Vợ xách giỏ đi chợ bước vào nhà với giọng hồ hởi: “Hôm nay em mua được mớ ruốc khô với bún mì khô để làm món gỏi cho cha con anh đây!”. Dứt lời, nàng bắc nồi lên bếp lửa cháy bập bùng, cho ruốc khô vào rang vừa chín rồi đổ ra rổ nhựa.
Bún mì trắng phau cho vào ngâm sơ trong nước sôi rồi nhúng qua nước lạnh, vớt ra rổ cho ráo nước. Cho ít dầu phộng lên chảo đun sôi cùng hành tím xắt lát đến khi bốc mùi thơm thì nhấc xuống, người dân quê tôi gọi là khử dầu. Cầm dao dạo quanh vườn nhà cắt mớ hẹ cùng ít rau thơm và rửa sạch, rồi xắt nhỏ cho vào chén.
Bún mì cắt đoạn ngắn cỡ mươi phân cho vào thau nhựa cùng với dầu đã khử rồi dùng đũa đảo đều. Tiếp đến, cho ruốc và gia vị, hẹ và rau thơm xắt nhỏ cùng tỏi băm nhuyễn, thêm ít tiêu xay nhuyễn rồi trộn đều là đã có món gỏi đậm đà hương vị. Đĩa gỏi với màu trắng của mì, màu nâu đỏ của ruốc khô và màu xanh của rau thơm trông thật hấp dẫn.
|
Thuở cơ cực, đĩa gỏi bún mì trộn ruốc khô thường hiện diện trên mâm cỗ vào dịp giỗ chạp thay cho tấm lòng thành của cháu con dâng lên tiên tổ. Giờ vẫn còn nhiều người chế biến món gỏi đơn sơ dâng cúng tổ tiên như muốn tưởng nhớ về những tháng ngày khốn khó. Những người con tha hương, mỗi khi nhẩn nha nhai gỏi bún mì trộn ruốc khô lòng chợt cồn cào, da diết nhớ về miền quê yêu dấu những ngày xa.
Bình luận (0)