Gõ cần bẫy

29/05/2011 07:47 GMT+7

(TNTS) “Gõ cần bẫy" là tiếng lóng được dùng nhiều lần trong Lộc Đỉnh ký của nhà văn Kim Dung. Cụm từ này được hiểu là thủ pháp đòi hối lộ và ăn hối lộ tinh tế, có khoa học. Sở dĩ nói đến chuyện tinh tế và có khoa học là bởi trong cuộc sống có nhiều người cũng ăn hối lộ nhưng ăn một cách sống sượng, thô bạo. Hành vi đó làm kẻ đưa hối lộ đau xót tâm can, thậm chí còn có thể nổi nóng. Trong nghệ thuật gõ cần bẫy, người đưa hối lộ cảm thấy hạnh phúc được hối lộ, biết là tốn tiền mà vẫn vui vì… hối lộ thật sự hữu ích cho người và cho cả mình.

Là con nít ranh mới đi làm thái giám giả mạo mấy tháng, Vi Tiểu Bảo đã được Khang Hy cho đi theo Sách Ngạch Đồ kiểm kê tài sản của phản thần Ngao Bái. Tổng tài sản của Ngao Bái lớn khủng khiếp. Hắn có trên ba trăm vạn lạng, e còn giàu hơn cả nhà vua. Sách Ngạch Đồ bàn với Vi Tiểu Bảo sửa chữ Tam, bớt đi một nét thành chữ Nhị. Thế là cả hai ăn tươi nuốt sống được một trăm vạn lạng bạc. Vi Tiểu Bảo có được năm chục vạn lạng bằng ngân phiếu. Hắn chia cho bọn đại thần năm vạn lạng; phần hắn còn lại bốn mươi lăm vạn lạng.

Nhưng tham ô gọn nhẹ, âm thầm như thế thật ra cũng chưa sướng. Phải trực tiếp có được đồng tiền tham ô từ thái độ lạnh nhạt của mình và sự thành khẩn chịu đưa hối lộ của "đối tác" mới thật sự làm cho con người khoan khoái. Dịp may đã đến: Ngô Ứng Hùng - con trai của Ngô Tam Quế, từ Vân Nam về công cán ở Bắc Kinh. Ngô Ứng Hùng được mời dự tiệc ở tư dinh Sách Ngạch Đồ. Đây là dịp ngon ăn, Sách Ngạch Đồ mời Vi Tiểu Bảo đến dự tiệc để biết mặt Ngô Ứng Hùng. 

 

Gặp Vi Tiểu Bảo, họ Sách chúc mừng ngay: "Hảo huynh đệ, chúc mừng huynh đệ hôm nay phát tài… Có một món tiền lớn  không chạy đâu được". Vi Tiểu Bảo còn đang ấm ớ chưa hiểu món tiền lớn ở đâu ra thì Sách Ngạch Đồ đã phụ đạo ngay: "Chút nữa, bất kể Ngô Ứng Hùng đưa tặng lễ vật trọng hậu thế nào, huynh đệ cũng không được tỏ vẻ vui mừng. Hãy cứ lạnh nhạt nói: Thế tử đi xa tới Bắc Kinh vất vả quá nhỉ. Nếu hắn thấy huynh đệ mừng rỡ thì không còn đưa tiếp nữa đâu. Cứ lạnh nhạt để hắn cho rằng huynh đệ chê lễ vật quá ít, ngày mai thế nào cũng tìm cách đưa thêm nữa".

Vi Tiểu Bảo hiểu ra đó là phương pháp... gõ cần bẫy. Ngô Tam Quế được phong chức Bình Tây thân vương, cai trị hai tỉnh Vân Nam và Quý Châu. Hắn đã hút máu hút mủ nhân dân và đục khoét công quỹ hai tỉnh này hàng mấy chục năm. Cả Vi Tiểu Bảo và Sách Ngạch Đồ cùng nhận ra rằng nếu lần này mà không gõ cần bẫy Vân Nam tới nơi tới chốn thì vừa phụ tấm lòng của Ngô Tam Quế, lại vừa có lỗi với bá tính hai tỉnh Vân - Quý. “Giáo sư” Sách Ngạch Đồ dạy: "Cái cần bẫy Vân Nam mà không gõ bình bình một phen thì là đồ ngu. Cha hắn ngồi ở hai tỉnh Vân - Quý không biết đã liếm láp bao nhiêu máu mủ của bá tính rồi". Vi Tiểu Bảo nhất trí cao với các lời dạy đó.

Quả nhiên, khi Vi Tiểu Bảo vừa ngồi vào kiệu định ra về thì một bộ tướng của Ngô Ứng Hùng chạy đến nói: "Thế tử xin tặng công công chút lễ mọn, mong công công đừng chê". Hắn chỉ nói: "Đa tạ". Hóa ra chút lễ mọn đó gồm một tập kim phiếu, mỗi tờ mười lạng vàng, tất cả bốn mươi tờ, vị chi là bốn trăm lượng vàng!

Ngay đến vua Khang Hy cũng tạo điều kiện cho Vi Tiểu Bảo ăn hối lộ của Ngô Ứng Hùng. Bọn Mộc vương phủ vốn căm thù Ngô Tam Quế, muốn vu oan giá họa Ngô Tam Quế. Họ cho một toán dũng sĩ liều chết mặc áo trong có thêu chữ "Bình Tây vương phủ" và dùng binh khí có khắc chữ "Tổng binh Sơn Hải quan" đánh vào hoàng cung. Những kẻ bị bắt, bị tra tấn đều khai rằng chúng là bộ thuộc của Ngô Tam Quế. Nhìn những vật chứng áo quần, binh khí và đọc các bản khai cung, vua Khang Hy hiểu ngay bọn này cố ý vu hãm cho Ngô Tam Quế. Bởi con trai Ngô Tam Quế đang ở Bắc Kinh; lão chẳng dại mà đưa người đánh vào hoàng cung.

Nhà vua hỏi Vi Tiểu Bảo: "Ngươi có muốn phát tài không?" và dạy Vi Tiểu Bảo đem mớ vật chứng, cung từ ấy cho… Ngô Ứng Hùng xem chơi. Quả nhiên thấy những món này, Ngô Ứng Hùng sợ đến té đái vãi phân. Thân danh là thái tử nhưng hắn quỳ xuống một cái rụp trước Vi Tiểu Bảo: "Xin công công đại ân đại đức tâu lại rõ ràng cho cha con ty chức. Tính mạng toàn gia ty chức là do công công ban cho".

Thấy cá đã cắn câu, Vi Tiểu Bảo bắt đầu gõ cần bẫy: "Tiểu vương gia đứng dậy đi. Hóa ra đêm trước ngươi đưa ta một phần lễ vật là đã tính đến việc hôm nay rồi. Ha ha". Cú gõ quá nặng khiến Ngô Ứng Hùng lại quỳ xuống. Vi Tiểu Bảo nghĩ: "Nhà Ngô Tam Quế có núi vàng, non bạc. Ta không cần ra giá với hắn". Bèn ra về.

Ngô Ứng Hùng đúng là người biết việc. Hắn rút trong tay áo ra một cái bì thư dâng lên Vi Tiểu Bảo. Thì ra đó là mười vạn lạng toàn bằng ngân phiếu. Vi Tiểu Bảo bỏ túi năm vạn lạng, năm vạn lạng còn lại đưa trình vua Khang Hy.

Nghệ thuật gõ cần bẫy cao nhất là giữ cho thái độ mình lạnh nhạt. Tất nhiên, đó là sự lạnh nhạt giả vờ. Hãy thật sự biến mình thành những kịch sĩ thượng thừa với khuôn mặt buồn muôn thuở. Hãy đè nén cảm xúc khi biết mình sắp có tiền quà hối lộ. Đừng bao giờ thấy tiền quà là sáng mắt lên, nở nụ cười tươi, vồn vã đón tiếp, bắt tay, ôm vai, bá cổ. 

Hãy cứ thản nhiên và tự nhiên như không có việc gì xảy ra, hỏi thăm những câu không nặng cũng không nhẹ: "Anh đi xa vất vả quá nhỉ? Chị nhà có khỏe không? Hình như vừa qua, cơ quan mình có việc gì đó lùm xùm…". Cứ gõ cần bẫy tưng tưng như thế và đừng bao giờ đòi, đừng bao giờ đưa ra mức giá cụ thể. Hãy thuộc lòng một câu xương máu: "Bạn đừng bao giờ ra giá bởi cái người ta đưa cho bạn sẽ có thể cao hơn giá của bạn đưa ra". Trong cuộc sống chúng ta, nhiều người học chưa tới nơi tới chốn nghệ thuật gõ cần bẫy, đã bị các cơ quan pháp luật xử lý.

Những người khôn ngoan nhất ít khi trực tiếp gõ cần bẫy. Họ thường ủy quyền gõ cần bẫy cho vợ, cho con hoặc cho một cấp dưới đáng tin cậy. Trong trường hợp nhờ cấp dưới, họ có thể bị chia chác một chút nhưng thà chia một chút mà an toàn trên xa lộ. Bởi lẽ còn có con người để đổ thừa, có cái lý lẽ để chối tội. Con đường gõ cần bẫy còn dài. Mà đường dài mới hay sức ngựa.

Thật sự nể phục những ông bà lớn tập cho con cái gõ cần bẫy ngay từ thời con cái còn rất nhỏ tuổi. Thông tin trên báo chí cho ta biết ở nhiều nơi, các bậc cha mẹ có quyền thế đã lấy đất của nhà nước phân lô bán cho… con của mình đứng tên. Việc làm đó hơi bầy hầy một tí nhưng nghiệm ra thật khôn ngoan vô cùng vô kể. Bởi nếu có bể bạc đạn ra thì cũng chẳng ai truy cứu trách nhiệm đối với trẻ con chưa thành niên. Còn may mắn trót lọt thì mọi chuyện ngon cơm bởi con rạch nào cũng đổ vào lòng sông lớn.

Vũ Đức Sao Biển

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.