Grabbike - Những cuốc xe đời: Phóng viên Thanh Niên vào nghề GrabBike

11/09/2017 09:36 GMT+7

Chỉ cần trên 18 tuổi, có xe máy và điện thoại thông minh là có thể trở thành tài xế GrabBike với thu nhập từ 8 - 10 triệu đồng/tháng chưa kể chương trình thưởng tuần, thưởng tháng.

Lời chào mời đó đã thu hút sự chú ý của nhiều tầng lớp: anh thợ hồ, bạn sinh viên, cô nhân viên văn phòng, bác lao công, chàng cử nhân… Bây giờ ra đường không khó để nhận thấy màu xanh lá cây (đồng phục của tài xế GrabBike) tràn ngập.
Do sự linh hoạt giờ giấc, chạy xe ôm công nghệ GrabBike hoặc UberMoto có thể là một nghề bán thời gian phù hợp cho mọi giới, đặc biệt là sinh viên. Nhưng chọn nó làm nghề kiếm sống lại không dễ dàng như nhiều người nghĩ. Hơn hai tháng làm tài xế GrabBike, người viết gửi đến bạn đọc cái nhìn chân thực nhất về nghề đang “nóng phỏng tay” này.

tin liên quan

Cử nhân chạy xe ôm
Đội ngũ chạy xe ôm công nghệ ngày càng trở nên đông đảo với phần “góp sức” của các cử nhân ra trường nhưng không có cơ hội làm đúng ngành nghề.
Sức hút GrabBike
Sáng 19.6, nắng gắt váng cả đầu nhưng điểm kiểm tra xe của người muốn chạy GrabBike (268 Tô Hiến Thành, Q.10, sau lưng Big C) vẫn đông nườm nượp. Hàng chục người kiên nhẫn ngồi trên xe máy dài dằng dặc đủ các loại từ Wave, Sirius, Air Blade, Exciter và có cả…SH, Vespa Piaggio đời mới giá gần cả trăm triệu đồng nhích từng chút một chờ đến lượt.
“Mình dạy dưới Đa Phước, Bình Chánh. Hè học sinh nghỉ hết nên đăng ký chạy Grab kiếm thêm”, Công Nguyên -người chạy xe SH, cho biết.
Bàn xét hồ sơ và đăng ký

Nơi kiểm tra giấy tờ là một cái bàn nhỏ, hai nhân viên làm không ngơi tay. Một thanh niên dáng vẻ khắc khổ, chân đi dép, quần ống thấp ống cao đứng gãi đầu gãi tai khi nhân viên yêu cầu bổ sung thêm giấy tờ vì xe mua... trả góp. “Tui làm phụ hồ được 200.000 đồng/ngày mà bữa đực, bữa cái. Nghe nói chạy Grab sống cũng được nên mua trả góp chiếc xe đặng chạy kiếm cơm”, anh phân trần.
Qua vòng kiểm tra xe và giấy tờ, tôi được hướng dẫn lên lầu học cách xài ứng dụng nhận khách và quy tắc ứng xử. Sau đó, tất cả phải làm một bài kiểm tra 20 câu, đúng 17 câu trở lên mới được đậu.
Tầm sư học “mánh”


Năm 2011, hai người Malaysia Anthony Tan và Hooi Ling Tan nảy ra ý tưởng về ứng dụng đặt xe Grab.
Grab là ứng dụng trên thiết bị di động để đặt xe hơi, xe máy, chuyển phát... bằng hình thức tận dụng xe sẵn có của mỗi cá nhân, bất cứ ai (từ 18 - 58 tuổi) đều có thể trở thành tài xế toàn hoặc bán thời gian. Bắt đầu từ năm 2012, Grab nhanh chóng phát triển tại 6 nước ASEAN: VN, Singapore, Malaysia, Thái Lan, Philippines và Indonesia.
Một hình thức tương tự và cạnh tranh trực tiếp với Grab hiện nay là Uber. Gia nhập vào VN năm 2014, Grab và Uber nhanh chóng được người VN đón nhận vì giá rẻ.

GrabBike tại TP.HCM có tám đội: Chiến Thắng, Phương Nam, Hy Vọng, Nghệ Tinh, Đoàn Kết, Kỳ Diệu, Tia Sáng và Soái Ca. Mỗi đội trưởng phụ trách một số quận, có nhiệm vụ hướng dẫn, giải đáp thắc mắc, hỗ trợ khi thành viên trong đội gặp sự cố. Tôi ở Q.2 nên vào đội Soái Ca do Phạm Nguyễn Viết Khánh, 25 tuổi, làm đội trưởng.
“Từ 6 - 9 giờ sáng dễ có cuốc vì đó là thời gian khách đi làm. Sau cơn mưa, lượng khách có nhu cầu di chuyển cao, nên anh phải sẵn sàng mở máy, kiểm tra định vị và 3G để không bị lỡ cuốc. Nếu chịu khó cày đêm, từ 12 giờ đêm đến 5 giờ sáng, mỗi cuốc sẽ được cộng thêm 10.000 đồng...”, Khánh hướng dẫn.
Là lính mới nên phải “tầm sư” học kinh nghiệm càng nhiều càng tốt, tôi tiếp tục mò đến quán Nalee Kafe (Q.Tân Bình, gần sân bay). Đây là điểm tụ tập quen thuộc của cánh tài xế Grab, Uber… Anh em nào mệt có thể ghé qua tắm, hoặc lăn ra cái phản (đặt ngay trong quán) để chợp mắt.
Thấy tôi có vẻ thật thà, một “ma cũ” trong nghề truyền ba chiêu rất dễ nhận được tiền bo của khách. Thứ nhất, luôn đặt sự an toàn của khách lên cao. Thí dụ nhà khách ở trong hẻm, khách nói chỉ cần tới đầu hẻm là được, mình hãy đề nghị chở đến tận nhà. Khách thấy mình tận tụy, sẽ bo.
Một nữ Grabike

Thứ hai, chở khách sẽ có nhiều người “quăng bom” (khoác lác), đừng bực bội mà ngược lại, hãy “vuốt đuôi” theo, thế nào cũng có bo. Cao cấp nhất là chiêu “khổ nhục kế”. Khi thối tiền hãy làm bộ không có tiền lẻ. Dĩ nhiên, đừng làm những trò nhỏ mọn như bọn khác là thối thiếu cho khách. Không, ta phải chơi cao cơ hơn, thối… thừa cho khách.
Thí dụ, cuốc xe 45.000 đồng hãy lấy khách 40.000 đồng (dù mình có tiền lẻ). Thông thường, khách sẽ ngại khi phải “mang ơn” mình nên sẽ đưa 50.000 đồng và cho thêm số còn lại.

tin liên quan

Cử nhân chạy xe ôm: Lỗ hổng từ nhiều phía
Theo các chuyên gia, sự gia tăng đội ngũ cử nhân chạy xe ôm là một hiện tượng xã hội mới, không ổn đối với nền giáo dục và sự phát triển của xã hội. Thực tế này buộc phải nhìn lại từ công tác đào tạo, tuyển dụng đến kỹ năng thích ứng của người lao động...
Ôm theo ba tuyệt chiêu sư huynh mới truyền dạy, tôi tràn đầy phấn khởi mở ứng dụng, phóng xe ra đường. Chưa đầy 15 phút điện thoại đã “nổ” (báo có khách). Vừa lên xe, sau vài câu hỏi thăm tài xế là khách bắt đầu “quăng bom” về dự án nhà tỉ này tỉ nọ. Ý trời rồi! Vô chiêu số hai. Tôi gật gù dạ dạ, thỉnh thoảng lại chêm một câu: “Ghê thiệt, anh giỏi quá!”.
Được khen, khách cao hứng chém tới tấp. Tới nơi, cuốc chỉ phải trả 14.000 đồng, khách đưa tờ 20.000 đồng, tôi bồi luôn tuyệt chiêu cuối cùng: “Xin lỗi anh, em vừa thối hết tiền lẻ rồi, nên lấy anh 10.000 đồng cũng được”.
Khách hơi ngần ngừ suy nghĩ một chút rồi cất tờ 20.000 đồng vào, lấy ra tờ... 10.000 đồng kèm lời cảm ơn rất lịch sự: “Cảm ơn em nhiều nhé”. Tổ trác!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.