Hà Nội vắng dần những hòm thư

02/03/2011 07:11 GMT+7

Những hòm thư sơn vàng bên trong đầy các bì thư đang trở thành hiếm hoi, những lá thư dán tem cũng vơi dần…

Những bức thư bỏ trong phong bì, một thời là cách gửi lời yêu thương của nhiều thế hệ. “Mỗi khi viết xong bức thư, cẩn thận dán tem rồi nâng niu bỏ vào thùng. Thùng thư bao giờ cũng đầy, bỏ lá thư vào rồi mà vẫn chưa yên tâm, lại phải dùng cây đẩy cho rơi xuống rồi mới đành lòng đi”, một người thuộc thế hệ 5X nói với chúng tôi như vậy.

Nhưng rồi internet, điện thoại ra đời, những lá thư dần bị quên lãng. Đứng trước cửa bưu điện Bờ Hồ cả buổi sáng, gần trưa chúng tôi mới gặp một người bỏ thư vào thùng. Hỏi chuyện người gửi thư là ông Vũ ở Q.Hoàn Kiếm, ông nói: “Đây là thư gửi đến các cơ quan, chứ con cháu ở xa nhưng tôi cũng chả gửi thư, cái này bây giờ ai dùng nữa đâu”.

Đến bưu điện ở trước cổng làng sinh viên Hacinco tại P.Nhân Chính, Q.Thanh Xuân vừa đúng lúc nhân viên chuyển phát mở thùng thư. Chiếc thùng gần như trống rỗng, chỉ khoảng 20 cái thư. Chủ yếu là thư gửi đến các cơ quan và lèo tèo vài lá thư “truyền thống”.

Anh Cảnh, nhân viên chuyển phát cho biết, mỗi ngày anh mở thùng thư hai lần, lúc gần trưa và cuối giờ chiều, lần nào cũng chỉ vài lá thư. Khác với ngày xưa có hòm thư mở mỗi giờ một lần mà lúc nào cũng đầy ắp.

 
 Những thùng thư ở Bờ Hồ nay ít người sử dụng - Ảnh: Ngọc Thắng

Hiếm hoi lắm mới tìm được một thùng thư vàng đứng lạc lõng trước cổng trường ĐH Sư phạm I, một vài bạn sinh viên đứng cạnh đó. Khi được hỏi, bạn Trần Trang - sinh viên ở đây cho biết, “Mình học năm thứ 4 rồi nhưng chưa bao giờ sử dụng đến thùng thư này. Giờ có người hỏi đến mới để ý đến nó đấy”.

Gắn bó với nghề bưu tá gần hai mươi năm nay, bác Thủy, nhân viên bưu tá ở Cầu Giấy kể: “Ngày trước mỗi ngày tôi đưa hàng trăm bức thư. Đem thư đến đâu, người ta vui vẻ, háo hức đến đấy. Giờ cầm mỗi ngày tầm vài chục cái, chủ yếu là các loại đơn từ, công văn, người nhận cũng chẳng mặn mà, hiếm lắm mới có một vài cái thư truyền thống, nghĩ mà buồn, nhưng cũng chẳng biết nói thế nào”.

Để chứng minh những điều mắt thấy, tai nghe, chúng tôi thử đi tìm mua một con tem, nhưng các hiệu sách, cửa hàng tạp hóa đều không có, phải ra tận bưu điện. Số lượng tem bán được ở các bưu điện lớn cũng không phải là nhiều.

Chị Lê Mai Hoa, nhân viên bưu điện Bờ Hồ cho biết, mỗi ngày chị chỉ bán được vài chiếc, ngày nhiều mới được vài chục chiếc. Đấy là chuyện ở bưu điện trung tâm, tại các bưu cục nhỏ, có khi một ngày không bán được chiếc tem nào.

Số lượng người dùng tem thư ngày càng ít, vì thế lượng phát hành tem cũng “đi xuống”. Chị Bích Vân - Trưởng phòng Kinh doanh Tổng công ty Tem cho biết “Để sản xuất được một con tem không phải là chuyện dễ và còn rất tốn kém. Mỗi con tem hiện nay bán với giá 2.000 đồng nhưng giá thành làm ra mỗi con tem phải gấp đôi như vậy. Vậy mà lượng tem phát hành hiện nay giảm hơn 20% so với 5, 10 năm trước.

Đến đây, tôi lại nhớ đến câu chuyện chả biết nên vui hay buồn của nhà sưu tầm tem Phạm Hào: “Đúng ngày giải phóng thủ đô 10.10 năm ngoái, tôi vào một trong những bưu điện lớn của Hà Nội hỏi mua con tem có hình Cột cờ. Cô bán hàng thản nhiên xé một con tem, đưa cho. Khi tôi bảo muốn mua cả tờ, các nhân viên ở đó nghe thấy thế thì nhìn tôi như người ngoài hành tinh. Vì lúc đó, họ chỉ có 10 con tem, cô nhân viên khất khéo, mấy ngày nay không ai mua, đến hôm nay mới có anh mua tem. Để em gọi trên kho xuất xuống, ngày mai anh quay lại được không?”…

Trang Thu

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.