Gương sáng biên cương: Ươm giấc mơ con chữ cho học trò

29/07/2021 10:16 GMT+7

Sau nhiều năm gắn bó với học sinh vùng cao xã Đắk Ngo, huyện biên giới Tuy Đức (Đắk Nông), cô giáo trẻ Hồ Thị Hương (32 tuổi) được các em coi như người mẹ thứ hai của mình.

Bước ngoặt cơ duyên

Tính đến nay, cô giáo Hồ Thị Hương đã có hơn 10 năm công tác tại Trường tiểu học và THCS Trần Phú (bản Giang Châu, xã Đắk Ngo). Đắk Ngo là một trong những xã nghèo của tỉnh Đắk Nông, phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số. Chính vì vậy, một cô giáo từ phương xa đến và gắn bó hơn 10 năm như cô Hương thật sự rất hiếm.
Ngay bản thân cô Hương cũng phải thừa nhận những ngày đầu mới đến Đắk Ngo, cô không dám tin mình sẽ ở lâu đến vậy. “Lúc mới đến đây hoang vu lắm, chỉ lưa thưa vài nóc nhà, em nghĩ chắc mình cũng chỉ ở một thời gian rồi về”, cô Hương kể lại.
Sinh ra và lớn lên ở Đắk Lắk, năm 2011 khi vừa tốt nghiệp Trường cao đẳng Sư phạm Trung ương Nha Trang, Hương quay về lại nơi mình sinh ra với mong muốn tìm được một trường tiểu học để dạy. Tuy nhiên dù đã gửi hồ sơ rất nhiều nơi nhưng không trường nào nhận. Trong lúc đang loay hoay tìm việc thì một người thân ở xã Đắk Ngo báo cho Hương biết Trường tiểu học Kim Đồng (sau này là Trường tiểu học và THCS Trần Phú) đang thiếu giáo viên. Không mất quá nhiều thời gian suy nghĩ, chỉ vài ngày sau đó cô đã khăn gói nhờ anh trai của mình chở đến trường để nộp hồ sơ.
Lần đầu đặt chân đến xã Đắk Ngo, Hương vô cùng hoang mang. Mặc dù là người con lớn lên ở Tây nguyên, nhưng vì ít đi lại nên Hương không nghĩ có những nơi đời sống dân cư lại khó khăn như ở đây. “Khi đó ở đây ít dân mà toàn là bà con đồng bào dân tộc thiểu số nên hỏi đường rất khó. Hai anh em đi từ Đắk Lắk lúc 5 giờ sáng, nhưng đến được bản Giang Châu là trời vừa tối. Đường đất đỏ rất khó đi và bụi, nhớ nhất là cái áo khoác trắng vừa tới nơi bị nhuộm đỏ luôn”, cô Hương kể lại buổi đầu đặt chân đến vùng đất mới mẻ này.

Gắn bó vì thương học sinh nghèo

Những khó khăn ban đầu đó chưa đáng gì so với thời gian cô Hương sống tại bản Giang Châu. Vì là một xã nghèo ở vùng sâu nên đường sá khi ấy vẫn còn đường đất đỏ. Mùa mưa thì phải quấn xích vào lốp xe để chống trượt, tệ hơn nữa có nhiều chỗ phải chấp nhận lội bùn. Mùa nắng cũng không khá hơn là bao, vì đường bụi nhiều nên phải mang áo mưa để chống bụi. Những tháng thiếu nước sinh hoạt thì chiều đến, khi vừa dạy xong phải chạy đi xin tắm nhờ.
Khi ấy Hương chỉ mới 22 tuổi, nên lắm lúc cô cũng nghĩ đến chuyện chia tay vùng biên này. Nhưng qua một thời gian sống tại Giang Châu, cô cảm nhận được người dân vô cùng yêu quý mình. Hơn nữa, các em học sinh ở đây cũng rất đáng thương nên cô đã quyết định gắn bó lâu dài.
Cô Hương kể, nhiều học sinh ở đây nhà rất xa, có em nhà cách trường hơn 10 km. Những năm gần đây đã có xe đưa đón, chứ lúc trước các em phải đi nhờ xe công nông của các bác nông dân. Những hôm không đi nhờ xe được, các em phải đi bộ quãng đường xa để đến trường.
Cha mẹ nghèo nên hầu hết học sinh đi học không có quần áo tươm tất để đến trường, nhiều em còn không có dép để mang, ngày ngày phải đi chân đất qua những con đường đá gập ghềnh để kiếm con chữ. “Nhìn học sinh mình như thế, sao mà đi nơi khác cho được. Nếu ai đến đây cũng thấy khó mà bỏ đi thì đến bao giờ các em nhỏ được học chữ”, cô Hương kể lại những suy nghĩ khi ấy.
Gương sáng biên cương: Ươm giấc mơ con chữ cho học trò1

Tất cả vì giấc mơ con chữ

Quyết định gắn bó lâu dài với vùng đất còn nhiều khó khăn, cô Hương luôn trăn trở tìm cách giúp đỡ học sinh. Ban đầu, để giải quyết tình trạng học sinh bị thương ở chân do không có dép mang, cô cùng một số giáo viên khác trong trường đã đi xin dép khắp nơi. Nhiều nhà hảo tâm cảm động nên giúp đỡ rất nhiệt tình. Sau khi kêu gọi hỗ trợ dép cho học sinh thành công thì mùa mưa ập đến, các em lại phải đối mặt với cái lạnh vì thiếu áo. Nhìn học sinh run bần bật mỗi khi đến lớp, cô giáo trẻ tiếp tục đi xin quần áo.
Cứ như vậy, cô Hương và một số giáo viên khác đi quyên góp hết thứ này đến thứ khác từ khắp nơi mang về cho học sinh của mình. Những năm gần đây, cô còn tổ chức chương trình “Áo trắng đến trường” nhằm kêu gọi giúp đỡ các em có áo trắng đi học. Năm đầu tiên kêu gọi chỉ được khoảng hơn 30 bộ quần áo, tuy nhiên những năm sau số lượng áo tăng lên đáng kể, hơn 150 bộ. Đặc biệt trong năm học 2018 - 2019, cô Hương kêu gọi được hơn 500 bộ quần áo nhờ sự giúp đỡ từ khắp nơi trên cả nước. Đến nay, cô đã vận động được hơn 3.000 bộ quần áo cho học sinh.
Ngoài kêu gọi quần áo, giày dép, sách vở..., cô Hương còn mở một bếp ăn tình thương để phục vụ bữa ăn sáng miễn phí cho học sinh. Trường tiểu học và THCS Trần Phú hiện có hơn 880 học sinh, tỷ lệ học sinh là người đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 80%. Trong đó, bậc tiểu học có hơn 230 học sinh và bậc THCS hơn 650 học sinh.
Dẫu cô giáo trẻ của Trường tiểu học và THCS Trần Phú đã nỗ lực để học sinh của mình không cảm thấy thiếu thốn mỗi khi đến trường, nhưng đối với những đứa trẻ đã chịu cái nghèo đeo bám từ khi mới sinh ra, thì như vậy vẫn chưa bao giờ là đủ. Vì vậy rất nhiều em học sinh không mặn mà với việc học, thay vào đó thường lên nương rẫy phụ bố mẹ làm việc.
Không thể đứng nhìn học sinh bỏ học, cô Hương liên tục đến từng nhà vận động các em quay lại trường. Đối với những học sinh khó khăn không có tiền đi học, cô kêu gọi các giáo viên trong trường cùng chung tay giúp đỡ. Nhờ vậy tình trạng học sinh nghỉ học những năm gần đây giảm thấy rõ. “Ở đây hầu hết người dân trồng điều, nên cứ tới mùa điều, các em không đi học để ở nhà đi nhặt điều với bố mẹ. Các thầy cô phải vất vả đến từng nhà để khuyên các em đi học. Có nhiều trường hợp các em nhất quyết không đi, thì cũng cố thuyết phục cho các em học một buổi rồi một buổi đi nhặt điều. Nếu để các em nghỉ luôn vào mùa điều là các em sẽ không quay lại trường nữa”, cô Hương chia sẻ.
Cô Hương cùng gia đình (chồng và 2 đứa con) đang sống trong ngôi nhà cạnh Trường tiểu học và THCS Trần Phú. Từ nhiệt huyết và tình cảm chân thành dành cho học sinh vùng biên, cô đã nhận lại rất nhiều sự yêu mến. Nhiều học sinh của bản Giang Châu xem cô Hương như người mẹ thứ hai của mình. Cứ hễ có chuyện là chạy đến tìm cô để nhờ cô giúp đỡ, hay những khi rảnh thì chạy đến nhà cô để chuyện trò, vui chơi...
Xã Đắk Ngo là một trong những xã nghèo của tỉnh Đắk Nông; diện tích hơn 16.786 ha, nhưng dân số của xã chỉ 12.290 người với 2.687 hộ, trong đó tỷ lệ người đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 68%. Những năm gần đây, nhờ chương trình xây dựng nông thôn mới đã thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm đáng kể, từ hơn 53% những năm trước còn 39% tính đến cuối năm 2020.
Ông Nguyễn Bi, Hiệu trưởng Trường tiểu học và THCS Trần Phú, chia sẻ những năm qua cô Hương luôn tích cực vận động chăm lo cuộc sống của học sinh. Phía nhà trường rất tự hào và cũng thường xuyên đồng hành cùng cô trong những lần vận động giúp đỡ học sinh.
Nhờ những đóng góp ở vùng biên giới xa xôi mà những năm gần đây, cô Hương liên tục nhận được khen thưởng của các cấp chính quyền. Trong đó, năm 2019 cô nhận được bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác giáo dục học sinh dân tộc thiểu số tại vùng sâu, vùng xa và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; và bằng khen của Ủy ban T.Ư Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam vì đã có thành tích xuất sắc trong sự nghiệp bồi dưỡng giáo dục thế hệ trẻ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.