Ở bảng này, các thông tin chỉ hiển thị màu đỏ nhưng ghi rõ những thông số "đạt" theo quy chuẩn Việt Nam trong tháng 11.2017 ở quận 3 gồm: CO, bụi PM10, NO2; còn thông số về bụi và tiếng ồn hiển thị “không đạt”.
Phạm Hoàng Kha (sinh viên năm 3 trường Đại học Mở TP.HCM) đang đứng chờ xe buýt gần đó khi được hỏi về những chỉ số chất lượng môi trường đang hiển thị thì lắc đầu chia sẻ: “Bảng thông tin quá nhiều và dày, em đứng đợi xe buýt còn đọc được chứ những người đang đi xe máy mà muốn đọc cũng khó, chưa nói đến chuyện đọc rồi có hiểu hay không. Như em đọc xong bảng này thì hiểu tháng 11.2017 ở đây nhiều bụi và ồn ào nhưng giờ tháng 3.2018 rồi”.
'Kết quả chậm do quy trình hiện tại'
Ông Cao Tung Sơn, Giám đốc trung tâm quan trắc Tài nguyên và Môi trường, thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết theo Tổng Cục môi trường, chỉ số chất lượng nước (WQI) được tính toán thể hiện qua các màu xanh nước biển, xanh lá cây, vàng, da cam, đỏ.
|
Tuy nhiên, hệ thống các bảng điện tử bị giới hạn về màu sắc (chỉ hiển thị 3 màu: đỏ, vàng, xanh lá cây) và ký tự (số dòng) nên Sở Tài nguyên và Môi trường đề xuất thay đổi nội dung trình bày theo thang điểm WQI từ 1 - 100 với mức đánh giá theo thứ tự: Kém < Trung bình < Khá < Tốt < Rất tốt. Tạm thời: màu đỏ là Kém, vàng là Khá, xanh lá cây là Tốt.
Tương tự, chất lượng môi trường không khí chỉ thể hiện được nội dung như sau: 5 thông số đối với chất lượng môi trường không khí bao gồm: NO2, CO, bụi tổng, bụi PM10 và tiếng ồn dưới hình thức bảng màu xanh (đạt quy chuẩn VN) và đỏ (không đạt quy chuẩn VN).
Giải thích về việc số liệu hiển thị quá chậm so với thời gian thực tế, ông Sơn cho hay: "Do đặc thù của quy trình lấy mẫu hiện tại, từ ngày 10 đến 15 tháng sau mới có kết quả phân tích của đợt lấy mẫu tháng trước đó. Sau khi đã có toàn bộ dữ liệu về kết quả quan trắc chất lượng môi trường của thành phố, Trung tâm tiến hành tổng hợp, tính toán, xử lý số liệu và gửi Trung tâm Quản lý đường hầm sông Sài Gòn lên mẫu tin"
Sau khi được phê duyệt, Trung tâm Quản lý đường hầm sông Sài Gòn sẽ thực hiện đăng lên bảng thông tin giao thông điện tử trong khung giờ cao điểm và thấp điểm (từ ngày 20 đến 25 của tháng đó) cho đến khi có kết quả quan trắc của tháng tiếp theo. Do đó sẽ có tình trạng số liệu cũ từ 1 - 2 tháng.
Bình luận (0)